Khi V.League nguội lửa

Thứ Năm, 21/07/2016, 09:05
2.000 người - đấy là số lượng khán giả ngồi lọt thỏm ở sân vận động Vinh trong trận Sông Lam Nghệ An - Khánh Hoà thuộc khuôn khổ vòng 16 V.League vừa qua. Nếu biết rằng, sân Vinh xưa nay được mệnh danh là "chảo lửa", và ngay cả đầu mùa giải năm nay vẫn hút được trên dưới 12.000 người/ trận hẳn sẽ thấy "con số 2.000" là một sự sụt giảm, một nỗi xót xa không nhỏ chút nào.

Nhưng chẳng riêng gì sân Vinh, sân Gò Đậu (Bình Dương) trong trận đấu được dự đoán là kịch tính giữa đội chủ nhà với đội khách Quảng Ninh cũng chỉ có một lượng khán giả khiêm tốn đến mức... không ai muốn đếm.

Theo lời kể của một phóng viên có mặt ở sân Gò Đậu vòng 16 thì số lượng khán giả chủ nhà còn lèo tèo, khiêm tốn hơn cả khán giả Quảng Ninh, và khu vực đông vui nhất có lẽ lại là khu vực của... những phóng viên phải đến sân đưa tin, viết bài.

Nhìn lên sân Pleiku - cái sân mà năm ngoái gần như trận nào cũng kín người thì tình hình còn thê thảm hơn nữa. Ai cũng biết năm ngoái, với việc đưa một "thế hệ tài năng U.19" lên đội 1 đá V.League, Hoàng Anh Gia Lai (HA.GL) đã làm được một việc vô tiền khoáng hậu là bán vé cả mùa, và số lượng vé cả mùa được bán ra khá  cao. 

Ngay ở trận khai mạc giữa HA.GL với Khánh Hoà, khán giả đã vào sân đông tới mức phút cuối BTC phải chấp nhận để khán giả ngồi tràn xuống cả đường piste. Tất nhiên, hành động này đã khiến BTC sân Pkeiku bị tuýt còi nhưng nó lại là một minh chứng cho thấy người hâm mộ háo hức tới sân như thế nào.

Trận Bình Dương - Hoàng Anh Gia Lai diễn ra trong một SVĐ vắng người. Ảnh: H.M

Đoạn cuối V.League năm ngoái, HA.GL xuống phong độ, sân Pleiku có vắng hơn nhưng nhìn chung đấy vẫn là một số lượng khán giả chấp nhận được. Nó khác và khác rất nhiều so với những trận đấu vắng hoe vắng hắt ở mùa giải năm nay.

Lý giải về tình trạng sụt giảm khán giả trên sân Vinh, một lãnh đạo CLB Sông Lam Nghệ An cho biết, có thể mọi thứ bắt nguồn từ VKC Euro 2016, khi người hâm mộ đang quá no nê bóng đá ngoại. Ngoài ra, vị này cũng thừa nhận thành tích thi đấu của Sông Lam giai đoạn này không tốt, nên không loại trừ khả năng bị khán giả quay lưng. Nhưng với tình trạng sân Gò Đậu thì có lẽ những lý giải kiểu này là không đủ.

Ở sân Gò Đậu thời gian qua đã diễn ra những trận đấu lạ, mà lạ nhất là trận chủ nhà Bình Dương thua ngược đội khách Hà Nội T&T 4-5. Trận đấu mà thủ thành Bùi Tấn Trường có những sai lầm ngớ ngẩn, không thể chấp nhận được ở góc độ chuyên môn thuần tuý. Và theo những người hiểu bóng đá Bình Dương thì số lượng khán giả sân Gò Đậu giảm sút nằm ở việc người ta đang bị mất niềm tin vào tính trung thực của đội nhà.

Riêng với trường hợp HA.GL, mùa giải năm ngoái, ông chủ Đoàn Nguyên Đức nhiều lần hạnh phúc cho biết "HA.GL tới sân nào, sân ấy đông khách", và theo lý giải của bầu Đức thì mọi thứ nằm ở chỗ đội bóng này điển hình cho tư tưởng đá sạch, đá đẹp, đá cống hiến. 

