SEA Games 29, niềm tin cuối cùng của ông Ba Đức?
- Những “đứa trẻ” nhà bầu Đức đã "lớn" tới cỡ nào?
- Giấc mơ vàng của bầu Đức...
- Bốc thăm tại SEA Games 29: Dấu ấn của sự may rủi
- Thể thao Việt Nam đặt mục tiêu Top 3 tại SEA Games 29
- Lo cho SEA Games 29
Ông Đức mơ vàng SEA Games từ cái thời mới chỉ là một cổ động viên bóng đá thuần tuý, còn chưa mảy may nhảy vào đầu tư cho CLB bóng đá Gia Lai. Cái thời mà ông tới sân vận động xem thế hệ vàng của Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Minh, Hoàng Bửu thi đấu, và có lần cao hứng ông đã từng chạy xuống sân thưởng nóng Hồng Sơn.
Ngay từ thời ấy, cổ động viên Đoàn Nguyên Đức đã bị ám ảnh bởi cái bóng quá lớn của Thái Lan và tự đặt cho mình câu hỏi: Phải làm gì để thắng Thái, đoạt ngôi vô địch?
Cũng chính vì câu hỏi ấy mà sau này nhảy vào làng bóng, bầu Đức quyết mua bằng được những ngôi sao Thái Lan về CLB của mình. Ngày Hoàng Anh Gia Lai mới chỉ đá hạng Nhất, ông đã làm tất cả để có được chữ ký của Kiatisak.
Đội tuyển U.22 Việt Nam phải đối diện với những áp lực nặng nề. |
Khi Hoàng Anh Gia Lai lên V.League thì lại xuất hiện hàng loạt những cái tên Thái nổi đình nổi đám khác như Dusit, Tawan, Sakda, Nirut, Thonglao... Và sau đó có cầu thủ Thái Lan thậm chí đã nhập tịch Việt Nam, lấy họ Đoàn làm họ của mình.
Mục đích của bầu Đức khi "Thái hoá" đội bóng phố Núi một phần là để cạnh tranh giành thành tích (dĩ nhiên rồi) nhưng còn một phần sâu xa khác là muốn các cầu thủ Việt Nam va với cầu thủ Thái thường xuyên hơn, từ đó không cóng chân trước người Thái trong mỗi lần chạm trán ở SEA Games hay Tiger Cup.
Nhìn lại các trận chung kết SEA Games kể từ năm 1995 đến nay sẽ thấy ngoại trừ duy nhất một lần thua Malaysia (năm 2009) thì Việt Nam đều thua Thái. Thua trên sân của Thái, năm 1995, trên sân trung lập những năm 1999, 2005 và ngay trên sân nhà mình, năm 2003.
Ngoại trừ trận thua 1-2 năm 2003 ở Mỹ Đình, cả ba lần thua trước đều là những cái thua rất dễ. Người hâm mộ bóng đá Việt Nam chưa quên, chung kết SEA Games năm 1999 tại Brunei, bóng đá Việt Nam chứng kiến trận đánh cuối cùng của thế hệ vàng, và ai cũng tin thế hệ vàng sẽ làm tất cả để có được chiếc huy chương vàng kỷ niệm.
Nhưng hai bàn thua đến từ hai cú sút xa của người Thái đã làm vỡ tan tất cả. Riêng trận thua 0-3 năm 2005 ở Philippines thì khỏi nói, đấy là trận đấu diễn ra trong bối cảnh mà rất nhiều cầu thủ bấn loạn vì nghi án bán độ ở vòng đấu bảng.
Nỗi ám ảnh Thái Lan và mối hận Thái Lan khiến bầu Đức sau này dồn không biết bao nhiêu tâm sức, tiền bạc vào Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG với hy vọng tạo nên một thế hệ cầu thủ mới có thể đá trên chân người Thái. Thực tế là thế hệ ấy, với những cái tên như Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường đã nhiều lần thắng Thái ở các giải U.19, U.20 khu vực.
