Khi màn ảnh nhỏ "ngập lụt" vì chương trình hài

Thứ Ba, 05/04/2016, 14:55
Bật tivi lên, chưa cần hiểu gì, chỉ những lời nói và phong cách nhí nhảnh của cả hài nữ, hài nam cũng đủ thấy buồn cười rồi, hài mà. Nhưng chết cái nỗi, hài bây giờ hầu như không chơi với vở diễn, cũng chẳng chơi với kịch bản một cách chi tiết, thậm chí chả chơi với cả việc luyện tập. Hài trên tivi bây giờ gần như là ngẫu hứng, thôi thì cứ tạm gọi là hài bộc phát...


Chiếc tivi và những anh hề vui tính

Không thích hài cũng chả làm gì khác được, một khi mà thu nhập của người dân chưa cao tới mức bỏ ra một số tiền để có được tấm vé cho những đêm nghệ thuật mình yêu thích thì hầu như đời sống tinh thần bị lệ thuộc vào chiếc tivi, phó mặc cho chiếc tivi. Trong khi tivi thì có lẽ bây giờ trên khắp đất nước này chả mấy nhà không có? Tức là nhà nhà có tivi, người người xem tivi.

Bật tivi mọi lúc mọi nơi có thể, từ phòng khách đến phòng ăn, thậm chí nó còn “chui” cả vào phòng ngủ vốn là chốn riêng tư không phải ai cũng có thể có mặt. Cho nên quyền lực của chiếc tivi bây giờ ghê gớm lắm. Mà chiếc tivi mang lại gì cho người xem?

Không cần suy nghĩ, cứ nhắm mắt nói vội theo phản xạ tự nhiên thì chắc miệng cũng sẽ tự phát ra có một chữ hài. Này nhé, hôm nay mở tivi lên thấy danh hài hải ngoại cùng danh hài trong nước sánh đôi trong vai trò MC của một gameshow vui vui; ngày mai bật tivi thấy một danh hài trong vai trò MC của một chương trình âm nhạc, ngày kia bật tivi lên thấy danh hài trong vai trò MC của một chương trình từ thiện dành cho những người nông dân có hoàn cảnh khốn khó…

Gặp nhau cuối năm với dàn nghệ sĩ tài năng luôn là chương trình hài được mong đợi nhất trong năm.

Trong trường hợp của hôm nay, ngày mai và ngày kia ấy giả sử người đang xem cảm thấy chán, bỗng dưng muốn chuyển kênh, phần nhiều sẽ lại bắt gặp vẫn danh hài hải ngoại, danh hài trong nước, vẫn danh hài nữ, danh hài nam ấy trong một chương trình khác, còn hài hơn. Có khi lại là “Ơn giời cậu đây rồi”, “Cười xuyên Việt”, cũng có khi là “Thách thức danh hài”… Tóm lại là hài mọi lúc, mọi nơi. Thậm chí hài đan xen nhau, luân phiên nhau, chồng chéo lên nhau cùng lúc dày đặc trên tất cả các kênh từ Trung ương đến địa phương. Ai dám không công nhận ta là xứ sở của hài!

Thấy những gì?

Bật tivi lên, chưa cần hiểu gì, chỉ những lời nói và phong cách nhí nhảnh của cả hài nữ, hài nam cũng đủ thấy buồn cười rồi, hài mà. Nhưng chết cái nỗi, hài bây giờ hầu như không chơi với vở diễn, cũng chẳng chơi với kịch bản một cách chi tiết, thậm chí chả chơi với cả việc luyện tập. Hài trên tivi bây giờ gần như là ngẫu hứng, thôi thì cứ tạm gọi là hài bộc phát.

Có một vài kiểu mô-típ của hài bộc phát. Chẳng hạn, người chơi sẽ không biết mình vào vai gì, người thử thách thì đương nhiên sẽ định hướng cho mình một nội dung câu chuyện còn việc nó sẽ diễn biến như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào sự ngẫu hứng, tương tác khi người thử thách và người chơi chính thức nhập cuộc. Điều này đòi hỏi tất cả những người trong cuộc đều phải nhanh trí, có tài ứng biến để xử lý các tình huống sao cho vừa có cốt truyện, vừa gây được tiếng cười.

Song, đấy là lý thuyết, còn nhìn vào thực tế làm được cả hai điều ấy trong bình diện chung hài hôm nay rất ít tiết mục và đó vẫn còn là điều phải hướng tới. Mô-típ khác là gần như tiếng cười chỉ mang tính chọc cười một cách “nguyên thủy”. Kiểu như cô A xuất hiện mang đặc sản quê mình là cách nói đỏng (nói vu vơ, thật to, nói một mình nhưng ám chỉ một ai đó) của mấy bà đáo để ở chốn thôn quê mất trộm gà vào một cuộc thi. Hay anh B bước chân vào cuộc thi nhắm thẳng chị giám khảo C chê bai hoặc khen ngợi một câu kiểu chả giống ai…

Tóm lại, hoàn toàn phó mặc cho người chơi, muốn làm gì thì làm miễn sao chọc cười được giám khảo, là xong.

