Arsenal và hội chứng khủng hoảng hậu “kỷ nguyên vàng”

Thứ Tư, 23/03/2016, 09:00
Arsenal vừa xuất sắc có được chiến thắng 2-0 trên sân đối thủ khó chịu Everton hôm thứ Bảy. Nhưng kết quả đó cũng chẳng thể khiến cơ hội vô địch của thầy trò Arsene Wenger trở nên sáng sủa hơn. Arsenal vẫn đang kém đội đầu bảng Leicester City tới 11 điểm trong khi CLB thành London chỉ còn trong tay 8 vòng đấu.


Tại sao Arsenal kiên nhẫn với Wenger?

Có thể nói, nguy cơ về một mùa giải trắng tay nữa đang hiển hiện trước mắt thầy trò HLV Arsene Wenger. Sau 2 danh hiệu liên tiếp tại FA Cup mang tính an ủi trong 2 năm gần đây, mùa này Arsenal khó có thể tránh khỏi cảnh trắng tay. Họ đã lần lượt bị loại tại Captial One Cup, FA Cup và tuần vừa rồi là Champions League. Còn cánh cửa hướng tới ngôi vương ở giải Ngoại hạng thì vô cùng mờ mịt. Chẳng còn gì có thể an ủi nỗi đau và sự mòn mỏi chờ đợi của các CĐV Pháo thủ, cho dù đó có là tình cảm và sự nể trọng dành cho Arsene Wenger - người đã mở ra 1 kỷ nguyên mới trong lịch sử đội bóng.

Những tiếng la ó, những lời chỉ trích và cả những tấm băng rôn đòi sa thải vị HLV người Pháp đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại Emirates. Không chỉ các CĐV mà ngay cả những người từng là học trò của Giáo sư, ví dụ như huyền thoại Thierry Henry đều chĩa mũi giáo vào Wenger và cho rằng Arsenal cần thay đổi.

Những áp lực ấy đang ngày càng lớn đến mức, một người nổi tiếng là lịch thiệp, hiền lành như Wenger cũng đã phải nổi khùng. Tuần vừa rồi, Giáo sư đã giận dỗi nhắc cho người ta nhớ vai trò của ông tại Arsenal với lời khẳng định: "CLB này là do một tay ông xây dựng lên". "Nếu bạn so sánh đội bóng khi tôi mới đến và bây giờ, đó là một sự phát triển mà tôi không cần đến sự trợ giúp từ bất kì ai", HLV Wenger phát biểu trước báo giới.

Trước đó ít ngày vị thuyền trưởng của Arsenal cũng từng trách móc các CĐV nhà trong cuộc họp báo trước trận tứ kết FA Cup với Watford: "Tôi phải là Chúa mới thỏa mãn được các CĐV của Arsenal".

Ban lãnh đạo Arsenal chưa sẵn sàng để chia tay Wenger.

Những điều đó cho thấy mối lương duyên giữa Arsenal và Wenger hiện không còn yên ả. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là tại sao Ban lãnh đạo CLB này vẫn chưa hề có động thái gì về một cuộc thay tướng? Nó khác hẳn với những gì diễn ra tại Old Trafford khi mà tương lai của van Gaal luôn bị đe dọa bởi Jose Mourinho.

Câu trả lời có lẽ nằm ở chỗ, các ông chủ của Arsenal e ngại một cuộc khủng hoảng lớn hơn nữa khi Wenger không còn hiện diện ở Emirates. Dưới sự dẫn dắt của Giáo sư có thể Arsenal đã trải qua hơn 1 thập kỷ (chính xác là 12 năm) không biết đến mùi vô địch Premier League.

Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó, đội bóng này vẫn có được một sự ổn định nhất định. Họ vẫn luôn có một vị trí trong Top 4 và vẫn là một vị khách quen tại vòng knock-out Champions League. Những kết quả ấy rõ ràng không phải là quá tệ nếu xét trên sự vũ trang lực lượng không phải là quá mạnh tay của Arsenal so với các ông lớn ở giải Ngoại hạng. Và chẳng có gì đảm bảo rằng nếu triều đại của Wenger sụp đổ, Pháo thủ vẫn còn duy trì được thành tích như vậy.

