Khoảng 5% học sinh TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn khi học trực tuyến

Thứ Bảy, 04/09/2021, 18:57

Tại họp báo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh chiều 4/9, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thành phố, Nguyễn Văn Hiếu cho biết, năm học 2021-2022 ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là tất cả học sinh của thành phố không được đến trường mà khởi đầu năm học mới trên môi trường internet.

Từ ngày 6/9 học sinh THCS, THPT của thành phố bắt đầu năm học mới. Riêng cấp tiểu học là ngày 8/9 các em tập trung và có gần 2 tuần làm quen với bạn bè, lớp, đặc biệt là hướng dẫn các em lớp 1, 2 làm quen với môi trường học tập mới. Trong thời gian này, Sở GD-ĐT kết hợp với Đài Truyền hình thành phố tổ chức ghi hình các tiết dạy, trong đó chọn lựa các thầy cô có nhiều kinh nghiệm giảng dạy lớp 1, lớp 2 để ghi hình.

Theo thống kê, số học sinh ở các cấp học, bậc học thiếu điều kiện học tập trực tuyến khá lớn. Có khoảng 75.000 học sinh ở các cấp học, trong đó tiểu học nhiều nhất với khoảng 31.000 học sinh, THCS khoảng 22.000 học sinh và THPT hơn 15.000 học sinh.

Với khoảng 5% học sinh không thể tiếp cận được với tất cả phương tiện dạy học, Sở đã tổ chức các phiếu học tập, sử dụng mạng lưới cộng tác viên hỗ trợ đến từng nhà. Tất cả các phường đều có mạng lưới cộng tác viên, giáo viên tình nguyện để đưa phiếu học tập, hướng dẫn học tập từng em học sinh.

TP Hồ Chí Minh có khoảng 5% học sinh gặp khó khăn ghi học trực tuyến -0
Sử dụng cộng tác viên hỗ trợ các học sinh không thể tiếp cận được với phương tiện dạy học.

Sở GD-ĐT cũng đưa ra các nhóm giải pháp hỗ trợ học sinh học tập trong học kỳ này. Nhóm thứ nhất là dạy học qua truyền hình và sử dụng kho tài liệu trực tuyến của ngành giáo dục. Trong đó, Sở GD-ĐT phối hợp với Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh triển khai dạy – học trên truyền hình. Đặc biệt, sẽ ưu tiên các nội dung dạy cho học sinh kỹ năng tự học, hướng dẫn phụ huynh cùng tham gia, hỗ trợ con em mình học trên internet.

Nhóm thứ 2 là hỗ trợ điều kiện học trực tuyến cho học sinh (đường truyền, thiết bị, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…). Sở GD-ĐT cũng sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị viễn thông; các nhà cung cấp nhằm hỗ trợ các gói đường truyền, gói mua giảm giá hoặc trả góp các thiết bị nhằm đảm bảo đủ thiết bị, đường truyền phục vụ dạy – học trực tuyến cho học sinh.

Trong trường hợp học sinh quá khó khăn, không thể tiếp cận việc học trực tuyến bằng các hình thức trên; các trường sẽ thực hiện các phiếu học tập, đưa các phiếu học tập đến cho học sinh, đảm bảo các em nắm bắt được bài học, đảm bảo tiến độ học tập. Những học sinh này sẽ được đánh giá, kiểm tra và tạo điều kiện quan tâm, kèm cặp riêng ngay khi có điều kiện học trực tiếp để bù đắp những hạn chế gặp phải.

Nhóm thứ 3 là chuẩn bị kế hoạch đảm bảo chất lượng giảng dạy khi học sinh nhập học trở lại. Khi thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh, các cơ sở giáo dục dần được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng, chống dịch, ngành GD-ĐT sẽ đẩy nhanh tiến độ cho trẻ đến trường, tranh thủ “khoảng thời gian vàng”, ưu tiên các khối lớp 1, 2, đầu và cuối cấp chia nhỏ lớp để học trực tiếp, các khối khác tiếp tục học trực tuyến đến khi ổn định trở lại...

Theo ông Hiếu, hiện có khoảng 6.600 học sinh ở các cấp học của TP Hồ Chí Minh đang là F0, hầu hết các em đều không triệu chứng. Do đó, những học sinh này tham gia học trực tuyến ở trong khu cách ly hoặc đang cách ly tại nhà. Có những trường hợp đặc biệt, thầy cô giáo sẽ quan tâm để chia sẻ cho các em học tập.

 

 

 

 

Nguyễn Cảnh
.
.
.