Danh hài ở đâu mà lắm thế?

Thứ Ba, 18/04/2017, 08:00
Bùng nổ các gameshow hài trên truyền hình. Kênh nào cũng hài. Các diễn viên hài vừa thấy chọc cười khán giả chỗ này, lại đã thấy pha trò chỗ khác. Thôi thì cứ là hoa mắt chóng mặt. Có người mới vào nghề vài năm, nhờ chăm chỉ xuất hiện ở các gameshow mà giờ đây đã nghiễm nhiên thành “danh hài”. Chưa bao giờ danh hài nhiều như vậy. Và cũng chưa bao giờ hài nhạt như vậy.


Những mô-tip cũ nhàm

Không phải lần đầu khán giả tổng kết những mô-tip diễn hài tồn tại bấy lâu trong sân khấu, là người nghệ sĩ loay hoay chọc cười khán giả hết bằng răng vẩu nói ngọng thì lại giả gái, biếm họa đời tư. Người ta đã chán ngấy cách diễn đó của không ít nghệ sĩ hài. 

Trong khi hài trên sân khấu lận đận tìm cách mới để chinh phục khán giả, thì bằng cách nào đó, hài lên truyền hình, mang tuốt những chiêu trò cũ mèm rẻ tiền đó mua vui khán giả. Và gameshow rồi lại gameshow, nhiều như nấm sau mưa. Những là “Ơn giời cậu đây rồi”, “Thách thức danh hài”, “Siêu bất ngờ”, rồi lại “Siêu hài nhí”, “Làng hài mở hội”, “Ai cũng bật cười”…. 

Cùng với số lượng gameshow nhiều lên thì chất lượng tuột dốc dần. Răng vẩu nói ngọng tục tĩu hay giả gái õng ẹo pha chuyện đời tư làm khán giả phát ngấy. Dù vậy, đang có một xu hướng làm hài khắp nơi trên truyền hình. Những gameshow ngày càng bị chi phối bởi các nhãn hàng, càng gây sự chú ý nhiều càng tốt, không quan trọng chất lượng.

Với lợi thế tần số xuất hiện liên tục, truyền hình thực sự có quyền năng hơn trong việc biến một tên tuổi nào đó trở thành quen thuộc với khán giả, bất chấp tài năng của họ kém cỏi đến đâu. Nên mới có chuyện người người nhà nhà cho con em theo diễn hài. 

Chỉ vài ba câu chọc cười rẻ tiền khán giả, không ít diễn viên trẻ đã ảo tưởng mình lên hàng sao. Ðấy là chưa kể một số nghệ sĩ đàn anh đàn chị ngồi ghế giám khảo vì lý do chủ quan khách quan nào đó sẵn sàng thổi họ lên mây xanh. Một sự nhiễu loạn thực sự đang diễn ra trong lãnh địa hài.

Diễn hài tự nhiên chủ nghĩa

Nếu bạn đủ kiên nhẫn theo dõi các gameshow hài trên truyền hình hiện nay, bạn sẽ thấy một hiện tượng là các nghệ sĩ diễn hài rất bản năng, rất tự nhiên chủ nghĩa. Vì các chương trình đều theo format nước ngoài đề cao tính ngẫu hứng nên các chiêu pha trò của nghệ sĩ hài, ngay cả các nghệ sĩ hài tên tuổi, nghiêm túc cũng không ít lần bị cho là rẻ tiền, vô lối. 

Một sự buông tuồng cẩu thả, không nắn nót, thiếu dụng ý khiến cho khán giả ngồi trước màn hình phải đỏ mặt hay nhăn mặt khó chịu. Những Hoài Linh, Trấn Thành, Chí Tài, Việt Hương đều không dưới một lần khiến người xem thấy phản cảm. Đấy là chưa kể những nghệ sĩ trẻ mới ngấp nghé vào nghề thì còn ngây ngô, suồng sã hơn nữa. 

Ảnh minh họa

Câu chuyện Việt Hương diễn hài thô tục trong đám cưới khiến cho nghệ sĩ Hương Lan phải bỏ về ít nhiều cho ta thấy hiện trạng tự do vô lối của nghệ sĩ hài. Họ quen với việc tham gia các gameshow mua vui khán giả bằng cách diễn nông cạn, hời hợt, rẻ tiền rồi nên ở các không gian khác họ vẫn bị trượt đi, không thể phân biệt vị trí của mình. 

Hay chuyện Trấn Thành cười nắc nẻ trong màn hài của “Hot boy Trà Sữa” giúp thí sinh này giành giải quán quân trong gameshow “Thách thức danh hài” vừa qua gây bất bình trong khán giả. Phần lớn mọi người cho rằng, Trấn Thành đã dung túng một sự diễn hài nhạt nhẽo vô bổ. 

Thực tế, khán giả không thể cười, các giám khảo khác của chương trình cũng không thể cười khi xem màn diễn của “Hot boy Trà Sữa”, duy chỉ có Trấn Thành là cười. Công chúng có quyền đặt dấu hỏi về sự dối lòng của Trấn Thành trong hành động cười thái quá đó. Và giải nhất của “Hot boy Trà Sữa” được xem là không thuyết phục.

Vậy phải chăng diễn hài cần một cái chuẩn nào đó?

Có lẽ không dễ để đưa ra một quy chuẩn cho việc diễn hài. Nghề diễn cần hội tụ rất nhiều yếu tố. Và hài, chưa bao giờ là thứ nghệ thuật dễ dãi. Người ta tổng kết rằng, làm cho khán giả cười còn khó hơn làm cho khán giả khóc. 

