Nỗi buồn tuyển Anh, niềm vui Rooney

Thứ Sáu, 01/07/2016, 10:14
Wayne Rooney lại vừa trải qua một giải đấu tệ hại cùng ĐT Anh. Các CĐV la ó đòi “Gã Shrek” từ giã sự nghiệp thi đấu quốc tế sau thất bại muối mặt trước băng đảo tí hon Iceland.


Những ngày tăm tối nhất sự nghiệp, phải vậy không? – tờ Wall Stree Journal đặt câu hỏi về tương lai của Rooney tại ĐT Anh, nơi anh là đương kim thủ quân.

Song, chưa ai trả lời câu hỏi ấy. Người ta chỉ biết rằng, hơn 10 ngày trước, có một người đàn ông tên Wayne Rooney bắt xe buýt từ Pháp về Anh, đỗ phịch trước cửa quán rượu quê The Lobster, hạt Croxteth, Liverpool.

Trên tay Rooney là bó hoa tươi thăm gửi đến Pat McNulty, người truyền cảm hứng bóng đá cho anh. “Con tặng bố, ông bố tuyệt vời nhất đời con”, Rooney ân cần nói.

Nếu ai đó nghĩ rằng Rooney đang trong giai đoạn khủng hoảng, họ ắt đã nhầm. Vì dù Man United có đuổi Rooney ra đường, FA có tước băng đội trưởng của Rooney, thì đằng sau anh, còn cả một tập thể, một thành phố yêu thương, sẵn sàng che chở cho đứa con xa xứ lâu năm.

Họ là Oyster Martyrs FC, CLB nghiệp dư ở Merseyside, dẫn dắt bởi McNulty.

Ai tạo ra Rooney?

The Lobster. Một quán bar xập xệ ở thành phố cảng. Những chiếc ghế xoay gỉ sắt, trần nhà dột nát. Không có nhiều lựa chọn cho thực khách. Độc duy nhất loại bia Lager rẻ tiền và mấy chai rượu nồng nặc mùi cồn chưa qua xử lý hóa học.

Cứ dăm ba phút, giai điệu ma mị và ám ảnh của dòng nhạc cổ điển lại vang. Đầu tiên là The Police, rồi sau đó là tình ca bất hủ “Working Class Hero” của John Lennon. Nơi đây hiện lên y xì tên bài hát của danh ca sinh trưởng và lớn lên tại Liverpool.

Oyster Martyrs FC (áo xanh kẻ trắng) - đội bóng khởi nghiệp của Rooney.

Rặt mấy “anh hùng rơm” của tầng lớp lao động, những kẻ vì chút xích mích cỏn con mà đã đọ súng, cướp đi sinh mạng của một khách qua đường trong quán rượu gần 10 năm về trước.

3 giờ chiều ngày thứ bảy, chiếc xe buýt số 14 dừng trước cửa The Lobster. Khoảng 12 thành viên trong dòng họ Rooney mặt còn ngái ngủ, xuống xe trong trạng thái ngáp ngắn ngáp dài.

Thật bất ngờ, The Lobster là quán “tủ” của nhà Rooney, một gia tộc “lên hương”  nhờ đứa con ưu tú Wayne Rooney – ngôi sao số một của bóng đá Anh. Sau nhiều năm, họ vẫn là những thanh niên dân dã chất phác. John Lennon hát thế nào về con người thành phố Liverpool, nhà Rooney là thế ấy.

Đêm qua, họ dự đám cưới anh hàng xóm cùng khu. Tất cả vừa tỉnh giấc sau cơn say bí tỉ, giờ mới tỉnh và tới The Lobster ăn món trứng ốp lếp bình dân và uống cocktail rẻ tiền.

Chúng ta đang nói về các thành viên của Oyster Martyrs, đội bóng đầu tiên Rooney khoác áo. Đây là một trong số những CLB nghiệp dư mạnh nhất khu vực, được tham dự giải FA Sunday Cup (Cúp FA phiên bản chủ nhật).

Nơi này là sân chơi của các bạn sinh viên hoặc con cái trong những gia đình buôn hải sản gần đó. Không chỉ Rooney, mà nhiều anh em họ hàng trong dòng dõi ấy cũng khoác lên mình màu áo Oyster. John Rooney, em trai của Rooney từng khoác áo New York Red Bulls.