Tới lúc này thì cái dớp Thái Lan tưởng chừng đã được phá vỡ, và bầu Đức mơ mộng đến việc lứa cầu thủ này có thể giành ngay huy chương vàng SEA Games 28 trên đất Singapore, hai năm về trước.
Hồi ấy, thậm chí bầu Đức đã tác động lên Thường trực VFF để ra nghị quyết lấy toàn bộ lứa cầu thủ U.19 Hoàng Anh Gia Lai JMG đi dự SEA Games. Nhưng mâu thuẫn xảy ra khi HLV trưởng U.23 Việt Nam khi đó - thầy Nhật Toshiya Miura lại không đặt niềm tin vào những đôi chân Hoàng Anh giàu kỹ thuật, mà lại trọng dụng những cầu thủ lối chơi lực sĩ.
Kết quả là ngoại trừ một mình Công Phượng thường xuyên được ra sân đá chính, không có cầu thủ Hoàng Anh nào khác đóng vai chủ trò tại SEA Games 28. Đấy là lý do mà bầu Đức, trong tư cách Phó Chủ tịch Tài chính VFF rất "cay" thuyền trưởng Miura. Và đấy cũng là lý do khiến ông nhiều lần công khai đòi sa thải Miura, để chọn một HLV trưởng mới theo trường phái kỹ thuật, phù hợp với những cầu thủ Hoàng Anh.
Bầu Đức tin vào chiếc HCV SEA Games hơn bất cứ khi nào. |
Bây giờ thì U.22 Việt Nam đang có một HLV như thế: ông Nguyễn Hữu Thắng. Rất nhiều lần ông Thắng công khai quan điểm lấy quân Hoàng Anh làm nòng cốt dự SEA Games, và xây dựng một lối chơi kỹ thuật với những cầu thủ Hoàng Anh làm xương sống.
Khi mời HLV Hữu Thắng, bầu Đức nói rất nhiều tới việc nếu U.22 Việt Nam không giành huy chương vàng SEA Games thì ông Thắng phải từ chức, và cá nhân bầu Đức cũng lập tức rút ngay khỏi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
Rõ ràng, cái khát vọng vượt qua người Thái để giành vàng SEA Games đã được tích tụ trong lòng bầu Đức qua hàng chục năm, với không biết bao nhiêu biến động. Và đến lúc này thì ông đã không thể kiên nhẫn chờ đợi thêm được nữa.
Với một lứa cầu thủ giàu kỹ thuật, được tạo điều kiện chinh chiến tới 3 mùa V.League, bầu Đức tin rằng U.22 Việt Nam có nhiều lợi thế hơn so các đối thủ ở khu vực Đông Nam Á.
Ông không quan tâm đến những dị nghị trước thềm lễ bốc thăm môn bóng đá SEA Games, rằng chủ nhà Malaysia tính đến chuyện được chọn bảng đấu (sau đã không thể làm như vậy, trước sự phản ứng quyết liệt của các đội còn lại).
Ông cũng chẳng quan tâm đến việc U.22 Việt Nam rơi vào một bảng đấu mà nhiều người gọi đấy là "bảng tử thần".
Quan điểm của ông rất rõ ràng, đơn giản và ngắn gọn: Muốn vô địch thì phải vượt qua tất cả các khó khăn trở ngại, chiến thắng tất cả các đối thủ, vậy thôi.
Thêm một lý do nữa lý giải cho "niềm tin cuối cùng" của bầu Đức, đó là những cầu thủ khoá 2, khoá 3 của Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG mới trình làng không cho thấy những gương mặt nổi trội như khoá 1.
Mà ngay cả cái chiến lược hợp tác với CLB lừng danh Arsenal cũng đã ngừng lại. Thế nên lứa Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường... có thể sẽ là lứa cầu thủ tốt nhất mà bầu Đức gặt được trong cả cuộc đời làm bóng đá của mình.
