Ngẫm về tiếng cười

Thứ Tư, 03/05/2017, 15:07
Tiếng cười vốn dĩ phải mang lại cho nhân gian những niềm vui, nhưng giờ đây tiếng cười đang gây nên những nỗi buồn cho xã hội.


Luôn cần tiếng cười

Cuộc đời làm sao thiếu được tiếng cười, nhất là khi ai đó gặp phải chuyện buồn, rất buồn thì tiếng cười lại càng phát huy được thế mạnh.

Tiếng cười có thể không giúp con người ta xua tan nỗi buồn nhưng chí ít cũng có thể tạo một nụ cười trong những lúc bi quan chán chường nhất của cuộc đời. Như thế còn quý hơn vàng. Chả thế các cụ mới truyền dạy lại cho con cháu câu thành ngữ “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”.

Nhưng đồng thời các cụ ta cũng truyền dạy lại câu thành ngữ “Đúng lúc đúng chỗ”. Vì thế mà tiếng cười chả bao giờ thiếu trên khắp nhân gian này.

Ở đất Bắc Giang tồn tại một loại làng truyền thống đặc biệt. Không phải một làng quan họ cổ vốn phổ biến ở vùng này, cũng chẳng phải ca trù, hát ống hay một thứ làng nghề truyền thống nào khác, mà là nói, làng nói phét, được gọi là nói khoác.

Những năm 1980 thêm một cách gọi là làng cười do nhà nghiên cứu văn hóa Kinh Bắc Nguyễn Đình Bưu đặt. Không chỉ có 1 làng, Bắc Giang có tới 8 làng, nổi nhất vẫn là Hòa Làng, Dương Sơn và Tiên Lục.

Những mẩu chuyện được nhà nghiên cứu Trần Quốc Thịnh ghi lại: “Quan châu Lạng Giang vốn hách dịch, vừa về trị nhậm nghe tin Hòa Làng nói khoác có ca mới về thị sát.

Đến địa phận Hòa Làng thấy một bác nông dân vác cuốc thăm đồng, y dừng ngựa hỏi: Này thằng kia, tao nghe làng mày nói khoác có ca, hãy nói tao nghe! Bác nông dân đáp: Mời quan vào chỗ mát này, con nói quan nghe có hàng tháng cũng không hết. Quan châu xuống ngựa, cùng tùy tùng và bác nông dân vào điếm, bác kính cẩn: Bẩm quan lớn đèn trời soi xét, con cũng nói phét thôi, chứ con biết gì mà nói”.

Tiết mục “Cu sứt huyện Tề”.

Dân làng Tiên Lục cắt nghĩa cái tên của mình thế này: “Sở dĩ có đất cho bàn dân thiên hạ ở là vì làng Tiên Lục chúng tôi. Lục là lục địa, tiên là có trước. Tiên Lục là đất có từ trước, có tiên thì mới có hậu chứ? Đất thiên hạ đều có sau đất Tiên Lục tôi cả”.

Làng Tiên Lục nổi tiếng khắp nơi vì có cây dã hương ngàn năm tuổi hàng chục người ôm không hết, dân làng tự hào lắm, một trong những câu chuyện ở Tiên Lục về cây dã hương: “Cây dã làng tôi ở đất Bắc mà rễ nó vào tới tận kinh đô nhà vua ở xứ Huế xa xôi. Chuyện thật đấy, ai tin không, vào hỏi vua Tự Đức”.

Sự thật được dân làng giải thích đó là xưa có một vị quan triều Nguyễn đi kinh lý Bắc Kỳ đến thăm cây dã hương Tiên Lục đã chặt một đoạn rễ đem về kinh đô Huế dâng vua…

Có một điểm chung trong các chuyện cười là đại diện cho người dân, sự dí dỏm, hóm hỉnh và thông minh; đồng thời ca ngợi quê hương. Thú vị là, không riêng Bắc Giang, Phú Thọ cũng có làng nói khoác Văn Lang; Quảng Trị có làng nói trạng Vĩnh Hoàng…

Bản chất của tiếng cười ấy được nghệ thuật kịch hát truyền thống như chèo, cải lương khai thác trở thành một thế mạnh. Nhất là chèo đã làm cho yếu tố này trở thành nổi bật: Hề chèo. Khi vào nghệ thuật, tiếng cười phải có nội dung, bố cục, có lớp lang, trong khi vẫn luôn giữ những yếu tố cơ bản như dí dỏm, hóm hỉnh và sâu cay. Rõ ràng, tiếng cười được hình tượng hóa thông qua nghệ thuật nói khoa trương đã là một trong những nét văn hóa truyền thống dân tộc.

