Brazil kiện FIFA vì công nghệ VAR

Chủ Nhật, 24/06/2018, 14:00
Brazil đã trở thành đội tuyển bóng đá đầu tiên mở màn tranh cãi về VAR khi yêu cầu FIFA giải thích tại sao VAR không được sử dụng cho các quyết định quan trọng trong trận hòa 1-1 hôm 17-6 giữa đội này với đội tuyển Thụy Sĩ.



Lần đầu tiên được áp dụng tại Vòng chung kết bóng đá thế giới (World Cup) 2018, công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video (VAR) với 32 máy quay ghi lại hình ảnh từ mọi góc độ đang trở thành tâm điểm, thậm chí là cái cớ để các đội bóng kiện FIFA.

Brazil đã trở thành đội tuyển bóng đá đầu tiên mở màn tranh cãi về VAR khi yêu cầu FIFA giải thích tại sao VAR không được sử dụng cho các quyết định quan trọng trong trận hòa 1-1 hôm 17-6 giữa đội này với đội tuyển Thụy Sĩ. 

Công nghệ VAR được áp dụng chính thức trong mùa World Cup 2018.

Trong thư gửi FIFA, Liên đoàn Bóng đá Brazil (CBF) cũng viết: "CBF đòi hỏi được biết lý do công nghệ VAR không được trọng tài chính trận Brazil - Thụy Sĩ 1-1 là ông Cesar Ramos sử dụng trong các sự cố quan trọng của trận đấu. Tình huống thứ nhất là bàn gỡ 1-1 của Thụy Sĩ ở phút 50, khi Steven Zuber đã phạm lỗi với trung vệ Miranda trong lúc nhảy lên đánh đầu tung lưới Brazil.

Tình huống thứ hai là pha phạm lỗi của Manuel Akanji với Gabriel Jesus trong khu cấm địa Thụy Sĩ ở phút 74, nhưng trọng tài đã không thổi penalty".

Theo lập luận của CBF, đây là hành động thiên vị, không công bằng bởi trước đó, FIFA đã tuyên bố rằng, việc áp dụng công nghệ VAR trong World Cup 2018 tại Nga để "sửa lỗi rõ ràng và các sự cố bị bỏ lỡ trong quyết định thay đổi trận đấu rõ ràng hơn".

Từ đó, CBF nêu ra ba câu hỏi, trong đó đặt vấn đề là trợ lý trọng tài Valeri hoặc bất kỳ ai trong đội ngũ VAR có thông báo với trọng tài chính về hai tình huống tranh cãi trên hay không; trọng tài có yêu cầu đội ngũ VAR phân tích tình huống hay không; và quy trình liên lạc giữa trọng tài và đội ngũ VAR diễn ra thế nào?

Công nghệ VAR (video assistant referee) là hệ thống các camera quay và truyền hình ảnh về máy tính trung tâm. Hình ảnh này giúp kiểm tra lại các tình tiết gây tranh cãi trên sân cỏ.

Trọng tài chính của trận đấu có thể tham vấn với trợ lý hoặc tự mình xem lại hình ảnh trên một thiết bị chuyên dụng đặt tại đường biên giữa sân. Hồi tháng 3, FIFA đã quyết định sử dụng công nghệ hỗ trợ trọng tài này cho World Cup 2018.

Anh là nước đi tiên phong khi áp dụng công nghệ này cho hai giải đấu là  FA Cup và League Cup. Trước đó, VAR đã được thử nghiệm trong hai năm gần đây qua các giải đấu nhỏ hơn như Confederation Cup năm 2017 và nay lần đầu tiên được sử dụng cho giải đấu toàn cầu.

VAR kết nối ba hệ thống camera khác nhau. Trong đó, Hawk Eye - gồm từ 7 đến 14 camera tốc độ cao gắn trên nóc sân vận động. Hawk Eye sẽ dự báo đường di chuyển của trái bóng để đảm bảo cho ít nhất có hai camera ghi lại được.

Khi bóng lăn qua vạch cầu môn, đồng hồ của trọng tài chính sẽ phát tín hiệu báo bóng đã vào lưới. GoalControl-4D - gồm 14 camera đặt bên khung thành, theo dõi đường di chuyển của bóng và gửi tín hiệu đến đồng hồ của trọng tài chính.

GoalRef - là hệ thống cảm ứng điện từ gắn lên xà ngang và cột dọc của khung thành, tạo nên một từ trường. Khi trái bóng lăn qua vạch cầu môn, ra khỏi đường biên, con chip bên trong trái bóng sẽ phát tiếng, đồng thời đồng hồ của trọng tài chính cũng sẽ nhận được tín hiệu...

Ở chừng mực nào đó VAR đã khiến các trận đấu trở nên công bằng hơn bởi trọng tài sẽ có thể có cái nhìn đa chiều về các tình huống nhạy cảm đã diễn ra trên sân. Tuy thế  các vận hành của VAR cũng đang tồn tại vấn đề.

Nhưng chính điều này cũng gây tranh cãi lớn bởi trọng tại mới là người quyết định khi nào mới sử dụng công nghệ tiên tiến này, tức là sẽ có những tình huống bị bỏ qua không cần dùng đến VAR để ra quyết định và đây chính là điều có thể gây ra những "bất công".

Từ đầu giải tới giờ, VAR đã được sử dụng khá nhiều lần để phân xử, mới nhất là quả phạt đền mà trọng tài dành cho Thụy Điển trong trận gặp Hàn Quốc hay trước đó là quả phạt đền dành cho Pháp ở trận đấu với Australia.

Nhưng cũng chính tại trận Thụy Điển-Hàn Quốc, trọng tài đã không sử dụng VAR để ra quyết định trong tình huống cuối trận mà nhiều Hàn Quốc cho rằng bóng đã chạm tay một cầu thủ Thụy Điển trong vòng cấm đội bóng Bắc Âu.

Các pha quay chậm sau đó cho thấy đúng là bóng đã chạm tay một cầu thủ Thụy Điển và nếu sử dụng VAR Hàn Quốc sẽ được hưởng penalty từ đó kết quả của trận đấu sẽ có thể rất khác.

Linh Oanh (tổng hợp)
.
.
.