Xem Ngoại hạng dưới chỉ dẫn địa lý Mùa này, Arsenal sẽ vô địch?

Thứ Bảy, 30/01/2016, 21:23
Mặc cho dòng chảy kim tiền đang thống trị làng túc cầu xứ sương mù thì những năm qua, dấu tích của địa lý và lịch sử - những giá trị cốt lõi vẫn gắn chặt với bóng đá nơi đây. Bài viết này, với dẫn chứng là những điển tích kéo dài hàng trăm năm, sẽ giải đáp câu hỏi kinh điển: Mùa này, đội nào sẽ vô địch?

Một hiện tượng kỳ thú không mang tính tuần hoàn đang lặp lại tại Premier League 2014/15. Đó là ách thống trị của các CLB phía Nam nước Anh (tính từ vùng Midlands xuôi về London). Sau vòng 23 Premier League, 4/7 đội dẫn đầu trên BXH là các đại diện của phương Nam. Giờ này một năm về trước, hiện tượng ấy cũng đã xảy ra và duy trì tới hết mùa. Hạ màn, đội vô địch là Chelsea, một CLB của phía Nam. Phía Bắc bị áp đảo trên bảng tổng sắp hai mùa liên tiếp, điều ấy chưa từng xảy ra trong 2 mùa giải liên tiếp.

Đồ họa mô tả chỉ dẫn bản đồ bóng đá Anh dưới góc nhìn địa lý.

Sự dịch chuyển của bóng đá Anh đang đi từ Bắc sang Nam. Trước nay, giải đấu này bị đặt dưới ách thống trị của thành Manchester và vùng cảng Merseyside (phía Bắc). Bây giờ, chuyện đã khác. Trong lúc đó, các nhà phân tích cho chúng ta biết được xác suất vô địch của Arsenal đang là cao nhất, gần gấp đôi Man City bất luận hai đội đang bám sát sau nhau từng điểm.

Cùng lật lại những trang sử sách để xem xem liệu "hiện tượng" trên sẽ chỉ là… hiện tượng hay rốt cuộc, đó mới là cơ sở đáng tin nhất khi dự đoán nhà vua của Premier League. Có hay không ngai vàng Ngoại hạng cho Arsenal?

Xã hội nào, bóng đá nấy

Ở Anh, chưa khi nào nền túc cầu tách rời hoàn cảnh xã hội. Tại đây, bóng đá ở phía Nam và phía Bắc hoạt động riêng biệt, đối lập trong cách tổ chức và tư duy người quản lý như cái cách mà người dân hai khu vực này trái ngược. Phía Nam là vùng đất của người giàu, nơi thú chơi nhạc rock tốn kém hình thành sau sự xuất hiện của ban nhạc Rolling Stones. Phía Bắc là nơi trú ngụ của người lao động, vùng đất nhóm nhạc The Beatles thành danh nhờ dòng nhạc cơ bản.

Vì hệ tư tưởng khác nhau mà người dân phía Nam chỉ coi bóng đá là trò tiêu khiển. Trái lại, người dân phía Bắc xem bóng đá là một nghề nghiệp nghiêm túc. Thế mới có chuyện vào năm 1863, 11 đội bóng bán chuyên đầu tiên khai sinh ở London, cầu thủ là học viên của những trường học quý tộc, thi đấu tại… sảnh gạch của tòa nhà Freemasons' Tavern. Trong khi đó tại phía Bắc, những nhà quản lý bóng đá sớm nhận ra đây là một nghề hái ra tiền. Vào giữa thập niên 80 thế kỷ 19, các cầu thủ bán chuyên đã được nhận lương theo tháng, khoảng 4 bảng/tháng.

Tranh cãi nổ ra từ đây: Phía Nam là bên sáng lập ra LĐBĐ Anh FA (chủ tịch đầu tiên là Sir Francis Marindin và Lord Kinnaird), được chính phủ công nhận FA là một tổ chức xã hội. Bên kia đất nước, các đội phía Bắc cho rằng nghề nghiệp được định nghĩa là bỏ công sức, nhận đồng lương, còn làm như phía Nam thì chỉ giống như tổ chức tình nguyện phi lợi nhuận.