Gọi Rooney là “Gã Shrek” vì mặt anh gân guốc, nhìn có vẻ gì đó kham khổ lam lũ. Âu cũng dễ hiểu, bởi Rooney đã dành toàn bộ thời niên thiếu ở Oyster, ở The Lobster.

Di sản cần gìn giữ

Ngồi trong góc là hai “bô lão”, những gương mặt thân quen. Là  McNulty, một nhân viên bốc vác trên tàu hàng về nghỉ mất sức giờ phụ trách quầy bar The Lobster. Là Jimmy O'Neill, người sáng lập Oyster.

Năm 1974, Oyster ra đời theo trào lưu mới của cộng đồng bóng đá phong trào ở Anh. Chỉ tính riêng hệ thống giải đấu nghiệp dư và bán chuyên ở Liverpool, có cả thảy 130 đội tranh tài ở 11 hạng đầu khác nhau.

Cho tới năm 2000, Oyster đã tham dự 18 trận chung kết ở những giải đấu Cúp theo thể thức đối đầu trực tiếp. Tính cả những kỷ niệm chương nhận được ở các giải đá vòng tròn, phòng truyền thống của Oyster có 31 huân chương các loại.

Sau kỳ EURO 2016 đáng quên, Rooney đang có những giây phút yên bình cùng người thân.

Thời ấy, Oyster được xem như đơn vị tiên phong trong công cuộc phát triển bóng đá cộng đồng ở Anh. Đội là gương mặt thường xuyên của FA Sunday Cup – giải đấu nghiệp dư lớn nhất Anh. Hơn 26 năm, Oyster đã 4 lần vào tới trận chung kết, vô địch 2 lần.

McNulty và O'Neill là những cầu thủ đầu tiên làm nên “thế hệ vàng” của Oyster. Họ đều góp mặt trong hai thất bại của Oyster tại FA Sunday Cup. Một lần, Oyster dẫn bàn tới phút cuối cùng, để rồi bị san bằng tỷ số ở phút bù giờ thứ 3, trước khi chịu thua chung cuộc trên loạt luân lưu định mệnh.

“Hôm ấy, chúng tôi đã khóc như những đứa trẻ”, McNulty nói. Một lần khác, khi Neil, con trai của McNulty đảm nhận vai trò thuyền trưởng CLB, Oyster có vinh dự chơi một trận chung kết trên Anfield – sân bóng huyền thoại vùng Merseyside.

“Cảm giác lúc ấy thật khó tả, những tay mơ như chúng tôi được Liverpool cho sử dụng trang thiết bị tân tiến nhất của thể thao. Có cả đồ uống và thức ăn nhẹ theo dạng buffet nữa”, O'Neill nhớ lại. Vậy mà hôm ấy, Oyster lại thua sau hai hiệp phụ. Đó là năm 2001.

Những thất bại liên tiếp làm nản lòng người đứng đầu CLB. Richie Rooney, chú ruột của Wayne Rooney chỉ là người gác xưởng bên bến tàu, làm việc từ 20h30’ tối tới 6h sáng hôm sau.

Khoản phí 2.500 bảng duy trì CLB mỗi năm vốn đã quá sức với Richie, nay lại càng trở thành gánh nặng khi CLB không thể bứt khỏi FA Sunday Cup để tiến tới FA Cup (một CLB phải vô địch giải nhỏ tối thiểu 3 lần mới đủ tư cách dự FA Cup). Nếu không dự FA Cup, CLB sẽ không nhận được nguồn trợ cấp nào của liên đoàn.

Richie bỏ cuộc. CLB có nguy cơ giải thể. Năm ấy, Wayne Rooney chính là... vua giội bom của đội Oyster, dù mới chớm bước qua tuổi 15. McNulty, với mức thu nhập 15000 bảng mỗi năm sắm vai Mạnh Thường Quân. Về cơ bản, duy trì hoạt động của một CLB bóng đá phong trào như Oyster không khó.

Người thì làm thợ mộc, người thì làm lơ xe, người lại làm kế toán, tất cả đều có lương, thu nhập ổn định. Các cầu thủ không cần nhận lương. Họ chỉ cần đá bóng, cần một môi trường, mái nhà chung để sinh hoạt.

