Hồng Lĩnh Hà Tĩnh liệu có trở thành thế lực ở V..League 2021?

Thứ Ba, 08/12/2020, 15:21
Gần 3 thập kỷ, bóng đá Hà Tĩnh nép mình trước cái bóng khổng lồ của người hàng xóm Sông Lam Nghệ An. Nhưng thời thế đổi thay. Sự xuất hiện của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, theo một cách đặc biệt, đang giúp người hâm mộ bóng đá nơi đây có được một niềm tự hào.

Một đội bóng đặc biệt

28 năm trước, Nghệ Tĩnh tách thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đội bóng Sông Lam Nghệ Tĩnh lẫy lừng sáp nhập vào Nghệ An và đổi tên thành Sông Lam Nghệ An như hiện tại. CLB xứ Nghệ tiếp tục duy trì bề dày truyền thống. Họ không những là cái nôi đào tạo ra những nhân tài cho bóng đá trên cả nước mà danh hiệu ở giải vô địch quốc gia cũng hiện diện một cách tương đối trong phòng truyền thống của CLB. Trái ngược với điều đó, bóng đá Hà Tĩnh như mất phanh kể từ khi chia nửa.

Vùng trắng bóng đá tại địa phương này buộc những cái tên ưu tú như Trần Phi Sơn, Trần Phi Hà, Bùi Tiến Dũng, Đinh Thanh Trung, Nguyễn Trọng Phi… phải lưu lạc tứ phương. Đã có người từng chẹp miệng tiếc nuối rằng, nguyên một đội hình với những cái tên kể trên cũng đủ sức thi đấu tại V.League.

Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đi lên từ sự đặc biệt.

Nhưng 3 năm trước, khẩu hiệu "Hà Tĩnh là phân minh" trở thành kim chỉ nam để CLB này bắt đầu hoạt động. Thực tế, mảnh đất vốn đã trắng xoá bóng đá suốt gần 30 năm chẳng thể nào tự "nảy mầm" một đội bóng. Bàn tay của bầu Hiển cùng sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh manh nha gieo rắc những ý niệm đầu tiên về sự tái sinh của một đội bóng trực thuộc địa phương. Đó chính xác là đội Hà Nội B, thuộc lứa U21 Hà Nội vốn được HLV Phạm Minh Đức dày công vun đắp từ trước đó. Về cơ bản ấy, câu chuyện ấy gần giống với những gì xảy ra cách đó ba năm khi chính bầu Hiển quyết định để CLB Hà Nội đổi tên thành Sài Gòn FC và nhờ vậy, TP Hồ Chí Minh có một đội bóng sau nhiều năm thăng trầm vì bóng đá. 

Đương nhiên, sự xuất hiện của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh cũng gặp phải những tranh cãi như những gì đã xảy ra với Sài Gòn FC. Những người yêu bóng đá sợ rằng khi những gốc rễ không cắm sâu vào lòng đất như cái cách nó tự mọc lên và phát triển tự nhiên thì sự áp đặt sẽ nhanh chóng thất bại, giống như cái cách Navibank Sài Gòn, Sài Gòn Xuân Thành tan rã hay Sài Gòn FC cho hàng loạt cầu thủ ra đi để tái thiết đội hình như mùa giải năm nay.

Nhưng có một điểm đáng chú ý tại Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đủ để khiến họ vững vàng trước sóng gió thị phi. Đó là sự nhất quán từ thượng tầng, Ban huấn luyện đến các cầu thủ. Không có một dấu ấn của cái tôi cá nhân. Không có một mục đích riêng, toan tính riêng trong vận hành đội bóng non trẻ này.

Từ chỗ là địa phương không có phong trào bóng đá đủ mạnh, từ một sân vận động xây từ năm 1991 với sức chứa tới 25.000 khán giả bị bỏ hoang, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh từng bước đi lên. Họ là đội bóng có tuổi đời trung bình trẻ nhất V.League nhưng lại vận hành theo mộ hình chuyên nghiệp và có một thứ hạng đủ tốt ngay trong năm đầu tiên tham dự V.League (năm 2020).

HLV Phạm Minh Đức đang giúp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh chơi một thứ bóng đá rõ ràng, có bản sắc.

Chân đế vững vàng

Sự cố "vỡ sân" với hình ảnh CĐV tràn xuống ngồi cả đường piste ở trận đấu giữa Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và Hà Nội FC mùa trước với CLB này hoàn toàn không phải một "án điểm" cần phải lên án. Trái lại, đó là thành quả, là trái ngọt minh chứng cho sự xuất hiện của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh tại địa phương này là ý chí đúng đắn.

Từ lãnh đạo tỉnh và những người trực tiếp vận hành đội bóng, rất nhiều hành động thiết thực được thực hiện để đảm bảo Hồng Lĩnh Hà Tĩnh có thể vận hành trơn tru. Sân bóng được cải tạo và sở hữu mặt sân có chất lượng tốt nhất cả nước, sử dụng loại cỏ lá kim với chi phí bảo dưỡng không ít hơn 300 triệu/ tháng. Từ năm ngoái, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đã được tạo điều kiện cho sinh hoạt tập trung tại khách sạn giúp cầu thủ toàn tâm toàn ý thi đấu. Trước khi lên hạng, ngân sách của CLB này ở mức 40 tỷ, tương đương một CLB hạng trung lâu đời như Hải Phòng. Và khi có mặt tại V.League năm ngoái,  ngân sách cho cả CLB hoạt động được cho là không dưới 80 tỷ.