Để giải quyết mâu thuẫn, mỗi vùng cử một đại diện tham dự trận quyết đấu so tài cao thấp, từ đó phân đúng sai. Kết quả là Blackburn Olympic (phía Bắc) gồm toàn nha sỹ, công nhân, thợ nước đánh bại Old Etonians (phía Nam). Rốt cuộc, FA phải đồng ý để các đội phía Bắc thành lập giải bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên, lấy tên là Football League vào năm 1888, gồm 6 đội phía Bắc và 6 đội miền Trung. 4 năm sau, Football League mở rộng quy mô, tạo thêm giải hạng nhì.

Arsenal trước thời cơ lịch sử.

Mãi tới mùa 1920/21, các đại diện phía Nam mới nhập cuộc. Nhưng họ không đòi hỏi nhiều, chỉ xin chơi ở giải… hạng 3 bởi như đã đề cập, những người này chỉ đá bóng… cho vui. Thời kỳ đầu tiên bóng đá tại Anh lên chuyên, ách thống trị hoàn toàn thuộc về phương Bắc. Trước thế chiến thứ nhất, Aston Villa và Sunderland thay nhau vô địch, đội đầu 6 lần, đội sau 5 lần. Mãi tới năm 1931, phía Nam mới có một đội đăng quang Football League là Arsenal.

Nền tảng ấy đã kéo theo sự phân cực rõ ràng về mặt địa lý trong bản đồ bóng đá Anh: Quyền lực tập trung ở phương Bắc. Manchester và Merseyside, nơi sở hữu M.U và Liverpool - hai CLB vô địch giải Ngoại hạng nhiều nhất đều nằm ở khu vực này. Tuyệt nhiên, thủ đô London - trung tâm cả nước gần như đứng ngoài cuộc chơi dù rằng, nơi đây có tới 41 CLB chuyên nghiệp. Ba CLB đầu tiên ở phía Nam giành quyền lên chơi ở hạng nhất Football League là Portsmouth, Charlton Athletic, Fulham giờ này không còn chơi bóng tại Premier League.

"Cú đấm" của "Người đàn bà thép" hiệu ứng tức thời

Khoan hãy đưa ra kết luận bên nào đang cầm trịch làng cầu Anh vì nếu nhìn vào BXH mùa trước, bạn sẽ không khỏi giật mình: Trong 7 đội dẫn đầu, có tới 4 đội gồm cả nhà vô địch (Chelsea) thuộc phía Nam. Đấy là lần đầu tiên trong lịch sử, cán cân nghiêng hẳn về phía Nam. Năm nay, chuyện lại tái diễn. Câu hỏi được đặt ra: Đấy là một hiện tượng, hay là kết quả của một chuỗi những phản ứng có điều kiện kéo dài từ trước?

Câu trả lời là… màn thắng cử chức thủ tướng của Margaret Thatcher, người phụ nữ có biệt danh "người đàn bà thép" vào năm 1979. Thatcher là đại diện của Đảng Bảo thủ, bảo vệ sự thịnh vượng của nền kinh tế thủ đô, tức phía Nam. Năm 1979, tỷ lệ thất nghiệp tại Anh là 5,7% và đến năm 1983, thống kê đó tăng lên 13%. Rõ ràng, khoảng cách giàu nghèo đã ở mức cực đại, cuộc sống của người dân phía Bắc bị đẩy vào thế đường cùng. Gán nhà, bán xe sống qua ngày, bóng đá vì thế cũng chết yểu dần.

Cuối thập niên 80 thế kỷ trước, hàng loạt đội bóng vô danh tiểu tốt ở phía Nam như  Watford, Wimbledon, Millwall and Oxford United lần đầu lên chơi ở giải hạng nhất (tương đương Premier League bây giờ). Mùa 1987/88 đánh dấu bước chuyển mình của bản đồ bóng đá Anh: Ngoài 4 đội dẫn đầu vẫn ở phía Bắc, 13/17 đội còn lại ở phía Nam.

Dần dần, khi bóng đá bắt đầu trở thành ngành công nghiệp không khói với sự tham chiến của ngân hàng Barclays, quan niệm làm bóng đá tại Anh thay đổi. Muốn thành công, các đội bóng phải nhận được nguồn tiền từ nhà đầu tư. Nói chính xác, bóng đá đương đại cần gắn liền với doanh nghiệp.