Tiếng cười có ý nghĩa mà một nghệ sĩ hài mang đến không bao giờ là tiếng cười sợt qua da, không bao giờ là sự cười vô bổ trên sự thô tục ngôn từ hay vẻ ngoài lạ lùng, quái dị. Tiếng cười ý nghĩa là tiếng cười đến từ sâu bên trong, nó nhắc một điều gì đó về đời sống, về thân phận. 

Xem chừng ở ta hiện nay, tiếng cười sâu sắc như vậy đang hiếm hoi dần. Không ít nghệ sĩ hài tên tuổi vốn được khán giả mến mộ bấy lâu đã tự “bán mình” dần cho các gameshow. Họ xuất hiện từ game này đến game khác, vì mức cát xê khủng, vì lời mời hấp dẫn của nhà sản xuất. Họ bận rộn ghi hình ngày nọ đến ngày kia, và dĩ nhiên, kèm với ghi hình, phải diễn. 

Não bộ một người nghệ sĩ có thể lưu giữ được bao nhiêu thông tin về nội dung các vở diễn, vai diễn, hay lời thoại trong một ngày, trong khi họ phải làm việc hết công suất. Sự ẩu, sự qua loa hời hợt sẽ từ đó mà đến. Lâu dần, người nghệ sĩ quên mất mình là ai. Họ mải miết chạy theo gameshow, mải miết bào nhẵn mình trở thành một thứ nhạt nhẽo đến mức khán giả chán ngán. Họ đánh mất chính mình.

“Để thật sự cười, anh phải có thể lấy nỗi đau của mình ra và chơi với nó”

Câu nói này của danh hài nổi tiếng thế giới Charlie Chaplin là một tuyên ngôn về nghiệp diễn của những người nghệ sĩ đã chọn con đường như ông. Để mang được tiếng cười sâu sắc đến khán giả, người nghệ sĩ không thể bỡn cợt với công việc của mình. Anh ta phải lao động thực sự, đổ mồ hôi nước mắt thực sự, đau đớn với đời sống này thật sự. 

Tiếng cười không phải là sự “mua vui” như cách nói của ai đó, nó là một sự dâng tặng. Và người tạo ra được tiếng cười dâng tặng đó phải là người thấm hơn ai hết mọi lý lẽ cuộc đời, hiểu thấu những bi kịch của kiếp làm người. Bởi hài chính là đỉnh cao của bi. Khi biết cười trước đời sống, con người có thể hóa giải mọi nỗi đau của chính mình.

Tất nhiên một chương trình truyền hình mang tính giải trí thì không nhất thiết yêu cầu quá cao. Nhưng chắc chắn không thể chấp nhận sự qua loa, rẻ tiền. Công chúng sẽ tẩy chay, quay lưng với những pha diễn trò vô bổ, hời hợt của những nghệ sĩ lao động nghệ thuật thiếu nghiêm túc. Nhưng xét về mặt quản lý cũng như các nhà sản xuất, thì họ có vai trò quan trọng trong việc hạn chế sự tẻ nhạt của các gameshow hài. Như đã nói, các nhà sản xuất họ quan tâm đầu tiên là doanh thu. 

Một chương trình thành công đối với họ là chương trình thu hút được nhiều quảng cáo. Và yếu tố tò mò, câu khách đôi khi được đặt lên cao hơn cả yếu tố nghệ thuật. Không ít nghệ sĩ đã từng tham gia các gameshow chia sẻ rằng họ phải chấp nhận những thỏa thuận ngầm của nhà sản xuất. Họ phải tạo ra các chiêu trò đủ gây tò mò với khán giả, bất chấp chiêu trò đó làm cho chất lượng nghệ thuật của chương trình kém đi. 

Dù không hài lòng, nhưng không phải nghệ sĩ nào cũng dũng cảm nói không với các gameshow khi mà mức cát xê của nhà sản xuất đưa ra quá hấp dẫn. Với các nghệ sĩ trẻ, mức độ nổi tiếng sau một gameshow trên truyền hình cũng thu hút họ ngang với số tiền kiếm được. Quan điểm của không ít nghệ sĩ trẻ hiện nay là, ngay cả khi bị mắng, bị ném đá đi nữa, thì chắc chắc tên tuổi của họ cũng được biết đến nhiều hơn sau gameshow. Họ không thấy mình bị mất gì cả.

Một số nghệ sĩ hài dũng cảm nói Không với gameshow là bởi họ hiểu được giá trị đích thực của hài. Không có tiền nào đánh đổi được sự nghiêm túc làm nghề của họ. Bởi hài là thứ nghệ thuật khó. Mỗi thời kỳ có thể có nhiều diễn viên chính kịch nổi tiếng, nhưng diễn viên hài nổi tiếng thì luôn ít hơn. Danh hài lại càng khó. Không dễ như thứ chúng ta đang lạm dụng để gọi các nghệ sĩ tài năng nhợt nhạt hiện nay. Nghiêm túc nhìn nhận, thứ để diễn khơi khơi, chọc cười vặt vãnh hiện nay trên truyền hình thực chất không phải hài, nó là loại tiêu khiển rẻ tiền, không tạo ra giá trị thực sự cho đời sống.

Để giảm thiểu tình trạng diễn hài nhạt nhẽo, buông tuồng hiện nay, bên cạnh sự tẩy chay của khán giả, sự nhận thức của người nghệ sĩ, cần đến sự quyết liệt của nhà quản lý. Các cơ quan có chức năng kiểm duyệt nội dung gameshow cần nghiêm túc hơn với đơn vị phát sóng và nhà sản xuất. Kiên quyết cắt bỏ những pha diễn hài gây khó chịu trong công chúng, làm hỏng thẩm mỹ của công chúng...

Thành Duy
.
.
.