Mô hình "công bằng và chia sẻ" giúp NBA đứng vững trong "bão" COVID-19

Thứ Bảy, 04/04/2020, 14:01
Trong lúc các giải đấu thể thao trên toàn thế giới đều cố gắng tìm cách trở lại sớm nhất sau dịch COVID-19, giải NBA vẫn có thể "bình chân như vại" chờ đến khi tình hình ổn định để các trận đấu có thể tiếp tục diễn ra.


Mô hình vận hành đặc biệt của các đội bóng tại giải bóng rổ nhà nghề Mỹ là lý do giúp cho họ không phải chịu áp lực quá lớn của gánh nặng tài chính, qua đó "sống sót" một cách yên bình trong cơn "bão" COVID-19.

NBA kiếm tiền và chia sẻ ra sao

NBA gồm 30 đội bóng nhượng quyền (29 của Mỹ và 1 của Canada) chính thức hoãn từ ngày 12/3, chỉ đúng 1 tiếng sau khi trung phong Rudy Gobert của đội Utah Jazz trở thành cầu thủ đầu tiên dương tính với COVID-19.

Mặc dù là giải đấu tạo ra doanh thu khổng lồ, thuộc tốp đầu trong tất cả các giải thể thao trên toàn thế giới, NBA hiện tại vẫn chưa hẹn ngày trở lại. 

Tất nhiên, phần lớn là bởi diễn biến phức tạp của dịch bệnh khi Mỹ trở thành quốc gia có số ca nhiễm đứng đầu thế giới. Thiệt hại đương nhiên là có, song phần lớn các đội bóng của NBA vẫn sẽ đứng vững qua đại dịch nhờ vào mô hình tổ chức đặc biệt của giải đấu.

Mùa giải 2018/2019, tất cả các đội bóng NBA tạo ra doanh thu kết hợp gần 8,8 tỷ USD, trong đó doanh thu từ bán vé theo mùa thông thường chiếm hơn 22%. New York Knicks và Golden State Warriors là những thương hiệu NBA tạo ra nhiều doanh thu nhất, với con số lần lượt là 472 triệu USD và 440 triệu USD.

Tất cả các đội bóng của NBA đều hoạt động theo phương thức nhượng quyền. Giá trị nhượng quyền của đội New York Knicks được định giá 4,6 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020, New York Knicks cũng là thương hiệu nhượng quyền có giá trị cao nhất trong số 30 đội của NBA. 

Tiếp theo là Los Angeles Lakers, có giá trị thấp hơn 200 triệu USD so với Knicks. Các giá trị thương hiệu trung bình của NBA ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể giữa năm 2014 và 2019, tăng từ 634 triệu USD đến hơn 2,1 tỷ USD trong giai đoạn 5 năm.

NBA không lâm vào tình trạng khó khăn như các giải bóng đá châu Âu nhờ sự chia sẻ doanh thu.

Phần lớn doanh thu được tạo ra bởi NBA và các đội bóng  được định nghĩa là thu nhập liên quan đến bóng rổ (BRI). Thu nhập này bao gồm tiền bán vé và chi phí liên quan, bản quyền truyền hình, hình ảnh các trận đấu, doanh thu bán quần áo và các sản phẩm có gắn thương hiệu. BRI không bao gồm tiền thu được cho các hoạt động khác, tiền phạt trong suốt mùa giải và chia sẻ doanh thu (revenue sharing).

Do BRI đóng vai trò quan trọng tính toán quỹ lương, chia sẻ doanh thu phải được loại trừ khỏi BRI vì nó sẽ mang lại lợi thế kinh tế cho các đội "làm ăn" tốt hơn. 

Theo lý  thuyết, các đội tạo doanh thu cao như  Los Angeles Lakers  hoặc New Yorks Knicks sẽ sẵn sàng tăng mức lương trần, buộc các đội bóng nhỏ hơn phải chi số tiền khủng để giữ chân cầu thủ. 