Năm 1995, Blackburn Rovers dưới sự đầu tư của doanh nhân Jack Walker đăng quang Premier League, mở ra thời đại mới cho không chỉ bóng đá phương Nam mà còn là bóng đá toàn quốc. Khoảng thời gian này, rất nhiều tên tuổi phía Bắc đã lui vào dĩ vãng, mà tiêu biểu là Middlesbrough, Leicester City, Bolton, Sunderland and Nottingham Forest. Những đội phía Bắc sót lại còn chinh chiến đỉnh cao, không đội nào rời xa thực tiễn: Dựa hơi chủ đầu tư. M.U của nhà Glazers, Liverpool của nhà Fenway, Man City của nhà Mansour.

Arsenal (Nam) hay Man City (Bắc) sẽ là nhà vô địch?

10 năm qua, có 4 lần ngôi vương thuộc về người phương Nam và cả 4 lần đó, chủ nhân của nó không ai khác ngoài Chelsea. Năm nay, Chelsea đã sa sút và hết cơ hội bảo vệ ngôi vương. Cuộc chơi chỉ còn lại Arsenal và Man City. Nhưng có một chi tiết rất quan trọng: Man City đã mắc tới 11 lỗi mất bóng trước vòng cấm dẫn tới bàn thua. Nhà vô địch tệ nhất "khoản này" trong chiều 23 năm phát triển Premier League là Man Utd 2012/13, với 7 lỗi. Tính đến nay, thống kê của Arsenal là 3. Arsenal rõ ràng là cẩn trọng hơn chính họ trong quá khứ và đối thủ. Đấy là đặc tính của một nhà vô địch.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, phải chăng Arsenal sẽ chấm dứt cơn khát Premier League kéo dài hơn thập kỷ? Ngoại hạng Anh thường khó đoán, nhưng tin vào cơ sở ấy không hề hoang đường.

Phía Bắc mất dần vị thế

Nếu nhìn vào tọa độ địa lý của các CLB ở giải Ngoại hạng (chiếu theo vị trí đại bản doanh), lần gần vĩ độ trung bình của nhóm 5 đội dẫn đầu thấp hơn 52,5 độ (thành phố Birmingham, điểm chính giữa nước Anh), là năm 1978, tức cán cân bóng đá nghiêng về phía Nam. Gần 3 thập kỷ trôi qua, biến cố ấy mới chỉ tái xuất hiện 3 lần và giờ là 4 (tính đến hết vòng 23 Premier League).

Nhìn vào biểu đồ minh họa, dễ nhận ra ngót cả thế kỷ, Premier League luôn là sân khấu của những đội bóng phía Bắc. Thậm chí, đã có mùa một mình Manchester che lấp cả bầu trời. Phải tới khi Premier League khoác lên mình chiếc áo mới dưới hình thức hoạt động công ty cổ phần, nơi sức mạnh của những đồng bảng thực sự góp tiếng nói quan trọng tới thành tích của các CLB thì phía Nam mới trỗi dậy.

Vài năm đầu tiên, Premier League chứng kiến sự trở lại của hàng loạt tên tuổi vang bóng một thời. Họ là Bolton Wanderers, Middlesbrough, Burnley hay Preston North End. Dù vậy, những nỗ lực đã quá muộn màng. Mọi thương vụ đầu tư ngoại tệ của chủ ngoại quốc đều hướng tới những khu vực kinh tế hoặc đã phát triển mạnh mẽ, hoặc tiềm năng. Ngoại trừ thành Manchester và cảng Merseyside với hai bến cảng lớn nhất Anh quốc, phía Bắc nước Anh xanh một màu… cỏ dại. Ngược lại, London không chỉ là trung tâm văn hóa - chính trị mà đã vươn vòi bạch tuộc, trở thành khu công nghiệp lớn thứ 3 châu Âu.

Bóng đá thời đồ đá là trò tiêu khiển giải khuây, xua đi cái mệt mỏi của tầng lớp lao động. Bóng đá thời hiện đại đi liền với mối quan hệ kinh tế lượng sâu sắc giữa CLB - vị trí địa lý - tiềm năng kinh tế.

Đơn Ca
.
.
.