Phim truyền hình đang "sốt" trở lại?

Thứ Bảy, 27/05/2017, 21:18
Sau những bộ phim đang thu hút khán giả, một số người tin rằng, phim truyền hình Việt Nam đang rẽ sang giai đoạn mới...


Trong bối cảnh ít khán giả của phim Việt Nam trên sóng truyền hình mấy năm qua, thì hiện 2 bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử” như một cú lội ngược dòng ngoạn mục.

Cùng với hiệu ứng mà 2 bộ phim này mang lại, một số người tin rằng, phim truyền hình Việt Nam đang rẽ sang giai đoạn mới...

Nói thế là bởi trong mấy năm trở lại đây, phim truyền hình không phải là món ăn tinh thần được ưa chuộng. Đến cả các bà nội trợ - khán giả trung thành của thể loại phim này cũng chuyển kênh để xem những bộ phim Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines...

Còn các bạn trẻ Việt Nam thì mặc định, phim Việt Nam đương nhiên là chán, không cần xem cũng biết. Có người cực đoan đến mức, khi bật tivi lên, thấy phim Việt Nam thì tắt luôn.

Vì vậy, việc “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử” thu hút được đông đảo khán giả quây quần bên chiếc tivi mỗi tối được xem là một hiện tượng hiếm có từ trước tới nay.

3 diễn viên phim “Người phán xử” tại cuộc họp báo ra mắt.

Kể từ hơn chục năm trước, khi mà phim truyền hình vẫn còn có vị trí đậm nét trong đời sống giải trí của khán giả với nhiều bộ phim được yêu thích như loạt phim “Cảnh sát hình sự”, “Những ngọn nến trong đêm”, “Mùi ngò gai”,… hay sau này có thêm “Vòng xoáy tình yêu”, “Mộng phù du”, “Bỗng dưng muốn khóc”,… thì phim truyền hình Việt Nam cũng chưa bao giờ hot như vậy.

Có thể nói, “Sống chung với mẹ chồng” và Người phán xử” là 2 trường hợp hi hữu, gây bất ngờ với khán giả, truyền thông, giới chuyên môn và ngay cả những người trong ê-kip.

2 trang fanpage chính của 2 bộ phim thu hút được hàng trăm ngàn lượt yêu thích và chia sẻ trên Facebook. Mọi thông tin mới nhất về bộ phim cũng như diễn viên tham gia được khán giả tìm kiếm liên tục. Diễn viên tham gia bộ phim, từ vai chính đến vai phụ đi đến đâu cũng được săn đón, nhận diện.

NSND Lan Hương, đóng vai bà Phương trong phim “Sống chung với mẹ chồng” mới đây nhất còn chia sẻ “Sáng đi làm, vừa ra đầu ngõ thì bà hàng xóm lại nói: Mày ác nó vừa vừa chứ, canh dưa mà nấu phải có cá thịt gì chứ, nấu với mỗi cà chua thế thì bố ai mà ăn được”.

NSND Hoàng Dũng là một nghệ sỹ nổi tiếng của Việt Nam nhưng sau vai Phan Quân trong “Người phán xử”, ông cũng chưa quen được với sự săn đón của truyền thông và khán giả dành cho mình.

Thành công ngoài sức tưởng tượng của 2 bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử”  làm cho một số người kì vọng rằng, phim Việt đang kéo khán giả quay trở lại sau một thời gian dài chiếu cầm chừng và cho có.

Ngược lại, cũng có những ý kiến cho rằng, hiệu ứng của 2 bộ phim này chỉ là một cơn sốt tạm thời mà thôi. Sau khi “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử” hết, sắc màu ảm đạm của phim truyền hình Việt Nam trong mấy năm qua sẽ trở lại?

NSND Lan Hương gây bão sóng truyền hình khi tham gia “Sống chung với mẹ chồng”.

Như một diễn viên gạo cội từng chia sẻ, tư duy làm phim truyền hình ở ta vẫn còn mang nặng nếp cũ, rườm rà theo kiểu “kể chuyện cho các bà nội trợ nhặt rau, vo gạo xem”, bỏ 3 - 4 tập xem vẫn hiểu được. Phim truyền hình thế giới họ cũng từng như thế nhưng bây giờ, họ đã thay đổi nhiều rồi.

Trong khi đó, không gian của truyền hình ngày càng bị thu hẹp trước sự phát triển của các phương tiện kĩ thuật số. Cùng với việc một ngày có hơn 70 kênh phát sóng, số lượng phim rạp tăng lên không ngừng, bức tranh thưởng thức giải trí được chia nhỏ, khán giả có nhiều sự lựa chọn phù hợp với mình hơn.

Chưa kể, tính chất gò bó, cố định lịch phát sóng của các chương trình truyền hình là một điểm trừ so với sự tiện lợi, chủ động về mặt thời gian mà mạng Internet mang lại.

Tư duy làm phim cũ, kịch bản yếu, thiếu tính sáng tạo, đột phá, diễn viên diễn xuất thiếu chiều sâu… là những nguyên nhân dẫn đến thực trạng ngày càng vắng khán giả của phim truyền hình Việt Nam trong thời gian qua. Và không biết thực trạng này có được cải thiện trong thời gian tới hay không?

Đã có thời gian, người ta quay sang chỉ trích khán giả “sính ngoại”. Có người rủ rê hãy ủng hộ phim Việt. Rằng khán giả Việt Nam mình hờ hững phim truyền hình, khiến thể loại này đi vào ngõ cụt. Nhưng qua “Sống chung với mẹ chồng” với “Người phán xử”, ta có thể thấy rằng, phim truyền hình Việt Nam chưa bao giờ hết đất sống nếu như đó là một bộ phim hay.