Nhiều người nói công việc kinh doanh của bầu Đức bây giờ cũng không còn trơn tru, suôn sẻ như xưa. Thế nên một chức vô địch SEA Games của một Đội tuyển lấy quân Hoàng Anh làm nòng cốt, lấy triết lý Hoàng Anh làm tư duy vận động chắc chắn cũng giúp ông cùng lúc cởi bỏ được nhiều áp lực, không chỉ trong lĩnh vực bóng đá đơn thuần.
Bầu Đức đã đặt cược tất cả vào canh bạc SEA Games - cái niềm tin cuối cùng trong cuộc đời bóng đá của mình. HLV trưởng Đội tuyển U.22 Việt Nam Nguyễn Hữu Thắng - người được bầu Đức mời lên Đội tuyển cầm quân cũng hiểu được điều này. Những tuyển thủ U.22 Việt Nam, dù nói hay không nói ra miệng thì chắc chắn trong bụng cũng hiểu rõ điều này hơn ai hết.
Bây giờ hoặc chẳng bao giờ, với bầu Đức câu nói này chính xác hơn bao giờ hết!
Từ mộng World Cup đến mộng SEA Games Khi lứa U.19 Hoàng Anh Gia Lai mới trình làng, trở thành trụ cột của Đội tuyển U.19 Việt Nam trong các giải đấu đầy mĩ cảm tại đấu trường khu vực, bầu Đức từng xây mộng đưa lứa cầu thủ này bay xa. Ông đặt mục tiêu cho thuyền trưởng Guillaume Graechen phải giúp Đội tuyển vào được VCK U.19 châu Á. Sau đó lại đặt mục tiêu phải giành được một trong bốn vị trí dẫn đầu tại VCK U.19 châu Á năm 2014 để có thể giành vé dự VCK World Cup U.20 thế giới. Thời điểm đó ông còn trực tiếp sắm vai trưởng đoàn U.19 Việt Nam dự VCK U.19 châu Á tại Myanmar, và trong cuộc họp đoàn trước giờ bóng lăn ông cũng tự tin khẳng định các cầu thủ đã được đầu tư hết mức, không có gì phải e ngại trước các đối thủ lớn của châu lục như Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhưng thực tế sau đó, U.19 Việt Nam đã thua đậm Hàn Quốc, thua sát nút Nhật Bản và chỉ giành được 1 điểm trước U.19 Trung Quốc. Giấc mộng World Cup vỡ tan! Lúc này lại là giấc mộng vàng SEA Games - giấc mộng dễ chịu hơn và khả thi hơn so với mộng World Cup hai năm về trước. Giấc mộng mà nếu thành hiện thực, chắc chắn sẽ có giá trị cứu rỗi lớn lao, với không chỉ một ông bầu. Mong là với quyết tâm cao ngút và với sự chuẩn bị dày dặn, lớp lang, lần này U.22 Việt Nam sẽ biến mộng vàng thành hiện thực. Đối thủ quyết tâm chẳng kém mình Trong khi U.22 Việt Nam đặt quyết tâm giật huy chương vàng thì các đối thủ còn lại trong khu vực Đông Nam Á cũng đặt quyết tâm không kém. Với thực lực của mình, và đặc biệt với vị thế đương kim vô địch, dĩ nhiên U.22 Thái Lan đặt mục tiêu bảo vệ ngôi vị bằng mọi giá. Chủ nhà Malaysia cũng muốn gỡ gạc lại thể diện sau những kỳ SEA Games, AFF Cup thất bại gần đây bằng ngôi vô địch ngay trên sân của mình. U.22 Myanmar với một lứa cầu thủ từng tham dự VCK U.20 thế giới cũng có suy nghĩ hệt như U.22 Việt Nam: Nếu bây giờ mà không vô địch thì không biết khi nào vô địch? Rõ ràng, ta mạnh thì đối thủ của ta cũng mạnh. Mục tiêu giành huy chương vàng SEA Games vì thế sẽ diễn ra đầy gian nan, và sự thành - bại sau cùng có thể sẽ được quyết định không ít bởi những yếu tố ngoài chuyên môn như sân bãi, trọng tài, may/rủi... |