Ông Đức từng nhấn đi nhấn lại rằng: "Ngay cả khi thua trận nhưng đá sạch, đá đẹp thì khán giả vẫn thương". Sang đến mùa giải năm nay, HA.GL không còn giữ được cái tôn chỉ "có thể thua trận, nhưng luôn đá sạch, đá đẹp" như thế nữa. 

Năm nay, một mặt HA.GL vẫn giữ lại một nhóm cầu thủ thuộc "thế hệ U.19", lớn lên từ học viện JMG như Văn Toàn, Hồng Duy... nhưng mặt khác đã bổ sung thêm những cầu thủ thuộc lứa năng khiếu của mình, và đáng nói nhất là những cầu thủ có kinh nghiệm đến từ những địa phương khác. Chính vì thế năm nay có không ít thời điểm cầu thủ HA.GL chơi chiêu, ăn vạ, hay... nằm sân câu giờ.

Mỗi đội bóng có một lý do khác nhau, nhưng tất cả những lý do ấy đều dẫn đến một mẫu số chung: nhiều sân đấu vắng khán giả, trong đó buồn nhất là những sân đấu mà trước đây luôn được nhận diện là "chảo lửa". Không biết tình trạng này còn kéo dài bao lâu nữa?

U.16 Việt Nam quyết tâm vào chung kết

18 giờ 30 hôm nay, tại  Campuchia, U.16 Việt Nam sẽ đá trận bán kết 2 giải U.16 Đông Nam Á với đội U.16 chủ nhà. Trước đó, U.16 Việt Nam đã xuất sắc dẫn đầu đầu bảng A với thành tích thắng 4, hoà 1, trong đó có trận thắng đậm U.19 Australia. Ngược lại phải đợi đến trận đấu cuối cùng tại bảng B, thắng U.16 Đông Timor 3-0 thì U.16 chủ nhà mới chính thức giành quyền vào bán kết với tư cách nhì bảng B, sau U.16 Thái Lan. Ban huấn luyện Việt Nam nhận định thực lực của đội chủ nhà không quá mạnh, nên chỉ cần đá đúng phong độ đã thể hiện ở vòng bảng, cửa thắng của U.16 Việt Nam trong trận đấu này là khá lớn.

Ở trận bán kết 1 diễn ra lúc 15 giờ 30, U.16 Thái Lan gặp U.16 Australia. Sẽ không bất ngờ nếu sau hai trận bán kết này, Việt Nam và Thái Lan sẽ đối đầu nhau trong trận đấu cuối cùng. HLV Đinh Thế Nam cho biết: "Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định Thái Lan là đối thủ mạnh nhất của mình tại giải đấu năm nay, nhưng trước khi có thể gặp Thái Lan, cần phải tập trung tối đa sức mạnh để quyết thắng Campuchia trước đã".

Tuấn Thành 

Điểm sáng Hải Phòng, Quảng Ninh

Trong bối cảnh mà nhiều sân bóng nguội lửa thì có vẻ sân Lạch Tray (Hải Phòng) và Cẩm Phả (Quảng Ninh) vẫn ít nhiều giữ được phong độ vốn có của mình.

Điều này là dễ hiểu bởi với Hải Phòng, mặc dù cũng có những vấn đề này nọ nhưng đội bóng này vẫn đang dẫn đầu bảng tổng sắp, và nếu nhìn nhận ở góc độ lý thuyết thì những fan hâm mộ Hải Phòng vẫn có quyền mơ đến ngôi vương V.League.

Trong khi đó dưới sự dẫn dắt của HLV giàu kinh nghiệm Phan Thanh Hùng, Quảng Ninh càng đá càng vào phom, thậm chí có nhiều màu sắc kĩ thuật, đậm tính cống hiến hơn cả Quảng Ninh dưới thời các HLV Đinh Cao Nghĩa, Phạm Như Thuần trước đây. Mong là từ giờ đến đoạn cuối V.League, hai đội bóng này vẫn tiếp tục thể hiện được sức sống của mình, để mỗi trận đấu diễn ra trên sân nhà đều trở thành một ngày hội với người hâm mộ.

Ngọc Anh

Hiếu Hà
.
.
.