V.League ở mùa chuyên nghiệp thứ 16: Fair play là cái quái gì?

Thứ Tư, 03/08/2016, 16:30
Chuyện diễn ra ở vòng 18 V.League 2016, trong những phút cuối trận Khánh Hoà - Quảng Nam, khi cầu thủ Quảng Nam đang dẫn 1-0, phá bóng ra biên, nhưng cầu thủ Khánh Hoà không trả bóng, mà thực hiện một pha tấn công, ghi bàn gỡ hoà 1-1. Trọng tài Phùng Đình Dũng không công nhận bàn thắng vì cho là không fair play


1.Rất nhanh, Trưởng ban Trọng tài Quốc gia Nguyễn Văn Mùi khẳng định trọng tài Phùng Đình Dũng đã sai - một lỗi sai cơ bản, vì luật FIFA không có điều khoản nào quy định cầu thủ của một đội phải trả bóng sau khi cầu thủ đội kia chủ động phá bóng ra biên. Trong cuộc nói chuyện riêng với "vua" Mùi, "vua" Dũng cũng thừa nhận là mình đã sai, và như thế câu chuyện không khó hạ hồi phân giải. 

Hiện tại Khánh Hoà đã đệ đơn lên BTC đề nghị phải tổ chức lại một trận đấu mà họ "mất trắng một bàn thắng", từ đó thua đau ngay trên sân nhà. Rốt cuộc BTC giải có chấp nhận đề nghị này hay không thì còn phải chờ, nhưng ở đây, câu hỏi đáng đặt ra là: Vì sao cầu thủ Khánh Hoà không chịu trả bóng, không chịu thực hiện một hành động fair play như thường lệ? 

Trả lời báo chí vấn đề này, HLV trưởng Võ Đình Tân cho hay: "Chúng tôi không trả bóng vì trước đó đối phương phá bóng ra biên cũng chẳng phải vì fair play, mà vì mục đích câu giờ". Theo ông Võ Đình Tân, khi trận đấu rơi vào những phút cuối, và khi Quảng Nam đang dẫn trước 1-0 thì cầu thủ Quảng Nam liên tục thực hiện nhiều hành động câu giờ xấu xí, và đó là "lý do hợp lý" để đội bóng của ông không... trả bóng đối phương. 

Trọng tài Phùng Đình Dũng (thứ hai, bìa trái) vừa gây ra nhiều sóng gió trên sân Khánh Hoà.

Có thể khái quát nôm na câu chuyện này như sau: một khi tôi cho rằng anh "chơi xấu" - mới chỉ là "tôi cho rằng..." thôi nhé, chứ chưa chắc là quả thực anh "chơi xấu" thì tôi cũng sẵn sàng "chơi xấu" lại. Nó cho thấy V.League là một cuộc chơi khắc nghiệt, nơi gần như không tồn tại một tinh thần khoáng đạt, một phong cách thượng mã như những đòi hỏi đúng nghĩa của thể thao.

2.Nhưng chuyện lùm xùm giữa Khánh Hoà - Quảng Nam chỉ là một trong vô số những chuyện xấu xí khác của sân chơi V.League lúc này. Đừng nói gì tới những đội bóng như Khánh Hoà, Quảng Nam, thời gian qua cũng đã có những kêu ca nhất định về phong cách thi đấu của ngay cả  những cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai - những người mà năm ngoái còn điển hình cho tư tưởng đá sạch, đá đẹp, và được tôn vinh là "cái đẹp hiếm hoi ở sân chơi V.League hiện nay". 

Trong những vòng đấu vừa qua, khi phải đối diện với mục tiêu tích điểm trụ hạng không khó thấy cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai cũng đã không ngại thực hiện những tiểu xảo sân cỏ hay những pha nằm sân câu giờ.

Có những lý giải cho rằng thành phần Hoàng Anh Gia Lai năm nay không chỉ bao gồm những cầu thủ lớn lên từ lò JMG như năm ngoái, mà có sự xuất hiện của nhiều cầu thủ đến từ nhiều địa phương khác, nên những hành vi như vậy là khó tránh. Lại có ý kiến cho rằng, ngay cả khi một bộ phận không nhỏ các cầu thủ lớn lên từ lò JMG - những mầm non ngoan ngoãn, trong trẻo ngày nào giờ thực hiện những hành vi tiểu xảo sân cỏ cũng là chuyện rất bình thường, vì "đá ở V.Leauge mà không thế thì không đá nổi". 