Tiếng cười nhảm "lên ngôi"

Cùng sự bùng nổ của các showgame truyền hình thực tế cần sự đối đáp nhanh, hài hước, đề cao yếu tố giải trí, các diễn viên hài lên ngôi. Có thể nói, đây chính là thời các diễn viên hài chạy mệt nghỉ các show truyền hình.

Từng có bài báo cách đây chừng một năm đã tổng hợp và cho biết, đầu năm 2016 có tới 30 chương trình hài đang cùng phát sóng, tập trung chủ yếu trên sóng các nhà đài: VTV, Truyền hình TP Hồ Chí Minh, Truyền hình Vĩnh Long.

Thử điểm trong trí nhớ của người viết, vốn không là “con nghiện” hài và không phải ngày nào cũng bám riết tivi, tính sơ cũng: “Ơn giời cậu đây rồi”, “Thách thức danh hài”, “Cười xuyên Việt”, “Đấu trường tiếu lâm”, “Làng hài mở hội”, “Ai cũng bật cười”, “Tuyệt chiêu siêu diễn”, “Siêu hài nhí”…

Trường Giang - Trấn Thành trong một chương trình giải trí.

Điểm chung của các chương trình này với tiếng hài mang tinh thần hài của người Việt là cùng tạo nên tiếng cười. Điểm khác biệt dễ thấy là trong khi tiếng hài truyền thống bao hàm sự ý nhị, cân nhắc tính toán trong từng câu chữ thì tiếng hài trên truyền hình hiện nay là sự toàng toạc, ăn nói vô tư thoải mái, gây cười nhiều khi chỉ đơn thuần bằng những hành động, lời nói giống như người ta đưa tay lên cù vào nách.

Điển hình như “Thách thức danh hài”, thí sinh muốn làm gì cũng được nhưng để chiến thắng cần phải vượt qua một điều là phải làm sao để một trong ba vị giám khảo bật cười.

Và có một mô-típ thường xuyên diễn ra và hiệu quả nhất đối với thí sinh là chiêu trò nhắm thẳng vào giám khảo. Thí sinh không ngần ngại bốp chát thẳng những khiếm khuyết cơ thể, hay những điểm yếu nào đó của giám khảo để họ tự cười lẫn nhau, hoặc thậm chí tự cười chính mình. Hệ quả là cả ba giám khảo Việt Hương, Trường Giang và Trấn Thành đều tơi bời với các diễn viên nhưng vẫn hả hê tiếng cười.

Không phải ngẫu nhiên diễn viên hài có thể thoải mái tự tung tự tác theo ngẫu hứng tức thì của chính mình trong khi thực hiện các show truyền hình. Bởi đã là diễn viên, họ luôn phải tuyệt đối tuân theo kịch bản và đạo diễn bất kỳ kịch bản hay hay dở, đạo diễn giỏi hay tồi.

PGS.TS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét về các diễn viên hài hiện nay trên truyền hình: “Họ diễn hài nhanh như chảo chớp với lối buông tuồng, phóng túng, không cần kịch bản, không cần nội dung. Tình trạng thích gì nói ấy, thích gì làm ấy, mặc kệ hàng triệu khán giả đang xem truyền hình trở nên phổ biến”.