Chiều chủ nhật cuối năm 2000, McNulty ra thông cáo báo chí: “Từ nay, tôi sẽ đứng mũi chịu sào Oyster”. Trong đoạn văn tự hôm ấy, McNulty nhấn mạnh một chi tiết: Rooney đã bán chiếc Aston Martin cũ bố mẹ mua cho để quyên góp cho Oyster. Theo tiết lộ của McNulty, hơn 10 năm qua, Rooney đều đặn gửi về 10.000 bảng mỗi năm giúp Oyster duy trì hoạt động bóng đá.

Rooney giải thích nhờ phong độ xuất thần năm 2001, Rooney lọt vào tầm ngắm của các nhà tuyển chọn Everton. Cũng từ đó, Rooney lấy đấy làm bàn đạp tiến tới vũ đài Old Trafford, nơi cho anh tất cả những gì mà một đời cầu thủ ao ước.

Hôm qua, khi tuyển Anh lên máy bay trở về mẫu quốc sau thất bại thảm hại ở EURO 2016, Rooney lập tức bắt xe tới The Lobster. Trước bậc chiếu nghỉ lỗ chỗ vết thủng, Rooney nhoẻn miệng cười: “Chào cả nhà, con đã về”.

Trong trả lời mới nhất với Telegraph, Rooney cam kết: “Sau khi giải nghệ, tôi sẽ bấm nút  khởi công xây dựng sân bóng với sức chứa 7.000 chỗ ngồi cho Oyster. Nơi đây là di sản văn hóa của Liverpool, của bóng đá Anh, cần được gìn giữ”.

Khi người Anh còn đang gặm nhấm nỗi buồn thua trận, Rooney đang sống những ngày thảnh thơi, thư thái nhất đời mình.

"Vật tế thần" kiểu mẫu

Trong lễ ký kết hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên của Rooney, Everton gọi hơn 200 nhà báo, phóng viên tới tác nghiệp. Riêng số lượng đài truyền hình về phỏng vấn Rooney và CLB đã là 12. Moyes đã dùng những lời lẽ cay nghiệt nhất để nhắc nhở Rooney khi thấy anh ừng ựng nuốt trôi ly sâm-panh.

Nhưng Rooney, với bản tính hoang dại của con trai tay đấm còn ngây thơ lắm. Anh để lộ sợi thập ác trước cổ ngay thời điểm bước vào cổng sân Ibrox. Lúc Everton lên xe buýt ra, nhóm hooligan Scotland bu lấy chửi rủa cùng cơn mưa gậy gộc.

Moyes sôi máu, vì bao nỗ lực xây dựng hình ảnh của ông ta thành công cốc. Nỗi bực dọc ấy càng nhân lên gấp bội khi Rooney tự làm mình lật cổ chân ngay giữa hiệp 1 và không thể thi đấu.

Rooney không thể đi lại bình thường vì vết đau ấy. Đội ngũ y tế quyết cử người đưa Rooney về Liverpool chụp phim khẩn. Họ lấy tạm chiếc Mercedes của Moyes vì chẳng ai lái xe riêng sang Scotland trừ HLV này.

Kết luận của các bác sỹ cho biết Rooney nghỉ thi đấu khoảng 20 ngày vì chấn thương, lỡ mất đợt tập trung của ĐT Anh tại Nam Phi.

Anh chọn cách đi nghỉ để giải khuây. Trên quốc đảo Barbados mộng mơ, Rooney phóng tầm mắt ra xa, than thở với hôn thê Coleen: “Số anh khổ nhỉ? Vì trận đấu vô thưởng vô phạt của Everton mà lỡ mất cơ hội phục vụ ĐTQG”.

Hơn một thập kỷ trôi qua, lời bộc bạc của Rooney với người vợ sắp cưới chưa bao giờ thôi mất đi tính thực tiễn. Rooney sinh ra không phải để trở thành vì sao ban phát ánh sáng và sự sống cho muôn loài.

Trong những năm đỉnh cao phong độ, Rooney phải dạt cánh nhường trung tâm sân khấu cho Tevez, Ronaldo, Berbatov hay thậm chí là Saha. Rồi khi cảm giác bóng của Rooney kém đi sau nhiều năm “phục vụ” đồng đội, anh bị cố định ở hàng tiền vệ, như ở EURO 2016.

Đơn Ca
.
.
.