Ban lãnh đạo của Arsenal có lí do để nhìn sang kình địch một thời Manchester United mà lo lắng. Nếu Mourinho đến với sân Old Trafford ở mùa giải sang năm đúng như những gì người ta đồn đoán thì Man United sẽ có vị HLV thứ 3 chỉ sau 4 mùa kể từ khi Sir Alex Ferguson giải nghệ. Cùng với đó là một núi tiền thực sự đã được đổ ra trên thị trường chuyển nhượng, nhưng Quỷ đỏ thì vẫn cứ lạc lối.

Chỉ riêng 2 năm dưới thời Louis van Gaal, Manchester United đã ném tổng cộng 335 triệu euro vào thị trường chuyển nhượng. Con số này 1 năm trước đó cùng David Moyes là gần 78 triệu euro. Chỉ có điều, hơn 400 triệu euro ấy của Manchester United lại chỉ đổi được một con số 0 tròn trĩnh không hơn không kém. Không danh hiệu, một lối đá nhạt nhòa và thậm chí việc giành vé dự Champions League giờ cũng là thứ chẳng hề đơn giản với M.U.

Hội chứng khủng hoảng hậu “kỷ nguyên vàng”

Những gì diễn ra chắc chắn là thứ mà vài năm trước khi HLV Alex Ferguson còn nắm quyền thì có nằm mơ các CĐV của Manchester United cũng chẳng thể nghĩ đến đội nhà rơi vào tình trạng thảm hại đến thế. Thật ra, thứ mà M.U đang trải qua được gọi là hội chứng khủng hoảng thời kì hậu kỷ nguyên vàng. Nó diễn ra sau sự ra đi của một nhà quản lý kiệt xuất, để lại cả một kỷ nguyên đồ sộ cho đội bóng.

Về lý thuyết, Manchester United đã làm mọi cách để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng được báo trước ấy. Tiền đã được chi rất mạnh tay, nhiều hơn rất nhiều dưới triều đại của Alex Ferguson. Họ cũng đã có những sự lựa chọn có thể coi là khôn ngoan trên băng ghế huấn luyện.

Ai đó có thể cười nhạo cuộc phiêu lưu ngắn ngủi và thất bại của David Moyes ở Old Trafford. Song cần nhớ rằng Moyes chính là người được đích thân Sir Alex gửi gắm. Ở Moyes có đầy đủ những tố chất để kế vị thành công Alex Ferguson. Giàu kinh nghiệm, tận tụy, là người của Vương quốc Anh, kiên nhẫn tạo cơ hội thăng tiến cho các cầu thủ trẻ; thành tích của Moyes ở Everton cũng đầy ấn tượng, mặc dù nguồn lực ông có trong tay là cực kỳ hạn chế. Ấy vậy mà, người đàn ông Scotland này đã "ngã ngựa" rất nhanh.

Tương tự như vậy, phương án B mang tên Louis van Gaal ban đầu có thể coi là một sự lựa chọn hoàn hảo. Một chiến lược gia hàng đầu thế giới với bản thành tích đồ sộ ở các đội bóng lớn Barcelona và Bayern Munich, chinh phục châu Âu bằng đội hình trẻ trung Ajax, kiên định cả về bản thân lẫn triết lý bóng đá cá nhân, có khả năng thu hút các tên tuổi lớn. Nguồn lực của Manchester United, triết lý của Van Gaal, lẽ nào lại thất bại? Vậy mà, thật khó tin là bông tulip thép đang thất bại, nếu không muốn nói là thất bại thảm hại.