Đây là 2 điểm sáng, là tín hiệu đáng mừng trong bức tranh èo uột của phim Việt trong những năm qua. Tuy nhiên, đội ngũ những người làm phim chúng ta có học hỏi được gì ở đó để tự thay đổi hay không thì cứ chờ xem.

Và có lẽ, còn quá sớm để nói về tương lai xán lạn của phim truyền hình Việt Nam khi “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử” đang thống lĩnh màn ảnh ở thời điểm này!

NSND Hoàng Dũng: Như một cú hích cần thiết

Trong nhiều năm qua, chúng ta đang thiếu những bộ phim hay. Bản thân chúng ta quen nếp tư duy làm truyền hình cũ. Nhiều bộ phim hiện nay cũng ỉ ê về mặt tiết tấu. Diễn xuất thì hời hợt. 

Có một số diễn viên coi công việc diễn xuất như một cái cớ để kiếm tiền chỗ khác. Họ đọc thoại một cách rập khuôn, máy móc cho xong chuyện. Vì thế nên lời thoại không sâu, không thấm. Khán giả không còn mặn mà, thậm chí là rời bỏ cũng là điều dễ hiểu.

NSND Hoàng Dũng.

Thành công và sức “nóng” của 2 bộ phim làm những người hoạt động trong lĩnh vực này sẽ ý thức được công việc sắp tới của mình là gì. Được khán giả hưởng ứng cũng có tác dụng nâng cao ý thức của mọi người lên. 

Đồng thời, những người làm phim cũng phải tự đặt cho mình những câu hỏi, ta phải làm thế nào? Rõ ràng không phải tự nhiên mà “Sống chung với mẹ chồng”, “Người phán xử” lại hot như vậy. Chẳng có cái gì là tự nhiên ở đây cả. Trong đó có công sức, có mồ hôi của không biết bao nhiêu con người.

Thành công cũng như sự quan tâm đón nhận của công chúng với 2 bộ phim truyền hình này như một luồng gió mới, đã khơi dậy tình yêu nghề của tất cả những người làm truyền hình. Tự mỗi người sẽ phải thay đổi ý thức làm nghề tốt hơn. Từng yếu tố một, từng nhân tố một, góp lại làm nên một tác phẩm hay. Còn trong trường hợp kịch bản chưa được hay nhưng những phần kia tốt thì bộ phim cũng đỡ dở hơn chứ? 

Tôi cho rằng, ở thời điểm hiện tại, đây là một hiệu ứng rất cần thiết, 2 bộ phim giống như một cú hích đưa khán giả quay về với phim truyền hình – vốn bị “ghẻ lạnh” trong thời gian qua. Còn sau đó, khán giả có tiếp tục xem phim truyền hình không thì đó là trách nhiệm của chúng tôi và của tất cả người làm nghề. Đó cũng là thách thức lớn với cá nhân tôi. Bởi lẽ, khi mọi người quan tâm tới mình, nếu trong lần xuất hiện kế tiếp, mình làm không tốt, sự thất vọng từ phía công chúng thậm chí còn nhiều hơn khi họ ủng hộ, yêu mến mình.

Nhà biên kịch Châu Thổ: Phim hay, khán giả sẽ ủng hộ

Cũng khó để nói được rằng, hiệu ứng từ 2 bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử” là tạm thời hay không tạm thời. Còn nếu có ai đó cho rằng, đó là hiệu ứng tốt, là cái đà lý tưởng để phim truyền hình Việt Nam phát triển thì chắc người ta có lý lẽ của họ. Với cá nhân tôi, tôi không nghĩ thế.

Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng. Số lượng các kênh truyền hình quá nhiều. Khán giả ngày càng thông minh hơn, có gu thưởng thức hơn, và họ có quyền trong tay, đó là quyền được lựa chọn. Khi có một bộ phim hay (phim Việt Nam hay phim nước ngoài) hấp dẫn thì họ sẽ thích, sẽ ủng hộ.

Nhà biên kịch Châu Thổ.

Ở một góc độ nào đó, 2 bộ phim hút khán giả Việt Nam trở lại vì có sự khác biệt, có sự đầu tư tỉ mỉ, đây là 2 sản phẩm tốt từ kịch bản cho đến thực hiện. Một bộ phim nếu được làm tốt, khán giả sẽ ủng hộ thôi, chứ chúng ta không thể nói chung chung là nhờ một bộ phim nào đó đang “sốt”, đang “nóng” mà phim truyền hình Việt Nam sẽ “sốt” trở lại. 

Và 2 bộ phim này hay, tạo hiệu ứng tốt, nhưng những bộ phim được sản xuất sau không tốt thì phim truyền hình Việt Nam vẫn trở lại èo uột như thường. Nói như thế để thấy, những người làm nghề luôn phải phấn đấu, nỗ lực hết mình để làm phim càng ngày càng hay, có như thế, câu chuyện đường dài của phim Việt Nam mới được đề cập.

Chắc ai cũng biết, trong mấy năm qua, phim truyền hình “mất điểm” ngay trong chính thị trường nội địa của mình. Về sự tuột dốc không phanh ấy, lý do đầu tiên phải nói đến yếu tố kịch bản. Nguyên tắc của viết kịch bản là 3 hồi, hồi 3 bao giờ cũng cao trào, hấp dẫn nhất. Tuy nhiên, một số biên kịch hiện nay không biết 3 hồi là gì. 

Kịch bản không hay, phi logic, làm việc không nghiêm túc, nhà đầu tư chưa đầu tư tới nơi tới chốn, đạo diễn thì ào ào chạy vì 2 ngày xong một tập phim thì mới có lời, 3 ngày hòa vốn, 4 ngày thì lỗ. Tất cả các yếu tố đó làm cho phim truyền hình Việt Nam càng ngày mất khán giả...

Đậu Dung
.
.
.