Vì sao đến giờ Man City mới bị "sờ gáy"?

Thứ Bảy, 17/11/2018, 14:21
Nghi vấn về việc Man City gian lận để lách luật công bằng tài chính của UEFA đã xuất hiện từ lâu. Tuy nhiên, điều này gần đây mới thực sự trở thành vấn đề nóng. Vì sao cáo buộc Man City gian lận đến tận bây giờ mới bị xem là nghiêm trọng, trong khi những khoản doanh thu bất thường của họ đã công khai từ rất lâu?


Doanh thu đến trước thành tích

Kể từ khi được các ông chủ Arab mua lại, Man City đã thực sự trở thành một "đại gia" ở Anh. Sau 10 năm, Man City sở hữu 3 cúp vô địch Premier League, 1 FA Cup, 3 League Cup và 2 Community Shield. Họ dần thoát khỏi vị thế của một đội bóng lên xuống hạng như cơm bữa. Trận derby thành Manchester mới đây cho thấy họ thực sự lấn át đối thủ Man Utd trên sân cỏ.

Thành công Man City có được như hôm nay cho thấy hiệu quả của dòng tiền được Hoàng gia Abu Dhabi (thuộc Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất - UAE) rót vào. Tuy vậy, những khoản thu và chi đó liệu có minh bạch và công bằng hay không? Đó là nghi vấn đang được đặt ra.

Thành công của Man City có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cáo buộc gian lận tài chính.

Trên thực tế, Man City đã công khai những khoản thu bất thường của họ từ rất lâu. Năm 2011, đội bóng này, với ông chủ là thành viên Hoàng gia Abu Dhabi, chính thức ký vào bản hợp đồng tài trợ. Hợp đồng này có thời hạn lên tới... 10 năm, trị giá 400 triệu bảng. Đổi lại, họ đổi tên sân City of Manchester thành tên của nhà tài trợ, Etihad Airways. Công ty này là thành viên thuộc Tập đoàn Hàng không Etihad, có chủ sở hữu... là Chính phủ Abu Dhabi.

Bên cạnh đó, khoản tiền tài trợ dành cho Man City lách luật công bằng tài chính mới được UEFA ban hành khi đó cũng cao một cách bất thường. Bản hợp đồng trị giá 400 triệu bảng này lớn gấp hơn 2 lần kỷ lục trước đó thuộc về Chelsea. The Blues nhận về 187 triệu bảng khi ký hợp đồng tài trợ với JP Morgan Chase.

Để dễ so sánh, hợp đồng đổi tên sân Emirates của Arsenal vào năm 2004 kéo dài 15 năm chỉ có giá trị vỏn vẹn 90 triệu bảng. Tính ra mỗi năm "sang tên" sân bóng của Arsenal chỉ giúp họ nhận về 6 triệu bảng, còn Man City nhận tới 40 triệu. Khác biệt này càng bất thường hơn khi ở thời điểm đó, Arsenal vẫn là một thế lực đáng gờm cùng bề dày thành tích vượt trội, còn Man City chỉ đang là "thiếu gia" mới nổi có đúng 1 FA Cup trong tay.

Bản thân Giám đốc Garry Cook của Man City khi đó cũng mô tả đây là "một trong những hợp đồng quan trọng nhất lịch sử bóng đá thế giới". Man City được quyền bán tên sân bóng khi họ còn... không có quyền sở hữu sân bóng ấy. Man City đã dàn xếp với Hội đồng Thành phố Manchester cho phép họ đổi tên sân, theo một điều khoản trong hợp đồng thuê sân bóng.

Ở thời điểm năm 2011, UEFA khẳng định họ đã làm việc cùng Man City, giám sát tiến trình ký kết hợp đồng, khẳng định CLB này không vi phạm luật công bằng tài chính. Người phát ngôn của UEFA khẳng định: "Chúng tôi nhận thức được tình thế hiện tại, và các chuyên gia sẽ đánh giá chính xác giá trị hợp đồng tài trợ có phù hợp hay không".