Với một nghệ thuật mà hội đủ tiêu chí như vậy thì nó đã không còn là nghệ thuật, các diễn viên hài trên truyền hình hiện nay đang góp phần làm biến dạng nghệ thuật hài, vốn là tiếng cười rất tinh tế thành một thứ tự nhiên chủ nghĩa, thích thì cười, chọc cho cười, cù cho cười…

Và vì thế sự lên án từ dư luận và công luận ngày một xuất hiện nhiều hơn. Có thể đến lúc này các nhà đài cũng đã thấy mình đang dần chạm ngưỡng ở mức báo động đỏ, Truyền hình Vĩnh Long đã nhanh tay tuýt còi Trấn Thành với tuyên bố đóng cửa diễn viên hài này trên sóng của đài.

Thực tế, không chỉ Trấn Thành mà một diễn viên hài đồng nghiệp khác của anh nếu bị tuýt còi cũng thế, ngang ngửa nhau. Chỉ là Trấn Thành kém chút may mắn khi trong thời gian gần đây dính nhiều “phốt” bên lề sóng truyền hình hơn.

Nghệ sĩ Trấn Thành.

Không phải ai cũng có khả năng tạo được sức hút đối với khán giản nên rõ ràng Trấn Thành và những đồng nghiệp của anh đều là những diễn viên, nghệ sĩ có tài. Vậy tại sao những chỉ trích họ ngày một nhiều hơn? Tại sao họ nhiều khi không tiết chế được bản thân?

Không có lửa sao có khói, không có sự hậu thuẫn, khuyến khích từ nhà sản xuất, nhà đài, làm sao diễn viên dù xuất hiện ở vai trò oai phong là giám khảo, hay ở vị thế của một thí sinh đi thi hoặc người chơi trong một showgame có thể thoải mái, tự do phiêu không cần phanh như vậy?

Cộng thêm nữa, nếu không phải sự hậu thuẫn cho các chương trình giải trí mang yếu tố hài hước thì làm sao có thể có quá nhiều show hài cùng lúc phát sóng, thậm chí chồng chéo trên các kênh trong cùng một thời điểm khiến các diễn viên hài chạy show không còn thời gian để sáng tạo, để nghiên cứu kịch bản và đưa ra những tinh hoa của mình làm đẹp cho nghệ thuật hài và cho cuộc đời.

Thậm chí không loại trừ cả khả năng khi trao cho các diễn viên quá nhiều quyền lực, họ có thể sẽ nghĩ mình làm gì cũng được yêu mến mà đôi khi mất đi sự kiểm soát hoặc tiết chế bản thân. Sự quá đà đã dẫn đến câu chuyện hài nhảm trên sóng truyền hình hiện nay. C

ho nên dù sao, sự việc của Trấn Thành cũng có tác dụng tốt như hồi chuông để các nghệ sĩ biết tiết chế bản thân hơn. Thậm chí, có thể nó sẽ giúp cho nghệ sĩ trưởng thành hơn.

Chỉ nhìn từ cách trả lời về việc bật tắt tivi nếu muốn của Trấn Thành cách đây chưa lâu với việc anh nghiêm túc gửi lời xin lỗi và hứa sẽ thay đổi đã thấy sự cứu vãn cho một tên tuổi có thể sẽ bị scandal nhấn chìm vào sự tẩy chay và dần đi vào quên lãng. Nhưng diễn viên không phải là cách xử lý hiệu quả nhất nạn hài nhảm. Việc buông lỏng quản lý của các nhà đài, để các công ty sản xuất chương trình chủ động, thậm chí thao túng toàn bộ các showgame này đã dẫn tới tình trạng như vậy.

Tiếng cười ngày hôm nay vẫn phải đẹp như tiếng cười từ xa xưa, vẫn luôn phải chứa đựng sự tinh tế cùng những thông điệp làm đẹp tâm hồn người Việt và cuộc sống. Vì vậy, các nhà đài cần có thực quyền sâu hơn ngay từ khâu sản xuất hoặc có sự kiên quyết trong khâu kiểm duyệt trước khi phát sóng.

Cần phát huy sức mạnh của ngành quản lý phát thanh truyền hình cũng như liên kết chặt chẽ với ngành quản lý nghệ thuật biểu diễn để có biện pháp tốt nhất với việc kiểm soát nội dung và xử lý vi phạm.

Nguyễn Quang Long
.
.
.