Xuân Hòa - Xuân này vẫn giữ nhạc xưa

Thứ Năm, 18/02/2016, 09:00
Chỉ khi đến với phòng trà Tiếng Xưa, người xem mới có dịp được thưởng thức một đêm nhạc ẩn chứa nhiều tâm trạng như trường hợp của danh ca Anh Khoa. Người xa khán giả gần 30 năm, sống ở trời Tây ao ước được một lần được sống hết mình bằng một đêm nhạc đúng nghĩa. Chỉ có Xuân Hòa, người chủ phòng trà mới đủ sức đưa anh về để anh dìu khán giả về một không gia lắng đọng, để chiêm nghiệm về cuộc sống của người xa sân khấu.


Giữa TP HCM nhộn nhịp với nhiều cuộc chơi đầy màu sắc, nếu một lần lạc vào Phòng trà Tiếng Xưa, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp một người phụ nữ tóc ngắn, dáng vóc sang trọng luôn tất bật trong đêm diễn. Gần như chị không bao giờ ngồi yên. Có lúc ngồi ở bàn máy tính cộng sổ những tình tiết mới, có lúc dạo quanh quan sát khán giả, nghệ sĩ, cũng có lúc trổ tài là phó nháy chụp hình nghệ sĩ và việc điều hành cả hệ thống phòng trà trong một đêm diễn với nhiều tiết mục, chỉ duy nhất một mình chị là có mặt khắp nơi, hoạt động hết năng suất để "ngầm" đem lại sự thành công cho một đêm diễn.

Người xa xứ trở về tìm lại nhạc… xưa

Tự mở phòng trà trên cái đất phồn hoa trên 10 năm, thay đổi điểm diễn đến 4 lần ở các vị trí đinh của Thành phố. Trải qua nhiều thăng trầm, nếm đủ mùi vị đắng cay của cái nghề làm bầu sân khấu. Có lúc cười thầm với những đêm diễn đại thành công của các ca sĩ hàng đầu hải ngoại trở về nước như: Ý Lan, Thanh Tuyền, Tuấn Ngọc, Vũ Khanh… cũng có lúc ê chề với những đêm nhạc cả phòng trà chỉ có gần 50 khán giả. Và cho dù trong hoàn cảnh nào, đông khách hay vắng người xem, người phụ nữ này vẫn kiên tâm bám trụ.

Động viên từng nhạc công, thúc đẩy từng ca sĩ, hãy hết mình với những phần trình diễn của mình, để khán giả thấy được điều mà không phải nơi nào cũng làm được: Cháy hết mình với tiếng nhạc lời ca, gieo từng cảm xúc để người xem khi ra về vẫn còn lưu luyến với một chút bản sắc của thương hiệu từ Phòng trà Tiếng Xưa.

Xuân Hòa (giữa) đón ca sĩ hải ngoại ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Có người nói làm bầu show là “vua một cõi”. Nhưng cũng có người nhận định: Nghiệp làm show nặng lắm, lúc lời thì không nói gì, nhưng khi lỗ chỉ dám âm thầm chịu đựng, và phải kiên trì để đứng vững mà bắt tay lại từ đầu. Với chị Xuân Hòa, người đàn bà "thép" trong mắt nhiều người, ắt hẳn chị đã trải qua quá nhiều với nghiệp thăng trầm lắm niềm vui và cũng nhiều nỗi cay đắng của người lái con tàu ca hát hàng chục năm qua.

Ẩn số của sự thành công

Làm thế nào để duy trì phát huy và cả việc gìn giữ dòng nhạc quê hương, những ca khúc một thời vang bóng và nhất là việc giới thiệu những danh ca đang bôn ba xứ người trở về Việt Nam phục vụ khán giả? Lục tìm những "quái kiệt" như NSND Hồng Vân, Lam Giang, Susan Boyle Ngọc Thy, hoặc phát hiện ra những gương mặt đáng yêu như Đăng Vũ, Ana Long, Cindy Trần, Vi Châu... để trình làng cho khán giả. Những công việc tưởng chừng như âm thầm lặng lẽ này, nhưng nó đã lấy gần như toàn bộ sức lực và tâm trí của người phụ nữ vốn xem âm nhạc là lẽ sống của đời mình trong ngần ấy thời gian..