Trước đây, khi lứa U.19 của lò JMG trình làng, thể hiện bộ mặt ấn tượng trong màu áo ĐT U.19 Việt Nam thì ông bầu Đoàn Nguyên Đức từng có ý định "bốc" cả lứa cầu thủ này sang châu Âu hoặc giải vô địch quốc gia Singapore, để không dễ hoà tan trong sàn đời V.League. Tiếc là cuối cùng ý tưởng này không thể triển khai toàn diện, mà chỉ dừng lại ở cấp độ gửi một vài cầu thủ tiêu biểu như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... sang Nhật Bản và Hàn Quốc mà thôi. 

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo giới mới đây, một lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai cho hay đội bóng không bao giờ chủ trương "vì thành tích mà đánh mất bản sắc vốn có của mình", nhưng có lẽ đấy cũng chỉ là một cách nói mang tính giải toả áp lực. Thực tế như thế nào cứ nhìn vào việc mùa giải năm ngoái sân Pleiku luôn đông đảo khán giả và sục sôi không khí cổ vũ, còn năm nay thì trống trải, thậm chí có nhiều trận còn vắng hoe vắng hắt là rõ cả. 

3.Làm mọi kỹ xảo tiểu xảo để bảo vệ thành quả của mình mới chỉ là một lẽ, ở V.League bây giờ còn có cả chuyện người ta làm mọi kỹ xảo, tiểu xảo để hướng dư luận vào một điểm nóng nào đó mà mình muốn hướng. Điển hình nhất là những phàn nàn, kêu ca liên tục của CLB Hải Phòng với đội ngũ trọng tài thời gian qua. Hoà trên sân Pleiku, Hải Phòng phản ứng trọng tài, thua SHB. Đà Nẵng trên sân nhà Lạch Tray họ cũng phản ứng trọng tài, cứ như thể trọng tài là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

Cụ thể, trong trận đấu ở Pleiku, cầu thủ Hải Phòng ầm ầm phản ứng chuyện chủ nhà Hoàng Anh Gia Lai đã ghi bàn trong tình huống trọng tài biên thì phất cờ việt vị, nhưng trọng tài chính lại "đè cờ". Thực tế, đấy là tình huống giám biên không phất cờ, mà đơn giản chỉ chuyển cờ từ tay nọ sang tay kia, mà ngay cả khi chuyện "phất cờ việt vị" là có thật thì theo trọng tài gạo cội Đoàn Phú Tấn thì: "Trọng tài chính phủ nhận quyết định của trọng tài biên cũng là rất bình thường, là điều luật hoàn toàn cho phép. Tại sao cứ phải làm to chuyện lên?". 

Đến trận thua SHB. Đà Nẵng 0-3 ở Lạch Tray thì người Hải Phòng lại cho rằng trọng tài mắc lỗi, vì trước khi xuất hiện bàn thắng đầu tiên của đối phương, cầu thủ ngoại Fargan của mình đã bị phạm lỗi, nhưng trọng tài lại không tuýt còi. 

BHL Hải Phòng thẫn thờ với những trận thua lạ của đội nhà.

Sự thực tình huống đó Fargan đúng là đã bị phạm lỗi, và đúng là trọng tài đã sơ suất, nhưng thứ nhất, Fargan bị phạm lỗi ở gần giữa sân, nghĩa là vẫn còn đủ không gian, thời gian để hệ thống phòng ngự Hải Phòng chống lại pha tấn công của đối phương và thứ hai, những sơ suất theo kiểu nhận định của trọng tài như vậy cũng là điều khó tránh trong bóng đá, tại sao không chịu nhìn vào đấy mà cứ thổi bùng ngọn lửa trọng tài lên cao?