Bữa ăn của cầu thủ đội một cũng cho thấy một sự khác biệt. Ngoài ba bữa chính, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh có hai bữa ăn phụ mỗi ngày trước giờ tập, chi tiết tuy nhỏ nhưng nói lên tham vọng chuyên nghiệp của thầy trò HLV Phạm Minh Đức. Cần phải nói thêm, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh có chủ tịch trẻ tuổi là giám đốc kinh doanh của một chi nhánh phân phối xe hơi lớn trên toàn quốc, chưa tính tới hậu thuẫn của một tập đoàn hàng đầu cả nước. Nhờ vậy, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh không chỉ trẻ mà còn khoẻ trong cách điều hành bóng đá tại địa phương này.

Khán giả Hà Tĩnh có quyền tự hào về sự phát triển của đội bóng tỉnh nhà đang đi đúng hướng.

"Chúng tôi nhận thấy mảnh đất "cằn" Hà Tĩnh giàu tình cảm, có thừa tình yêu với bóng đá rất cần một cú "hích" để thay đổi tất cả. Khi có đội bóng lên chơi ở V.League, đam mê bóng đá  sẽ được khơi dậy, song song với việc chăm lo cho bóng đá trẻ, bóng đá Hà Tĩnh sẽ phát triển một cách nhanh chóng hơn là cố gắng đi từng bước nhỏ. Trước khi đưa ra đề án xây dựng bóng đá Hà Tĩnh,  bắt đầu là mục tiêu đưa Hồng Lĩnh Hà Tĩnh lên chơi hạng cao nhất. Lãnh đạo tỉnh và chúng tôi đã làm việc với nhau và thống nhất được nhiều vấn đề quan trọng. Bóng đá Hà Tĩnh cần rút kinh nghiệm từ sai lầm trong quá khứ, muốn phát triển bền vững, rất cần sự chung lòng của tỉnh và doanh nghiệp và đặc biệt là người dân Hà Tĩnh. Tôi là người yêu bóng đá, rất thấu hiểu nỗi trăn trở của CĐV bóng đá Hà Tĩnh", ông Dũng chia sẻ.

Theo ông Dũng, với bóng đá chuyên nghiệp, bản sắc bóng đá không nhất thiết là phải sử dụng cầu thủ địa phương. Ở châu Âu, rất nhiều đội bóng không có cầu thủ do chính họ đào tạo nên. Vì thế bóng đá Hà Tĩnh cần một sự đột phá về thành tích, từ đó khơi dậy nội lực và từng bước tạo dựng bản sắc như đại đa số người hâm mộ mong muốn. Hà Nội là lò đào tạo tốt, những cầu thủ Hà Nội đã quen ở Hà Tĩnh nên không có chút rào cản nào về sự cống hiến của họ. Chức vô địch hạng Nhất và trở thành tấm vé lên chơi V.League 2020 chính là câu trả lời rõ ràng nhất. 

Sự ổn định và tính toán hợp lý của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh trở thành thỏi nam châm thu hút tài năng xa xứ muốn hồi hương. Điển hình đầu tiên là trường hợp của Trần Phi Sơn, cầu thủ chia tay TP Hồ Chí Minh và trở lại quê hương chơi bóng chuyên nghiệp. Không chỉ có Trần Phi Sơn, Giang Trần Quách Tân, Trương Trọng Sáng, Nguyễn Xuân Hùng, Đào Nhật Minh, Claudecir, Kelly Kester trở thành nhân sự mới của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh ở mùa giải sắp tới.

Hiện tại, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh vẫn đang tìm thêm 1 chân sút ngoại nữa để khóa sổ ngoại binh. Tiền đạo Rimario của Hà Nội FC đang là cái tên nhận được sự quan tâm đặc biệt của Hà Tĩnh. Nhiều thông tin cho rằng giữa chân sút người Jamaica và đội bóng núi Hồng đang có những đàm phán trong thời gian qua. Và nếu không có gì thay đổi phút chót, Rimario sẽ là mảnh ghép cuối cùng của Hà Tĩnh trước thềm mùa giải 2021.

Với việc đưa về những tân binh chất lượng, kết hợp cùng bộ khung cũ đã trưởng thành hơn sau mùa giải đầu tiên thử lửa, Hà Tĩnh sẽ là thách thức đáng ngại với các đối thủ đặt tham vọng ở mùa giải năm sau. "Mùa giải 2020 được xem là khá may mắn với Hà Tĩnh nên chúng tôi sẽ phải thận trọng hơn ở mùa tới. Vì thực tế Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đã không còn yếu tố bất ngờ, thêm vào đó mùa giải mới chưa biết sẽ ra sao nên chúng tôi phải luôn cẩn trọng. Mục tiêu của chúng tôi là vượt được thứ hạng cũ, nhưng cứ tùy tình hình thực tế mà tính thôi", HLV Phạm Minh Đức chia sẻ khi nói về mục tiêu của Hà Tĩnh ở V.League 2021.


Đơn Ca
.
.
.