Cái mà những chương trình kiểu này mang lại sau chừng vài năm “oanh tạc” sóng truyền hình là gì? Nhiều lắm, người ta thấy tivi gần gũi với đời thường, ngoài đời nói gì trên tivi cũng thế, chả khác. Người ta bỗng quá quen thuộc với hình ảnh nam không ra nam, nữ không ra nữ của một số diễn viên. Hàng loạt các nam nghệ sĩ thích hóa thành các nữ nghệ sĩ. Hình ảnh mấy nam nghệ sĩ mặc áo dài, đi giầy cao gót, má phấn môi hồng cũng đã thành món quen. Ngay cả cái phong cách õng ẹo, cợt nhả kiểu những bà tám giờ cũng chẳng phải thứ xa lạ, nó là của sẵn hằng ngày trong mọi nhà.

Đừng vội nghĩ nói ra vậy là ta không công bằng hay có ý miệt thị gì đối với một bộ phận người trong xã hội chúng ta hiện nay. Ai cũng có quyền được sống theo chính con người mình miễn không ảnh hưởng tới những người xung quanh. Thiết nghĩ, những hình ảnh, lời nói chưa chuẩn mực về giới, về phong cách, về ngôn ngữ… chỉ nên xuất hiện chừng mực, như một thứ gia vị cho một món ăn chứ không nên xuất hiện như cách mà trên truyền hình đang làm.

Nghệ sĩ là nhóm thiểu số người có sức lan tỏa hình ảnh trong xã hội. Những hành động, cử chỉ của họ đều rất dễ tạo ảnh hưởng với giới trẻ nên rất cần cân nhắc tới những điều như vậy.

Hài thực sự là gì?

Chợt nghĩ, phần lớn hài trên tivi hiện nay liệu có đúng là hài hay mới chỉ dừng lại ở việc bằng một lời nói, một hành động cụ thể nào đó giống như người ta đưa tay ngoáy ngoáy thẳng vào nách ai đó để họ bật ra tiếng cười. Trong suy nghĩ của tôi, hài khác lắm. Chẳng ngẫu nhiên ở ta, trong sân khấu truyền thống kinh điển của dân tộc như Chèo chẳng hạn, khi xây dựng các tuyến nhân vật, không bao giờ thiếu được nhân vật hài, ở đây gọi là hề chèo.

Nếu để ý sẽ thấy, trong các vở diễn, các anh hề luôn là những người vừa gần dân, vừa gần vua. Ăn nói cợt nhả nhưng toàn những lời sâu cay. Chỉ có anh hề mới thoải mái nói lên suy nghĩ của mình kể cả những lời có thể ảnh hưởng tới vua mà không sợ bị mất đầu. Có nghĩa, vua dù có độc quyền đến đâu cũng vẫn dành một góc để lắng nghe những phản biện, trong khi anh hề muốn đứng được ở vai trò đấy phải gần như đại diện tiếng nói của nhân dân nên phải thâu tóm được những vấn đề của đời sống xã hội và truyền tải lại. Chứ nếu chỉ pha trò bằng đôi ba câu nói chả đâu vào đâu hay ngây ngô đến buồn cười thì không thể tồn tại ở vị trí đó.

Ở Tây, người ta không thể quên những hình ảnh một lão hà tiện, giữ của chăm chăm, để đâu cũng không yên tâm, nhìn ai cũng sinh nghi và cuối cùng là lão một mình kéo theo hòm của còng người đi trên sa mạc vào nơi không có một bóng người; hay bóng dáng một viên cảnh sát hậu đậu nhưng luôn phá án một cách xuất sắc.

Rất nhiều chương trình hài nở rộ trên truyền hình.

Hóa thân thành hình ảnh ấy tên tuổi của nam diễn viên Louis de Funès sống cùng lịch sử điện ảnh Pháp. Thậm chí không có lời, chỉ cần những hành động, những biểu lộ trên từng nét mặt, nụ cười, dáng đứng và sự biến chuyển của câu chuyện cũng như tâm lý nhân vật mà không cần một lời nói cũng đã đủ sức cho người nghe cười ngả nghiêng và cái tên Charlie Chaplin sống mãi trong lòng người hâm mộ.

Tiếng cười của hài phải giữ được càng lâu trong tâm trí người xem, để rồi người ta ngẫm ra nhiều điều cho cuộc sống, cách nghĩ và lối sống của chính mình. Như thế, hài mang lại tiếng cười có ý nghĩa, nó phải ẩn chứa một thông điệp nào đó từ cuộc sống này. Đồng thời, phải giúp cho cuộc sống ngày càng trở nên hoàn thiện hơn.