Tất cả những gì đã diễn ra nói lên một sự thật là để khép lại một trang sử dài và hiển hách trong lịch sử 1 CLB là điều không hề đơn giản. Không dễ để lấp chỗ trống của 1 HLV đã gắn bó và một tay gây dựng đội bóng trong hàng chục năm như Alex Ferguson để lại.

Các CĐV Arsenal giăng biểu ngữ đòi sa thải Wenger.

Trên thực tế, hội chứng đặc biệt này không chỉ xảy ra ở Manchester United, mà nó xuất hiện ở mọi đội bóng có những nhân vật xuất chúng giống như Alex Ferguson. Chẳng đâu xa trong quá khứ chính đội chủ sân Old Trafford từng rơi vào hoàn cảnh hệt như hiện nay.

Sir Matt Busby - người đã giúp Manchester United giành chức vô địch Cúp C1 đầu tiên trong lịch sử thậm chí từng bị Wilfred McGuinness, HLV kế nhiệm ông chỉ trích là "có tầm ảnh hưởng quá lớn" ở CLB ngay cả khi đã ra đi. McGuinness bị sa thải chỉ 1 năm sau đó.

Nhường chỗ cho Matt Busby quay trở lại huấn luyện thêm 2 năm nữa, trước khi nghỉ hẳn. Tổng cộng ở nhiệm kỳ đầu tiên dẫn dắt Manchester United, Sir Matt Busby đã có 25 năm nắm quyền (từ 1945 đến 1969). Và sau khi vị HLV huyền thoại này rút vào hậu trường, các CĐV của Quỷ đỏ đã phải chờ 26 năm (tính từ chức vô địch Anh cuối cùng dưới thời Sir Matt Busby) mới được tận hưởng niềm vui đứng trên đỉnh cao nhất của bóng đá Anh.

Không phải ai khác, danh hiệu mà Manchester United phải mòn mỏi trông chờ ấy đã được chính Sir Alex Ferguson giải hạn. Phần còn lại của câu chuyện là lịch sử. Người đàn ông người Scotland này đã mở ra một triều đại huy hoàng, đáng ngưỡng mộ nhất trong thế giới bóng đá.

Vậy đấy, Manchester United đã phải chờ 1/4 thế kỷ mới giải quyết được cuộc suy thoái hậu Matt Busby. Họ cần 17 năm cho đến khi Sir Alex Ferguson xuất hiện mới tìm được cái tên phù hợp để viết tiếp bản sử thi hào hùng của CLB.

Một ví dụ khác, người hâm mộ bóng đá Việt Nam chắc chắn không lạ gì cái tên huyền thoại Valeriy Lobanovskyi. Cựu tuyển thủ Xô viết này được đánh giá là một trong những HLV xuất sắc trong thế hệ của mình cũng như làng túc cầu thế giới. Valeriy Lobanovskyi là người sáng tạo ra chiến thuật đàn ong. Ông từng giúp Dynamo Kiev 2 lần vô địch cúp C2 châu Âu cũ, và được Nhà nước Ukraine phong tặng danh hiệu "Anh hùng Ukraine" - danh hiệu cao quý nhất ở đất nước này.

Dưới thời Lobanovskyi, Dynamo Kiev có 12 chức VĐQG trong 15 năm, từng vào đến bán kết Champions League. Nhưng sau giai đoạn ấy, họ chỉ vô địch được thêm có 5 lần, và chưa bao giờ qua nổi vòng 16 đội tại Champions League, thậm chí giờ đây việc vượt qua được vòng bảng (giống như mùa này) đã có thể coi là thành công của CLB Ukraine.

Oleksiy Mykhaylychenko, trợ lý trong nhiều năm của Lobanovskyi là người đầu tiên được chọn thay thế vào năm 2003. Nhưng chỉ 1 năm sau ông này bị sa thải, với thất bại 1-2 trước 80.000 CĐV nhà ở vòng sơ loại Champions League 2004. Thất bại mà chủ tịch Ihor Surkis từng mô tả là "một sự nhục nhã". Cho đến lúc này, sau 14 năm kể từ ngày Lobanovskyi qua, Dynamo Kiev 8 lần thay tướng nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn.