Tự chọn cho mình một phong cách riêng biệt khi chung thủy cùng với dòng nhạc xưa, một dòng nhạc đang lẻ loi với trào lưu của hip hop, disco, rock, rap… vốn làm cho giới trẻ sôi động đầy máu lửa. Cứ như người tự làm khó chính mình, chị cố công đi tìm lại thời vàng son của những ca khúc bất hủ, những giọng ca từng được xem là đỉnh của đỉnh với danh xưng là những danh ca hàng đầu của làng nhạc Việt Nam, nơi có những bài hát gần như sống mãi với thời gian, những lời ca đẹp như vần thơ bất hủ…

Có dịp chứng kiến người phụ nữ "thép" này điều hành một đêm nhạc của danh ca Ý Lan - Từ Công Phụng ở nhà hát thành phố, mới thấy được tài ứng biến của chị khi phải điều hành hàng trăm công việc lớn nhỏ khác nhau. Xin giấy phép đêm diễn, làm thủ tục để ca sĩ từ hải ngoại được hát. Điều hành luyện tập các tiết mục, tổ chức bán vé, lên chương trình… tất cả đều qua bàn tay của chị. Chỉ khi đêm diễn kết thúc thành công, người ta mới thấy được nụ cười tươi tắn của chị và sau đó lại tiếp tục hành trình với những đêm diễn mới cùng hàng loạt ca sĩ khác, với tiêu chí: Phải làm hài lòng khán giả.

Ca sĩ hội tụ trại phòng trà Xuân Hòa.

Gian nan nghiệp làm bầu

Một đêm nhạc diễn ra, khán giả chỉ thấy được màu sắc lung linh của sân khấu, chứ mấy ai thấy được mảng tối mênh mông đằng sau hậu trường. Tự nhận mình là người ẩn mặt trong bóng đêm, mọi trục trặc đều được chị giải quyết một cách dứt khoát. Anh nhạc công bất ngờ vắng mặt với lý do… trời ơi, một ca sĩ ngôi sao tới giờ diễn vẫn chưa xuất hiện, một danh ca lật kèo biểu diễn vào phút cuối hoặc trời mưa tầm tã trước giờ sân khấu sáng đèn….

Tất cả phải có thâm niên kinh nghiệm để hành xử một cách văn minh và hiệu quả nhất. Bao nhiêu đêm nhạc là bấy nhiêu tình huống dở khóc dở cười xảy ra và chị như cánh chim độc hành phải điều hành tất cả, để thương hiệu Phòng trà Tiếng Xưa vẫn mãi tồn tại với những cơ chế khắc nghiệt của thị trường. Vật giá leo thang, sự cạnh tranh khốc liệt của nghề, đôi lúc làm chị chùn chân và chỉ có sự đam mê, khéo léo mới trụ được với nghề như ngày nay.   

Với chị để tồn tại phải đi đôi với chất lượng. Từ việc phục vụ khán giả chu đáo, chất lượng nội dung của đêm diễn và cân bằng giá vé một cách hợp lý nhất để khán giả đến được với Phòng trà của mình. Việc cho ra đời hai nhóm nhạc Mây Lang Thang và Đồng Xanh như một chất xúc tác mới đối với khán giả và cũng là một cơ hội mới cho những giọng ca giàu tiềm năng nhưng vẫn chưa có cơ hội tỏa sáng. Hàng loạt mô hình mới từ song ca, tốp ca, nhạc cảnh, nhạc kịch qua các tiết mục như: Lan và Điệp, Đá trông chồng, Bóng ma trong nhà hát, Oan nghiệt Trầu Cau, Lưu Nguyễn Lạc chốn Thiên Thai, Lý cây đa, Nàng Trung Hoa xinh đẹp… đã được khán giả hưởng ứng nhiệt tình.

