Người trẻ có quay lưng với âm nhạc truyền thống?

Thứ Hai, 01/02/2016, 22:23
Nếu ai đó nói rằng, giới trẻ đang quay lưng lại với âm nhạc truyền thống, lo ngại sẽ có những quãng đứt gãy trong dòng chảy của cổ truyền, thì có một nhóm những người trẻ đang âm thầm thắp lửa cho xẩm - một thể loại âm nhạc vốn có thân phận chìm nổi.


Xẩm Hà Thành quy tụ những người trẻ tuổi như: nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, Mai Tuyết Hoa, Khương Cường và Phạm Đình Dũng, những người đắm đuối với xẩm chỉ vì một mong muốn, đưa xẩm trở lại với đời sống vốn đã bị đứt đoạn, lãng quên.

Cách đây hơn 10 năm, nhóm Xẩm Hà Thành ra đời, cũng chừng đó năm, 4 bạn trẻ gồng mình lên để duy trì đưa xẩm vào đời sống. Nhìn lại chặng đường dài đã đi, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long tự thấy đó là một công việc phi thường. Bởi xẩm gần như biến mất trong đời sống. Nhất là sau khi truyền nhân cuối cùng của xẩm, nghệ nhân Hà Thị Cầu qua đời, xẩm càng trở nên chống chếnh. Cũng bởi, từ xa xưa, xẩm gắn liền với thân phận những người hát rong và bị đánh đồng với những người ăn xin…

Nhóm Xẩm Hà Thành với Hà Nội bốn mùa hoa.

Năm 2005, sau nhiều năm nghiên cứu và tìm hiểu về âm nhạc truyền thống, nhận ra những khoảng trống về xẩm, lại có duyên gặp gỡ nhạc sĩ Thao Giang, Hạnh Nhân, GS.TS.NGND Phạm Minh Khang… Nguyễn Quang Long, Mai Tuyết Hoa và Khương Cường đã cùng với họ quyết tâm phục hồi để bảo tồn và duy trì nghệ thuật hát xẩm.

Năm 2006, một CD về xẩm Hà Nội đã ra đời và một chiếu xẩm hằng đêm vào tối thứ 7 vẫn duy trì ở khu vực chợ đêm Đồng Xuân. Có những đêm diễn, hàng trăm người đứng xem. Cũng ở đó, nhiều nhân sĩ, trí thức đã đến thưởng thức một không gian riêng của xẩm như Giáo sư Trần Văn Khê, Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong, nhà thơ Nguyễn Duy… Và những đốm lửa đã được nhóm Xẩm Hà Thành và những người thầy miệt mài, bền bỉ thắp lên như thế, để xẩm đi vào đời sống và người dân Hà Nội bắt đầu biết về xẩm.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long ngậm ngùi nói: “Xẩm là một nét văn hóa quen thuộc của Hà Nội 36 phố phường - nhưng nó gần như vắng bóng trong đời sống. Từ trước đến nay người ta vẫn coi xẩm không phải là nghệ thuật, mà chỉ là những khúc hát của kẻ hát rong, đầu đường xó chợ. Tôi nghĩ, nếu mình không làm thì một nét văn hóa đời sống tinh thần sẽ biến mất. Vì thế, nhóm chúng tôi đều nhất tâm, coi đó là nghiệp, là tâm huyết và đam mê của mình, để góp phần bảo tồn, duy trì xẩm trong đời sống hiện đại”.

Nhóm Xẩm Hà Thành, mỗi người đều có một công việc khác để mưu sinh. Tôi gặp họ vào những ngày cuối năm, đang cuống cuồng lo bán vé cho đêm Xẩm Hà Nội bốn mùa hoa. Hơn 100 vé, với mức giá không thể thấp hơn được nữa. Nhưng, liệu có bán được vé trong thời buổi ai cũng bận rộn.

“Kể cả bỏ tiền túi ra thì chúng tôi vẫn muốn duy trì chương trình ít nhất mỗi năm một lần, để mọi người biết, xẩm vẫn tồn tại trong đời sống. Từ trước đến nay, mọi người nghĩ xẩm chỉ gắn liền với những làn điệu buồn thương, xẩm không bao giờ hát vào ngày xuân. Nhưng xẩm không chỉ có lúc buồn, những lúc nhân tình thế thái, mà còn có cả những giai điệu vui. Những nỗ lực của chúng tôi để đưa xẩm vào đời sống và để mọi người hiểu rằng, xẩm gắn với những vui buồn của cuộc đời, chứ không phải của những người hành khất, những thân phận nghèo khó”, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa tâm sự.

Mỗi năm đều có những dự án, những MV xẩm ra đời, như MV “Xẩm trà đá”, MV “Tiểu trừ cướp biển” được nhiều người thích. Đó là cách những người trẻ đưa xẩm vào đời sống, gắn với đời sống. “Bên cạnh việc phục hồi truyền thống, chúng tôi muốn mang những yếu tố đương thời vào. Nghệ thuật là một dòng chảy, nếu chỉ bảo tồn thôi, nó sẽ bị ngắt quãng. Tôi muốn mọi người nghe cái cũ trong tâm thế mới, trong sự sáng tạo mới, bởi xẩm luôn gắn với đời sống thường ngày”.

Để âm nhạc truyền thống có thể len lỏi vào đời sống xô bồ và quá nhiều mối bận tâm quả thật là một hành trình gian nan. Với xẩm, còn khó hơn thế, bởi xẩm có thân phận của xẩm. Thế mà, 10 năm qua, những nỗ lực của thầy trò nhà xẩm đã có những tín hiệu vui. Những câu lạc bộ xẩm ở Hà Nội, Ninh Bình, Hải Phòng đã được thành lập. Quảng Ninh, Bắc Ninh cũng đang muốn Xẩm Hà Thành hỗ trợ chuyên môn để thành lập được một nhóm.

Đây đó, thoảng hoặc, ta được nghe một câu hát xẩm trong nhân gian… Phận đời của xẩm gian nan, không danh phận, không có môi trường hoạt động. Nhiều năm nay, nhóm lập các câu lạc bộ, dạy miễn phí để tìm kiếm tài năng. Nhưng rồi, nhân tài vốn đã hiếm, lại chẳng mấy ai đắm đuối với thứ không có danh phận, cũng chẳng bạc tiền. Và tôi nhìn thấy, tình yêu của những người trẻ này, với xẩm, một tình yêu vô điều kiện.

Có ai đó lo ngại rằng, giới trẻ đang thờ ơ với truyền thống, đang phủ nhận truyền thống, thì những cống hiến lặng lẽ của nhóm Xẩm Hà Thành và rất nhiều, nhiều bạn trẻ ở Hà Nội, là một minh chứng khác. Để ta có thể tin hơn vào những giá trị văn hóa vẫn được duy trì, tiếp nối như một mạch chảy không thể ngừng trong đời sống này.

Như một lần trò chuyện với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, ông vẫn lạc quan cho rằng, những giá trị mới sẽ không ngừng được tạo ra trong đời sống. Và chúng ta hãy bảo tồn truyền thống bằng cách tạo nên những giá trị đương đại cho nó chứ không phải thương khóc những gì đã mất. Đó cũng là cách mà nhóm Xẩm Hà Thành đang làm, đang tạo ra những giá trị mới, khuôn mặt mới cho một thứ nghệ thuật tưởng đã thất truyền sau khi nghệ nhân Hà Thị Cầu ra đi.

Hạnh Nguyên
.
.
.