Tuy nhiên, đến năm 2014, FIFA đổi ý, quyết định phạt Man City (cùng PSG) cắt giảm 20 triệu euro tiền thưởng ở Champions League, và giới hạn cầu thủ đăng ký tham gia giải đấu. Sau 4 năm, việc Man City vi phạm Luật Công bằng tài chính tưởng chừng đã lắng xuống, nay lại tiếp tục dấy lên lần nữa do những tài liệu được trang Football Leaks tiết lộ ra.

Man City có được đối xử công bằng?

Ngay khi những cáo buộc Man City vi phạm luật công bằng tài chính được đưa ra, Simon Chadwick, Giáo sư ngành Kinh doanh Thể thao thuộc Đại học Salford (Anh), nhận định: "Không ai có thể nói IKEA, BMW, Air France, hay bất cứ doanh nghiệp nào rằng họ nên chi bao nhiêu, thu bao nhiêu, trả lương cho nhân viên ra sao. Những điều đó do thị trường quy định".

Chủ tịch FIFA Gianni Infantino được cho đã thỏa thuận làm giảm nhẹ án phạt của Man City. 

Trong trường hợp của Man City, "thị trường" chính là những CLB lớn, có truyền thống đang cố gắng duy trì sức ảnh hưởng của họ. Bên cạnh Man City, PSG cũng là "cái gai" trong mắt những đội bóng này. Thương vụ phá vỡ hợp đồng chiêu mộ Neymar của PSG trong năm ngoái cho thấy Luật Công bằng tài chính hoàn toàn không thể ngăn chặn mọi thương vụ mua bán bất thường nữa. Đó là lý do PSG và Man City trở thành nạn nhân của cáo buộc gian lận tài chính.

Xét ở phạm vi châu Âu, Chelsea của tỷ phú Roman Abramovich sẽ thấy họ thật may mắn. Trước đây, Chelsea được chi tiền thoải mái mà không sợ Luật Công bằng tài chính sờ gáy vì... khi đó Luật chưa ban hành. Những thương vụ chiêu mộ Cech, Drogba, Essien hay Lampard hoàn toàn được vị tỷ phú dầu mỏ Nga ký séc chuyển khoản trực tiếp.

Vào thời điểm Luật Công bằng tài chính áp dụng, Chelsea lập tức "hô biến" báo cáo tài chính của họ thành có lãi. Nhưng đó là lúc Chelsea đã tạo dựng được nền tảng kinh doanh vững chãi sau gần 10 năm được đầu tư. Nhờ đó, những bản hợp đồng tài trợ có giá trị hàng chục, hàng trăm triệu bảng không còn là vấn đề quá khó tìm.

Trường hợp của Man City lại hoàn toàn khác. Họ được các ông chủ Arab đầu tư vào trong lúc dòng vốn đầu tư vào bóng đá từ nước ngoài đổ dồn dập vào châu Âu. Vì lý do đó, họ trở thành mục tiêu bị dòm ngó hơn Chelsea. Việc hàng loạt tỷ phú "đổ bộ" dùng tiền mua thành tích khiến UEFA buộc phải vào cuộc bằng cách ban hành luật để ngăn chặn.

Tuy vậy, trường hợp của Man City còn nghiêm trọng hơn vi phạm Luật Công bằng tài chính thông thường. Trang Football Leaks cùng những nhà báo điều tra độc lập khác khẳng định Chủ tịch FIFA Gianni Infantino - vào thời điểm 2014, khi đang là Tổng thư ký UEFA - đã trực tiếp đàm phán thỏa thuận án phạt dành cho Man City. Bằng cách "đi cửa sau" này, Man City chỉ phải nhận án phạt 20 triệu euro thay vì 60 triệu.

Vì sao đến giờ Man City mới bị "tố"?

