TP HCM: Các phòng trà cạnh tranh

Thứ Năm, 11/05/2006, 13:19

Phòng trà càng nhiều, khách giải trí càng chọn lọc nên áp lực của các phòng trà mỗi lúc một tăng. Cuộc chạy đua của các phòng trà ở TP HCM mới bắt đầu, nhưng đã báo hiệu một sự đuối sức vì quá nhiều áp lực.

Chỉ trong vòng vài tháng đầu năm nay, khi hai phòng trà lớn là Tiếng Tơ Đồng và Đồng Dao đóng cửa thì hàng loạt các phòng trà ca nhạc mới đã bắt đầu hoạt động, chen vào mô hình bar cà phê ca nhạc đang nở rộ như "Không Tên", "Nghê Thường", "Viet Top", "39 Lê Lai"… Trong khi một số phòng trà cũ gần như bão hòa thì sự xuất hiện của các phòng trà mới cũng không làm cho không khí sân khấu ca nhạc xôm tụ hơn. Tìm hiểu "hậu trường" kinh doanh phòng trà mới thấy, các chủ đầu tư, quản lý phòng trà đang đau đầu để tìm ra "chiêu" mới, tổ chức chương trình có chất lượng nghệ thuật cao…

Khách thích đi phòng trà thường có một đặc điểm tâm lý là dù địa điểm xa mấy mà chương trình hay, có dấu ấn riêng họ vẫn tìm đến. Nên phòng trà "Nhạc Trịnh" ở tận đường Âu Cơ, quận Tân Bình, cách trung tâm khoảng 20km mà vào cuối tuần thường đông khách.

Phòng trà này trước đây là của một bác sĩ tên Trí , anh mới sang lại cho một cô bạn vốn là khách quen của quán và cũng là "tín đồ" của dòng nhạc tiền chiến và nhạc Trịnh độ 1 năm nay. Cô gái 30 tuổi này, vốn là một cử nhân ngoại ngữ nhưng vì quá "si" dòng nhạc này mà tiếp tục "gồng mình" đầu tư cho chương trình ca nhạc trong khi nguồn thu không đủ bù chi.

Phòng trà này nhỏ, nằm trong khuôn viên cà phê sân vườn khá rộng, khung cảnh cũng khá lãng mạn, trên sân khấu, vách tường, hình ảnh, tượng và thực đơn giải khát đều đầy ắp hình ảnh, bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… Thế nhưng, theo cô chủ tên Kim Soan, cô đang phải chịu áp lực rất lớn về chất lượng chương trình vì không thể cứ mãi cho khán giả thưởng thức hoài một món. Soan yêu cầu ca sĩ tập bài mới liên tục, mời hẳn một nhạc sĩ biên tập chương trình, thỉnh thoảng mời một số nhân vật "đặc biệt" cùng "gu" nhạc Trịnh đến biểu diễn... Mục đích chính của cô là để có chỗ tập hợp những tâm hồn đồng điệu cùng yêu thích dòng nhạc này đến với nhau.

Ca sĩ Bích Hồng, giảng viên thanh nhạc sau một thời gian mải mê đi hát khắp trong, ngoài nước và đi dạy, giờ cũng "lui" về tổ ấm của mình ở khu cư xá Đô Thành để mở phòng trà. Không gian của "Piano Bích Hồng" tuy nhỏ nhưng được thiết kế sang trọng, ấm cúng, sân khấu nhỏ cách điệu theo mô hình sân khấu lớn. Ở đây, vào cuối tuần chị hát theo yêu cầu khán giả. Bích Hồng tâm sự, áp lực chính của chị không phải là nghệ thuật mà là khán giả. Bởi vì chị chỉ biết làm chương trình cho hay.

Phòng trà nằm trong một con hẻm rộng nhưng yên tĩnh, vắng người qua lại, đã vậy chị không hề biết cách quảng bá, tiếp thị thế nào để thu hút khách. Vậy nên vào đêm bình thường, có khi phòng trà chỉ có một người khách, chị vẫn hát theo yêu cầu cho đến khi họ ra về.

"Phòng trà V3" thuộc Công ty Viet Top, nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, treo băng rôn khai trương ngày 2/4, song mới sau một tuần tấm băng rôn được tháo xuống thay bằng bar - nhạc trẻ. Vì sao mới có vài ngày, phòng trà đóng cửa? Anh Phúc Trí, Giám đốc công ty cho biết, trong tuần đầu khai trương, chương trình chưa "chạy" như mong muốn, bộ phận âm thanh, ban nhạc chưa ăn khớp với nhau… Nói chung là chưa chuyên nghiệp.

Bàn về yếu tố cạnh tranh, Phúc Trí lắc đầu: "Bây giờ mà mở phòng trà thì phải cạnh tranh về chất lượng nghệ thuật. Chi phí đầu tư cho từng chương trình cao. Ở đây có lợi thế là vị trí trung tâm nhưng thật sự là cảm thấy khó cạnh tranh với một số nơi khác. Hai phòng trà mới nhất phải kể đến là phòng trà "Không Tên", trên đường Hai Bà Trưng bắt đầu hoạt động dịp lễ 30/4 vừa qua và phòng trà 39 Lê Lợi khai trương ngày 9/5.

"Không Tên" do  Lê Quang - nhạc sĩ tương đối có tên tuổi trong làng nhạc trẻ nên phòng trà của anh cũng dành cho giới trẻ với một số ca sĩ ngôi sao và tất nhiên phụ thu cũng khá cao. "Không Tên" ngay khi mở cửa đã có lợi thế khi ngày nào cũng quảng cáo chương trình trên các báo. Nhưng cũng chỉ thật sự đông khách khi đêm nào có những ca sỹ tên tuổi. Những đêm khác, tỉ lệ khách giảm dần theo danh tiếng của các ca sĩ được mời hát trong đêm đó.

Một nguyên nhân khiến các phòng trà mới lẫn cũ khó bứt lên và có nhiều cái mới, đó là lực lượng ca sĩ phòng trà bao nhiêu năm qua quanh đi quẩn lại vài gương mặt. Kinh doanh lĩnh vực phòng trà, chưa bàn đến lợi nhuận đã nhìn thấy trước mắt những khoản đầu tư vật chất và tinh thần rất lớn và áp lực, trong đó có cả áp lực về danh tiếng. Có một số nơi đã hoạt động gần một năm nhưng vẫn thu chưa đủ bù chi.

Điều đáng ghi nhận là đa số các chủ đầu tư mở phòng trà đều xuất phát từ lòng yêu nghệ thuật, vì mê nghệ thuật quá mà làm kinh doanh, cũng có người đã trót chọn âm nhạc là cuộc sống thì phải bằng mọi cách để "gần gũi" nó, sống cùng nó

Hạnh Chi
.
.
.