Điều này dẫn đến một hệ thống không bền vững do sự chênh lệch giữa các nhượng quyền thương mại liên quan đến các đội bóng. Do đó, chia sẻ doanh thu không được tính là thu nhập liên quan đến bóng rổ.

Vào tháng 2/2016, NBA đã công bố một hợp đồng bản quyền truyền thông trị giá 24 tỷ USD trong chín năm với  ESPN và Turner Sports. Khi thỏa thuận có hiệu lực cho mùa giải 2016-17, ESPN và Turner Sports đã kết hợp để trả cho NBA 2,6 tỷ USD/năm. 

Thỏa thuận trước đó được ký vào năm 2007 có giá trị 930 triệu USD/năm. Như vậy thỏa thuận mới tăng đến 180% so với thỏa thuận trước đó. Các trận đấu sẽ được phát sóng trên ESPN và TNT cho đến mùa giải 2024/2025.

Bán vé vẫn là một cách kiếm tiền quan trọng. ESPN từng tính ra rằng trung bình, chi phí để một người Mỹ đưa gia đình đến một trận đấu NBA rơi vào khoảng 300 USD (tiền vé và các chi phí phát sinh) vào năm 2012, tuy nhiên con số đó thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào các đội dự trận đấu và nơi trận đấu diễn ra.

Vào tháng 6/2015, NBA quyết định chấm dứt hợp tác với Adidas và ký hợp đồng  8 năm trị giá 1 tỷ USD với Nike. Hợp đồng mới tăng 245% so với thỏa thuận trước đó. Trong mùa 2016/2017, NBA đã tạo ra doanh thu khoảng 861 triệu USD từ các nhà tài trợ. 

Những nhà tài trợ này bao gồm các thương hiệu dễ nhận biết như Statefarm và Anheuser-Busch (BUD) là thương hiệu thực phẩm và đồ uống chính thức của NBA. Bao gồm trong các gói tài trợ có cả quyền đặt tên cho đấu sân đấu của NBA.

NBA hoạt động với hệ thống chia sẻ doanh thu. Doanh thu từ hệ thống này không phải là một phần của thu nhập liên quan đến bóng rổ. Chia sẻ doanh thu tại NBA giải quyết các tình huống bất bình đẳng giữa các đội bóng nhỏ và lớn. 

Do đó, tất cả các đội gộp doanh thu hàng năm của họ lại với nhau và phân phối lại từ các đội có doanh thu cao sang các đội có doanh thu thấp. Để nhận được lợi ích chia sẻ doanh thu đầy đủ, cấu trúc doanh thu yêu cầu các đội nhỏ phải có mức doanh thu bằng ít nhất 70% mức trung bình của giải đấu.

Bốc thăm để tránh chênh lệch

Không như chuyển nhượng bóng đá, nơi các đội bóng lớn có thể dùng tiềm lực kinh tế mua những ngôi sao triển vọng khiến cho tình trạng "nước chảy chỗ trũng" diễn ra, các đội mạnh lại càng mạnh hơn, tại các giải thể thao lớn ở Mỹ, mà tiêu biểu là NBA, BTC dùng một hệ thống công bằng hơn để các đội bóng yếu có cơ hội sở hữu được những cầu thủ nhiều triển vọng về với đội mình, hệ thống đó được gọi là NBA Draft.

Sau mỗi một mùa giải, 14 đội bóng không được lọt vào vòng Play-off sẽ căn cứ vào thành tích xếp hạng và tham gia vào vòng quay Draft Lottery. 

Đội bóng nào xếp ở các thứ hạng gần với vị trí Play-off hơn (thứ 9 hoặc thứ 10 của miền) sẽ là đội bóng nằm ở thứ tự Draft sau cùng của Draft Lottery. 16 đội bóng dự playoff mùa trước sẽ draft theo thứ tự dựa trên thành tích của 82 trận ở mùa giải chính.