Song song đó, việc mời gọi một ông hoàng nhạc sến như Ngọc Sơn về phòng trà để tự tình với khán giả bằng những đêm nhạc đầy màu sắc qua việc hát liên tục gần 3 giờ đồng hồ với hơn 50 ca khúc đủ thể loại nhạc đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Có mặt ở những đêm nhạc khác nhau của Phòng trà Tiếng Xưa, mới thấy được cái gu của vị nữ chủ nhân này dành cho khán giả: Tất cả phải như một thánh đường, ở đó chỉ có âm nhạc trỗi lên, và người yêu nhạc cứ việc thả hồn theo từng ca khúc mà mình yêu thích. Không như ở những sân khấu hoành tráng nhưng thiếu sự ấm cúng, hoặc ở nhưng nơi mà ca sĩ cứ hát, người đến xem cứ ăn uống rồi trò chuyện huyên thuyên, rất khó có sự đồng cảm để trở thành tri âm tri kỷ giữa người nghệ sĩ và khán giả. 

Từng là người đi nhiều nơi trên thế giới, từng biết đến nhiều chương trình lớn nhỏ trên khắp năm châu, hơn ai hết chị hiểu mình nên làm gì để khán giả được tận hưởng những phút giây thư thả, những tâm tình thật nhất của những danh ca từ xứ người trở về để được hát cho khán giả của mình.

Nơi tâm tình của người yêu nhạc

Chỉ khi đến với phòng trà Tiếng Xưa, người xem mới có dịp được thưởng thức một đêm nhạc ẩn chứa nhiều tâm trạng như trường hợp của danh ca Anh Khoa. Người xa khán giả gần 30 năm, sống ở trời Tây ao ước được một lần được sống hết mình bằng một đêm nhạc đúng nghĩa. Chỉ có Xuân Hòa, người chủ phòng trà mới đủ sức đưa anh về để anh dìu khán giả về một không gia lắng đọng, để chiêm nghiệm về cuộc sống của người xa sân khấu.

Nhạc sĩ Xuân Hùng (đeo kính) - chồng Xuân Hòa dưới hàng ghế khán giả trong phòng trà Tiếng Xưa.

Hoặc như khi Randy xuất hiện, thổn thức những lời hát như thổ lộ tâm tình của một đứa trẻ mồ côi sau nhiều năm đi tìm mẹ, và một Thanh Tuyền, Vũ Khanh, Nhật Hạ, Phương Hồng Ngọc… đưa khán giả trở về dòng nhạc vàng của thời gian… Và cho đến nay chỉ có phòng trà Tiếng Xưa do vị nữ chủ nhân Xuân Hòa lèo lái, đã giúp cho không khí thành phố có được những đêm nhạc đúng nghĩa của một thời xa xưa đáng nhớ. 

Không chỉ lưu lại những nhạc phẩm xưa, bà chủ Xuân Hòa còn mở một hướng đi mới khi liên tục tăng cường những ca sĩ trẻ như: Khởi My, Xuân Nghi, Khánh Bình, Hoài Lâm, Lâm Chi Khanh… để khán giả được dịp thưởng thức nhiều màu sắc khác nhau.

Với chị, sự thành công nào cũng cần đến một tập thể. Sự hết mình của các ca sĩ, nhạc công và quan trọng nhất là sự hiện diện của ông xã: Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, người song hành cùng chị suốt bao năm qua trên "mặt trận" ca hát là niềm vui. Có anh gần như chị có tất cả ở các khâu, từ việc đạo diễn chương trình, biên tập các tiết mục, đo ny đóng giày cho từng ca sĩ… cả hai như một cặp uyên ương tả xung hữu đột mọi gian khó, để đưa những bản tình ca từ thời xa xưa về lại với những khán giả thân yêu của mình.

Việc này tưởng chừng như đơn giản, nhưng với cuộc sống ồn ào tất bật, với sự đổi mới của thời cuộc khi mà hàng loạt chương trình mới từ truyền hình thực tế, từ chương trình ca hát trực tiếp trên các kênh truyền hình phủ sóng khắp nơi trên toàn quốc, mấy ai biết đôi vợ chồng nhạc sĩ này đã âm thầm "chiến đấu" từng đêm nhạc, để lưu lại cho đời những cảm xúc tuyệt vời từ những tình khúc của nhạc xưa.

Lữ Đắc Long
.
.
.