Những người hiểu nội tình bóng đá Hải Phòng và hiểu đặc thù V.League cho rằng những vấn đề của Hải phòng không nằm ở... trọng tài mà nằm ở chính tư tưởng và cách chơi bóng của mình. Vì sao một Hải Phòng với hàng thủ rắn chắc, bảy vòng đầu tiên không để lọt lưới bàn nào bây giờ lại có nhiều tình huống cứ như thể... mở khung thành, mời ông xơi? Vì sao cầu thủ Hải Phòng bây giờ hay "ăn" thẻ ở những trận đấu mà trước đó "kèo lạ" đổ vào Hải Phòng không ngừng tăng cao? 

Đơn cử như ở trận đã dẫn giữa Hải Phòng và Hoàng Anh Gia Lai, về lý Hải Phòng có binh lực và phong độ mạnh hơn hẳn Hoàng Anh, thế mà trước trận đấu ấy số lượng người đặt cửa Hải Phòng từ thua đến hoà lại tăng cao bất thường. Theo thông tin riêng của chúng tôi thì những nhà làm giải không bỏ qua chi tiết này, và đã có nhiều nguồn, nhiều kênh khác nhau để phân tích những trận đấu kiểu này.

4.V.League ở mùa giải thứ 16 hoá ra vẫn còn đầy đủ những mưu mô xảo thuật, vẫn đầy rẫy những chuyện "anh xấu tôi - tôi xấu anh" và "chúng ta cùng xấu để cố đạt được mục đích riêng của mình" hệt như những quan hệ chợ trời. Trong một cuộc chơi như vậy đúng là khái niệm "fair play" thật vô cùng xa xỉ, và như thế, có lẽ cũng đừng trách các cầu thủ Khánh Hoà thiếu fair play khi không chịu trả bóng cho đối phương, mà phải trách ông trọng tài Phùng Đình Dũng trong một tích tắc muốn bảo vệ cho tinh thần fair play (hay là trong một tích tắc quên luật?) đã trở thành miếng mồi ngon để nhiều người, nhiều giới cùng lao vào... xỉa?!

Fair play giữa tiếng ồn bạo lực

"Lễ công bố giải Fair Play do Báo Pháp luật TPHCM tổ chức đã bước vào tuổi lên 5. Nét mới của BTC là không giới hạn sân chơi, kể cả những giải trẻ, đồng thời cũng được rất nhiều đồng nghiệp đề nghị ngoài những phần thưởng tôn vinh, còn phải có thái độ quyết liệt lên án hình ảnh xấu xí.

Fair play năm nay đúng là một thách thức cho những nhà tổ chức bởi tiếng ồn từ bóng đá bạo lực vẫn còn bao trùm. Công văn kỷ luật treo giò lẫn treo còi vẫn còn chưa ráo mực sau cú vào bóng rợn người của thủ môn Bửu Ngọc càng khiến giới chuyên môn cùng đề nghị nên có hình thức công bố và lên án hình ảnh xấu đi ngược với tiêu chí fair play.

Thực chất thì những góp ý đấy không nằm ngoài ý tưởng ban đầu của những nhà tổ chức. Ban đầu chỉ là mong sao người người, nhà nhà đừng "xả rác" vào khu vườn bóng đá của mình nữa rồi mới đến nhổ cỏ dại trong khu vườn đấy, sau đó mới là trồng hoa và chăm hoa…

Đấy cũng là điều mà khi sinh thời cố danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang từng đề cao bóng đá đẹp và lên án gắt gao những thứ bóng đá xấu xí, bạo lực bắt đầu từ môi trường đội bóng Cảng Sài Gòn của ông rồi đến đội trẻ Thành Long mà ông huấn luyện lúc cuối đời. Đấy cũng là điều mà ngày nay khi qua đến Malaysia, đứng trước những hình ảnh tư liệu của bóng đá quốc gia này, nhiều người Malaysia vẫn còn kể lại hình ảnh người Malaysia yêu thích Đỗ Thới Vinh và ao ước tuyển thủ đấy của Việt Nam xuất hiện trên sân bóng của họ trong thành phần tuyển thủ Châu Á…"

 (Nguyễn Nguyên - báo Lao động)

Diệp Xưa
.
.
.