Sớm gạn đục khơi trong

Nhìn vào đời sống hài trên tivi, không phải tất cả các chương trình, tiết mục hài đều vô bổ. “Gặp nhau cuối năm” vẫn được nhiều người đón chờ nhất không chỉ bởi dàn diễn viên tài năng mà nó chính là tiếng nói của sự phản biện xã hội thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, là tiếng cười của sự suy ngẫm. Những năm trước đây khi “Gala Cười”, “Gặp nhau cuối tuần” được trình chiếu với tần xuất mỗi tuần một lần tiếng cười vừa đủ cho khán giả, đồng thời cũng vừa đủ để đẩy các nghệ sĩ lên hàng được hâm mộ.

Người ta cũng nhìn thấy rõ trong những kịch bản ấy vừa có sự chuẩn bị, vừa có đủ “đất” cho nghệ sĩ ngẫu hứng - một chi tiết không thể thiếu với hài. Dẫu thế, những chương trình như vậy ngày càng ít đi. Trong khi nhìn vào mật độ các chương trình liên quan đến nghệ sĩ hài sẽ thấy, kể cả nếu không nhận các show diễn bên ngoài, chỉ dành cho truyền hình các nghệ sĩ hài cũng không đủ thời gian chuyên tâm cho sự sáng tạo nghệ thuật và tái tạo cảm xúc nghệ thuật.

Cũng may, họ xuất hiện đúng thời kỳ của truyền hình thực tế, tôn vinh những cái đời nhất đang diễn ra hiện nay cho nên sự ngẫu hứng không sát sao theo kịch bản lại có đất sống. Thay vì dấu ấn của đạo diễn là những gì thuộc về bản năng trong con người của người nghệ sĩ. Đương nhiên nghệ sĩ không có tài không thể tạo được sức hút với công chúng, cũng không thể tải nổi chừng ấy chương trình nhưng những gì mà dòng nghệ thuật này đang diễn ra dễ liên tưởng thấy hài đang đi vào vết xe cũ của đời sống âm nhạc trước đó.

Còn nhớ gần mười năm trước, âm nhạc đã bị nhiễu nhương bởi cái gọi là nhạc thị trường. Hàng loạt các ca khúc kém chất lượng liên tục ra đời. Thay vì những giai điệu đẹp với những lời ca ý nghĩa về tình yêu đôi lứa, về cuộc sống, về lý tưởng… những ca từ thị trường gần như chỉ giống như những câu nói ngoài đời, nội dung ca khúc cũng chẳng đâu vào đâu, kiểu tình yêu… bọ xít.

Tóm lại, đó là những thứ hoàn toàn vô bổ chỉ dừng lại ở mức đáp ứng nhu cầu thưởng thức một cách dễ dãi của một bộ phận người nghe. Chính vì điều này dòng nhạc thị trường đã tốn kém không biết bao nhiêu giấy mực của báo giới và những người quan tâm. Thậm chí có không ít những ý kiến phản ứng gay gắt cho rằng cần loại bỏ khỏi đời sống tinh thần dòng nhạc này.

Cuối cùng, với nỗ lực của giới âm nhạc, sự kết hợp của các kênh truyền hình, mấy năm gần đây đời sống âm nhạc có những sự chuyển biến rõ rệt, cải thiện một cách đáng kể về chất lượng và vẫn đáp ứng được nhu cầu người nghe. Điều đáng nói, nhạc thị trường đã gần như biến mất trong một hai năm gần đây. Nhưng đó là chuyện của một dòng nhạc không được khuyến khích trên các phương tiện truyền thông chính thống. Hài ngày nay khác khẳn, chính các kênh truyền hình là đồng minh đắc lực cho sự vươn dài ảnh hưởng nên sự lan tỏa của nó là hết sức mạnh mẽ.

Tất nhiên, không thể xóa bỏ tiếng cười, cho nên hài vẫn luôn cần cho đời sống hôm nay, nhưng hài vẫn phải là chính nó. Ở một khía cạnh khác, dù đang là thời đại của hài, hài đang xuất hiện và vươn vào các hoạt động giải trí khác trên tivi nhưng nó lại chỉ dành cho đôi ba gương mặt, tất nhiên không nói tới tài năng, sự lặp đi lặp lại một số ít gương mặt cho thấy hài đang vô cùng nghèo nàn trong chính thời đại của nó.

Cho nên, cần phải nghĩ cho “tuổi thọ” của hài. Làm thế nào để hài vẫn đảm bảo lợi ích cho nhà sản xuất, nhà phát sóng và nghệ sĩ lại có những cải thiện đáng kể là câu chuyện mà những người có trách nhiệm, người có liên quan cần nghĩ tới trong lúc này.

Long Nguyễn
.
.
.