Gập ghềnh đường lên "sao" của ca sĩ phòng trà

Thứ Ba, 27/09/2005, 06:21

Để được đứng trên sân khấu, được thoả giấc mộng làm sao, nhiều cô gái đã nhờ cậy đến những ông bầu ca nhạc. Sân khấu của họ mới chỉ là những phòng trà, quán bar nhưng cái giá họ phải trả đã quá nhiều. Tiền công bị chia chác, rồi các ông bầu lợi dụng, sự nổi tiếng chưa thấy đâu đã tai tiếng đầy mình.

Thanh Thanh là một cô gái trẻ đẹp, được đào tạo cơ bản tại khoa thanh nhạc của một trường đại học ở Hà Nội. Trong một lần thành phố tổ chức tập dượt chương trình văn nghệ có quy mô lớn tại sân vận động Hàng Đẫy, Thanh cùng bạn bè tới xem và cô vô tình lọt vào tầm ngắm của một bầu sô ca nhạc tên Chương, tuổi gần 50. Sau khi tự giới thiệu về mình, bầu Chương "khai thác" Thanh về gia đình, học hành… cuối cùng hỏi Thanh có muốn trở thành ca sỹ nổi tiếng từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường không, ông sẽ giúp.

Không phải là người ham tiền, nhưng lời lẽ hấp dẫn của ông bầu đã cuốn hút Thanh. Lần đầu tiên bước lên sàn diễn bán chuyên ở một quán bar nằm cạnh hồ Thiền Quang, Thanh không khỏi hồi hộp và lo lắng, nhưng rồi tất cả cũng qua đi. Với hai bài hát biểu diễn trong một đêm, Thanh nhận thù lao một trăm nghìn đồng do đích thân bầu Chương đưa cùng những lời động viên có cánh. Sau một số lần hát ở các bar, rồi vũ trường, Thanh biết được hiện bầu Chương đang quản lý hàng chục ca sỹ nghiệp dư là sinh viên. Hỏi về thù lao, bầu Chương cho hay, những ca sỹ do ông giới thiệu với nhà hàng, tiền cát xê kiếm được trong một đêm sẽ chia đôi, ông một nửa, nửa còn lại dành cho ca sỹ.

Là con một gia đình giàu có nên chuyện tiền bạc Thanh không chú ý nhiều, mà điều quan trọng nhất với cô là được bước lên sàn diễn với ước mong sớm có cơ hội thể hiện mình trước khi bước chân ra một sân chơi lớn. Hơn ba tháng hợp tác cùng bầu Chương, nhiều đêm, Thanh nhận được tin nhắn của ông rủ đi khách sạn, tiếp đến là những vụ ăn chặn tiền biểu diễn của nhiều người trong nhóm, cô bắt đầu thấy sợ. Trong một lần không kìm chế được, Thanh tỏ thái độ bất bình thì ông vội xin lỗi và bảo: "Anh định gửi tin cho X nhưng lại nhầm sang số của em".

Chẳng biết việc bầu Chương và ca sỹ X có chuyện gì với nhau hay không, nhưng sau nhiều lần nhận được tin nhắn của ông và cả sự thiếu minh bạch về tài chính, Thanh đã nghĩ tới việc không đi hát nữa. Dò hỏi bạn bè trong nhóm hát cùng, một số người đau buồn thừa nhận để được bầu Chương lăng xê, để có cơ hội thể hiện tài năng trước công chúng và để kiếm được nhiều tiền nên buộc phải "đến" với ông.

Giải thích cho việc làm không hay của mình, bầu Chương nói bóng gió với Thanh rằng, bây giờ muốn kiếm được nhiều tiền và trở thành người của công chúng cũng phải biết chấp nhận thực tế. Đấu tranh với chính mình, cuối cùng Thanh quyết định chia tay với bầu Chương.

Cái danh ấy có khó gì!

Hầu hết những ca sỹ được bầu Chương tuyển chọn đều là sinh viên của các trường đại học ở Hà Nội. Có người học đúng ngành nghề, nhưng cũng có người học trường khác, họ cùng có điểm chung là trẻ đẹp, hấp dẫn, có năng khiếu về hát và cơ bản vẫn là  "phải biết nghe lời ông bầu".

X là một người bạn thân của Thanh, nhưng hoàn cảnh gia đình và tính cách của hai cô lại trái ngược nhau hoàn toàn. Không lâu sau ngày kết nạp vào nhóm, X được bầu Chương quan tâm đặc biệt dù rằng về giọng hát và hình thức, X còn kém xa nhiều người. Giờ đây, trong giới ca sỹ phòng trà, ai cũng biết X là một trong những mối quan hệ gần gũi của bầu Chương.

Một chiêu bài quen thuộc mà bầu Chương thường sử dụng để tán tỉnh những cô gái trẻ là kể về mối quan hệ thân thiết của ông với những ca sỹ hàng đầu Việt Nam, về những bản hợp đồng biểu diễn đầy ắp mà các bầu khác luôn phải ghen tỵ. Quảng cáo cho oai vậy thôi chứ thực ra bầu Chương không phải ca sỹ, nhạc sỹ, cũng chẳng phải nhân vật nổi tiếng gì, mà chỉ là người nhạy bén của nền kinh tế thị trường thời mở cửa. Đánh vào sự háo danh của các ca sỹ tương lai, bầu Chương xuất hiện như người đỡ đầu và dìu dắt họ trong vai trò người thầy. Nhưng có một sự thật phũ phàng là bầu Chương chỉ sử dụng họ như một cỗ máy để thực hiện những toan tính cá nhân.

Lao vào vòng xoáy của tiền bạc và danh vọng, nhiều cô gái chấp nhận đánh đổi tất cả để tiếp tục cuộc chơi. Nếu ai không chấp nhận thứ luật bất thành văn này sẽ khó có cơ hội thể hiện khả năng trước công chúng, không được bầu sô lăng xê, dù cho họ đã từng đoạt giải cao về giọng hát hay ở một cuộc thi nào đó. Trong những lúc tâm sự cùng Thanh Thanh, ca sỹ X đã khóc cho sự mê muội của mình, song X vẫn hiểu rằng, nếu rời xa bầu Chương, cô sẽ mất cơ hội xuất hiện trên sàn diễn.

Bầu Chương chỉ là trường hợp cụ thể mà tôi được biết. Song nghe người trong cuộc tự bạch thì không ít bầu sô ca nhạc hiện nay có nhiều điểm giống như bầu Chương. Không lẽ nào ca sỹ phòng trà muốn thành danh đều phải chấp nhận sự thật phũ phàng ấy sao?

Ca sỹ là một trong những nghề được xã hội tôn trọng. Tuy nhiên, để có thể tạo cho mình được một chỗ đứng vững chắc trong nghề không nên "ăn xổi" theo kiểu bám lấy bầu sô mong được lăng xê, dù cho hiện nay, đó là một thực tế có phần phũ phàng đối với những ca sỹ phòng trà chưa nổi tiếng. Để trở thành một ca sỹ chuyên nghiệp, kiếm sống bằng chính nghề nghiệp của mình không phải là chuyện một sớm một chiều là có thể làm được. Đừng vì những lời tán tụng của bầu sô, ảo tưởng mình là "sao" mà dần đánh mất đi những gì tốt đẹp của bản thân, của nghề ca sỹ

Nguyễn Anh Anh
.
.
.