Dưới thời Pep Guardiola, Man City đang đạt tiến bộ vượt bậc trong thành tích thi đấu. Mùa giải trước, họ giành chức vô địch tuyệt đối, bỏ xa đối thủ Man Utd giành ngôi Á quân. Mùa này, Man City vẫn tiếp tục duy trì mạch bất bại, đánh bại Man Utd 3-1 trên sân nhà. Thành công lâu dài sắp đến với Man City là một phần nguyên nhân khiến họ bị sờ gáy.

Thương vụ chiêu mộ Neymar cho thấy lỗ hổng của Luật Công bằng tài chính.

Bên cạnh Man City, PSG ở Pháp cũng đang thể hiện sức mạnh tuyệt đối ở đấu trường trong nước. Đối thủ thường trực của họ, AS Monaco, sau khi liên tục phải bán đi những cầu thủ giỏi để thu lời và... tuân thủ Luật Công bằng tài chính, hiện đang nằm trong nhóm xuống hạng. Ngay cả khi bổ nhiệm Thierry Henry làm HLV trưởng, thành tích đội bóng này cũng không khá hơn.

Có thể nói, Man City, PSG bị đối xử bất công khi các ông lớn "hội đồng" họ bằng Luật Công bằng tài chính. Với điều luật này, Man City không thể được ông chủ trực tiếp rót tiền như Chelsea trước kia. Tuy vậy, trong trường hợp việc họ "đi đêm" với quan chức UEFA là đúng, thì Man City cũng không hề oan.

Việc điều tra nghi án gian lận của Man City là một phần của quá trình minh bạch hóa kinh doanh bóng đá. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy sức ảnh hưởng của các đội bóng lớn chưa bao giờ mất đi, ngay cả trong trường hợp thành tích của họ sa sút.

Man City sẽ ra sao nếu bị kết luận vi phạm Luật Công bằng tài chính?

UEFA cho biết sau khi những tài liệu cáo buộc Man City vi phạm Luật Công bằng tài chính được công bố, họ đang chuẩn bị thủ tục tiến hành điều tra đội bóng này. Những CLB hàng đầu châu Âu bao gồm Bayern Munich, Real Madrid và Barcelona đều khẳng định họ muốn Man City bị trừng phạt vì nhận những khoản tài trợ trái phép từ chủ sở hữu.

Bên cạnh những CLB nói trên, Man Utd hoàn toàn có thể là một đồng minh lớn chống lại Man City. Trong trường hợp tệ nhất - Man City bị kết luận vi phạm Luật Công bằng tài chính - họ hoàn toàn có thể bị phạt cấm tham dự Champions League và Europa League.

Đến thời điểm hiện tại, chỉ có Man City và PSG lên tiếng phản bác lại những cáo buộc nhắm vào họ. Đây cũng là 2 đội bóng bị nêu tên trong tài liệu được Football Leakes tuồn ra. Đại diện 2 CLB thậm chí còn khẳng định đã chuyển giao tài liệu cho luật sư.

Còn trong phạm vi Premier League, ban tổ chức giải đấu này chỉ phạt một đội bóng nếu họ lỗ liên tục quá 105 triệu bảng trong 3 năm liên tiếp. Trong bối cảnh hiện tại của bóng đá Anh, việc một đội bóng vi phạm quy định này gần như là không tưởng. CLB duy nhất từng vi phạm là Queens Park Rangers. Họ bị phạt 40 triệu bảng, và từ đó đến nay vẫn chưa thể quay lại Premier League.

Trên thực tế, trong trường hợp không bị cấm tham dự Champions League, Man City hoàn toàn có khả năng xoay xở trước án phạt UEFA đưa ra. Năm 2014, họ đã chấp hành án phạt từ UEFA, nộp phạt, đồng thời cắt giảm số lượng cầu thủ đăng ký thi đấu, và giới hạn số tiền chi ra trên thị trường chuyển nhượng.

Đơn Ca
.
.
.