Nhà báo Jonathan Wilson của The Guardian đã nhận định rằng, trong những câu chuyện của Matt Busby, Lobanovskyi và Alex Ferguson, đều có chung một vấn đề nảy sinh, đấy là cái bóng quá lớn của những HLV kiệt xuất, cộng với việc duy trì thành công vang dội như trước đó là thứ bất khả thi.

Trở lại với trường hợp của Wenger, người kế vị chiến lược gia người Pháp này sẽ không phải đối mặt với áp lực quá lớn về thành tích. Thế nhưng, rõ ràng anh ta vẫn sẽ vấp phải cái bóng bao trùm của người tiền nhiệm.

Cho dù các CĐV của Arsenal đã giăng lên tấm biểu ngữ: "CLB Arsenal không phải là CLB Arsene", ám chỉ đội bóng này không thuộc về Wenger. Tuy nhiên, có một sự thật không thể chối cãi rằng Arsenal là một sản phẩm của Giáo sư - vị HLV đã chèo lái "con thuyền" này suốt 20 năm qua. Arsenal ở thì hiện tại mang hồn, cốt, triết lý và hơi thở của Wenger. Người thay thế Wenger sẽ phải chơi một canh bạc trước 2 sự lựa chọn khó khăn: kế thừa phong cách, triết lý, cách vận hành lối chơi của Wenger hay đập đi xây lại từ đầu. Tất nhiên, sự lựa chọn nào cũng đầy bất trắc, rủi ro.

Di sản của những người như Sir Alex Ferguson và Arsene Wenger là kho báu quý giá của bóng đá Anh. Nhưng vô hình trung nó cũng vô tình biến các đội bóng thành "con tin" của họ. Hẳn vào lúc này các CĐV của M.U hay Arsenal phải nhìn những CLB như Bayern Munich mà thèm muốn. Với phương châm không cho phép bất kì ai đứng trên đội bóng, chẳng có chuyện gã khổng lồ nước Đức lâm vào hội chứng lệ thuộc vào ai, kể cả người ấy là thiên tài Pep Guardiola!

Wenger đã dự báo trước được sự sa sút của Arsenal?

Có thể phân chia "cuộc hôn nhân" giữa Wenger và Arsenal thành 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn gần 10 năm đầu từ 1996 đến 2005 chính là tuần trăng mật. Wenger đã biến Arsenal thành một thế lực của bóng đá Anh với lối chơi đẹp mắt dựa trên nền tảng là các cầu thủ được ông phát hiện, đào tạo.

Trong thời kì này, Arsenal đã giành 3 chức vô địch giải Ngoại hạng cùng 4 danh hiệu FA Cúp. Thế nhưng, quãng thời gian từ năm 2006 trở lại đây thì lại là thời kì thoái trào. Đội chủ sân Emirates tồn tại một cách lay lắt, liên tục rơi vào cảnh trắng tay. Phải đến 2 mùa giải gần đây, họ mới giải được cơn khát danh hiệu bằng 2 chức vô địch FA Cúp.

Nhưng giấc mơ trở lại ngôi vương ở Premier League thì vẫn quá xa vời với Arsenal. Điều đáng chú ý là dường như chính Wenger cũng dự đoán trước được sự sa sút của Arsenal. Hồi tháng 10/2004, khi Arsenal để Manchester United chấm dứt kỷ lục 49 trận bất bại liên tiếp, Wenger từng phát biểu rằng: "Khi bạn lên cao 2.000 feet, bạn sẽ cần thời gian để trở lại". Chỉ có điều, có lẽ vị HLV người Pháp cũng không thể tưởng tượng ra, đội bóng của mình lại cần nhiều thời gian đến thế mà vẫn chưa thể trở lại là chính mình.

T.Đ.

Tất Đức
.
.
.