Đội bóng nào xếp ở những vị trí càng thấp trên bảng xếp hạng sẽ có nhiều cơ hội để xếp được những vị trí cao tại Draft Lottery - đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội để lấy được những cầu thủ có chất lượng - theo tiêu chí xếp hạng của Liên đoàn.

Quỹ lương trần được áp dụng khiến các đội bóng không rơi vào tình thế lao đao.

Các cầu thủ trẻ tham dự NCAA, D-League, hay các cầu thủ từ ngoài Bắc Mỹ sẽ tham gia đăng kí với NBA League bằng cách nộp hồ sơ lên Liên đoàn. Liên đoàn sẽ dựa vào những phân tích riêng qua việc xem xét những trận đấu và xếp hạng cho khoảng 60 cầu thủ theo thứ tự từ thấp đến cao.

Các đội bóng có quyền chuyển nhượng tân binh cho nhau trong khoảng 3 ngày kể từ khi lấy được tân binh của mình.

Trong khoảng thời gian chuyển nhượng của mùa giải trước, thậm chí xa hơn, các đội bóng có quyền được đổi Draft cho nhau cũng như đổi Draft của mình để lấy cầu thủ. Đây thường là cách những đội bóng nhỏ hạn chế rủi ro.

Sau kì Draft, các cầu thủ tân binh sẽ tham gia một khoá huấn luyện nữa, với đội bóng của họ nhằm tăng thêm khả năng hoà nhập và thích nghi với môi trường mới. 

Sau đó, họ sẽ xem xét được kí các hợp đồng nếu có khả năng. Các cầu thủ được Draft vòng 1 sẽ được kí hợp đồng dạng 2+2 (tức là 2 năm đầu tiên và tùy chọn có thể kí tiếp cho 2 năm sau). 

Các cầu thủ Draft vòng 2 sẽ được kí hợp đồng 1+2 (tức là 1 năm đầu tiên và tùy chọn có thể kí tiếp cho 2 năm sau). Tất nhiên, có 60 người được Draft, nhưng không phải tất cả được kí hợp đồng và cũng vẫn có cơ hội cho những người không được chọn trong kì NBA Draft (undrafted).

Công bằng là "lẽ sống"

Khoảng 58% doanh thu của các đội bóng tại NBA dành cho việc trả lương. NBA đặt giới hạn lương ở mức lương trần 101,869 triệu USD/đội cho mùa giải 2018/2019, tăng từ 99,903 triệu USD trong năm 2017/18. Mức tối thiểu của quỹ lương là 91,682 triệu USD.

Nếu so sánh với bóng đá, Barca đã giảm lương tới 70% vì CLB là của cổ đông không nhận đầu từ ngoài, trong khi giải Ngoại hạng Anh tìm mọi cách thi đấu nốt phần còn lại của mùa giải vì sợ phải bù 750 triệu bảng cho các đài truyền hình đã ký hợp đồng. Sự bình đẳng của NBA, với những điều luật khắt khe về thu nhập, quỹ lương giúp cho các đội bóng tại giải bóng rổ Mỹ không rơi vào tình trạng khó khăn.

Đồng thời sự chia sẻ bắt buộc giữa các đội bóng cũng giúp cho họ không bị phụ thuộc vào bản quyền truyền hình hay các nguồn đầu tư khác.

NBA không phải giải đấu thể thao duy nhất tại Mỹ hoạt động theo mô hình này. Các giá trị thương hiệu trung bình trong National Football League (NFL) là khoảng 2,86 tỷ, trong khi các đội Major League Baseball (MLB) có giá trị trung bình 1,78 tỷ USD. 

Giá trị nhượng quyền thương hiệu NFL có giá trị nhất là đội Dallas Cowboys, trị giá 5,5 tỷ đô la Mỹ vào năm 2019, tiếp theo là New England Patriots. Còn ở MLB, New York Yankees, với giá trị 4,6 tỷ đô la Mỹ, là nhượng quyền có giá trị nhất tính đến năm 2019.

Đơn Ca
.
.
.