Bóng đá Việt Nam tại SEA Games 29: Sau 5 lần lỗi hẹn là một lần đăng quang?

Thứ Năm, 17/08/2017, 05:34
Nhìn lại lịch sử 5 trận chung kết SEA Games trước đây mà bóng đá Việt Nam từng tham dự, có thể thấy, đúng là có những lúc chúng ta đã thua đối thủ - thua tâm phục khẩu phục, nhưng có lúc chúng ta không thua đối thủ, mà thua chính bản thân mình.

Một lần nữa, bóng đá Việt Nam lại bước vào SEA Games 29 với mục tiêu phải đoạt huy chương vàng. Nói như ông bầu, Phó Chủ tịch Tài chính VFF Đoàn Nguyên Đức: "Bây giờ không có vàng thì bao giờ nữa"?

Nhìn lại lịch sử 5 trận chung kết SEA Games trước đây mà bóng đá Việt Nam từng tham dự, có thể thấy, đúng là có những lúc chúng ta đã thua đối thủ - thua tâm phục khẩu phục, nhưng có lúc chúng ta không thua đối thủ, mà thua chính bản thân mình.

Năm 1991 bóng đá Việt Nam chính thức trở lại với đời sống quốc tế, nhưng hai kỳ SEA Games năm 1991 tại Philippines và 1993 tại Singapore, Đội tuyển bóng đá Quốc gia chỉ tham dự cho đủ mâm đủ bát.

Phải đến kỳ SEA Games 18, năm 1995 tại Thái Lan, chúng ta mới dám đặt mục tiêu là phải giành vé vào bán kết. Rốt cuộc, Đội tuyển Việt Nam đã vào bán kết sau một trận quyết chiến hú hồn với Indonesia ở vòng bảng.

Nhưng chúng ta còn làm được nhiều hơn thế khi vượt qua Myanmar - một "ông kẹ" Đông Nam Á thời điểm đó để vào chung kết với Thái Lan.

Trận bán kết với Myanmar đến tận bây giờ vẫn chứa đựng nhiều chi tiết lạ, mà lạ nhất là không hiểu vì sao ông trọng tài lại rút tới 2 thẻ đỏ cho các cầu thủ Myanmar, giúp Việt Nam có thể lật ngược ván cờ giành thắng lợi 2-1.

Nhiều người bảo với kết quả đó, chủ nhà Thái Lan vui nhất, vì thời điểm đó bóng đá Thái Lan rất ngại bóng đá Myanmar.

Niềm vui ấy rốt cuộc đã được chứng thực khi Thái Lan sau đó dễ dàng đánh bại Việt Nam tới 4-0 trong một trận đấu mà nói như HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam lúc đó, ông K.Weigang thì: "Các cầu thủ của tôi chỉ biết mỗi bài phá bóng".

Cái thua ở chung kết SEA Games năm 1995 trước chủ nhà Thái Lan là cái thua chấp nhận được, bởi rõ ràng khi đó chúng ta đã làm được nhiều hơn so với những mục tiêu kỳ vọng của chúng mình.

HLV Nguyễn Hữu Thắng tin vào một chiếc HCV hơn bao giờ hết.

Bốn năm sau, Việt Nam lại đụng Thái Lan trong trận chung kết bóng đá nam tại Brunei. Nhưng tính chất trận đấu lần này đã khác. SEA Games năm ấy được xem là kỳ SEA Games cuối đời của thế hệ vàng Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh..., nên ai cũng khát khao giật chiếc huy chương vàng bằng mọi giá.

Mà nhìn ở phương diện chuyên môn thì mục tiêu đoạt vàng cũng hoàn toàn có cơ sở khi chúng ta sở hữu một hàng phòng ngự đá 4 trận vòng bảng, cùng trận bán kết không để lọt lưới bàn nào.

Giới chuyên môn Đông Nam Á lúc đó thậm chí phải đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để phá được hàng thủ Việt Nam? Không ai ngờ, vào đến chung kết thì người Thái phá hàng thủ ấy bằng "bài tủ" sút xa. Những cú sút xa với lực căng và xoáy cộng hưởng với những sai lầm của thủ thành Việt Nam đã giúp Thái Lan giành chiến thắng 2-0.

Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam "hận" bóng đá Thái Lan như lúc ấy. Và cũng kể từ ấy, câu hỏi: Phải làm gì để thắng Thái Lan chính thức được cả những người ở Liên đoàn Bóng đá lẫn Ủy ban Thể dục Thể thao (tiền thân của Tổng cục TDTT bây giờ) đặt ra.

Sang đến SEA Games 22 năm 2003 thì bóng đá Việt Nam có lợi thế sân nhà, khán giả nhà. Đấy cũng là kỳ SEA Games mà chúng ta có một thế hệ cầu thủ tài năng mới, sau thời "thế hệ vàng". Đấy là những Văn Quyến, Quốc Vượng, Hữu Thắng, Thanh Phương...- lứa cầu thủ mà ông thầy người Áo Alfred Riedl đã hết lời khen ngợi.

Mục tiêu đặt ra dĩ nhiên phải là chiếc huy chương vàng, và mục tiêu ấy càng trở nên có cơ sở khi trong trận khai mạc các cầu thủ đã hoà Thái Lan 1-1 trong thế trận trên cơ rất nhiều. Gặp lại nhau ở chung kết, chưa bao giờ Thái Lan sợ Việt Nam đến thế.

Cầu thủ U.22 Việt Nam tập luyện chăm chỉ trên đất Malaysia.

Theo tiết lộ của ông Hoàng Vĩnh Giang, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 22 thì trong cuộc nói chuyện riêng với ông, những kịch bản xấu nhất đã được bóng đá Thái Lan đặt ra.

Nhưng oái ăm thay, trận chung kết ấy cầu thủ Việt Nam lại "ăn" thẻ đỏ, nên mặc dù "cậu bé vàng" Phạm Văn Quyến có bàn gỡ 1-1 ở những phút thi đấu chính thức cuối cùng thì việc thua ở hiệp phụ cũng là điều tất yếu xảy ra. Lần này thì rõ ràng bóng đá Việt Nam đã thua chính mình trước khi thua người Thái.

Nhưng cái tính chất "thua chính mình" lên đến cao trào cực điểm ở kỳ SEA Games năm 2005 tại Philippines - kỳ SEA Games mà chưa bước vào trận chung kết với Thái Lan, những người hiểu việc đã biết chắc là các cầu thủ chẳng còn tâm trạng nào mà thi đấu.

Lý dó là sau chiến thắng 1-0 trước Myanmar ở vòng đấu bảng, nội bộ Đội tuyển rộ lên chuyện có một nhóm 7 cầu thủ bán độ - cái chuyện khiến cho những nhà quản lý thì lo quáng quàng, còn các cầu thủ thì vừa sợ sệt vừa nghi kỵ lẫn nhau.

Sau này thì cả 7 cầu thủ bán độ với cái suy nghĩ rất ngây thơ là "bán mà đội vẫn thắng chứ có bán thua đâu" đều phải đứng trước vành móng ngựa. Trở lại với trận chung kêt thua tan nát Thái Lan 3 bàn, rõ ràng đấy là một thất bại đã được báo từ trước giờ bóng lăn.

Bốn năm sau, ở SEA Games 2009 trên đất Lào thì lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam vào chung kết mà không phải gặp "đối thủ kỵ giơ" Thái Lan. Lần này, đối thủ chỉ là Malaysia - đội bóng từng bị chúng ta đánh bại dễ dàng 3-1 ở vòng đấu bảng.

Trình độ hơn đối thủ, sân bãi khán giả cũng hơn đối thủ (vì đá ở sân vận động Quốc gia Lào thì chẳng khác gì đá trên sân nhà mình cả), nên ai cũng nghĩ lần này lịch sử chính thức được viết lại.

Thế nhưng, cái khoảnh khắc trung vệ Mai Xuân Hợp đá phản lưới nhà trong một tình huống gần như không có bất cứ phản xạ nào của thủ thành Bùi Tấn Trường đã đập tan tất cả.

Khoảnh khắc ấy, hàng triệu triệu con tim hâm mộ bóng đá Việt Nam chết lặng. Hết rồi! Hết thật rồi. Hết không phải vì đối thủ quá hay, cũng chẳng phải vì quá may, mà đơn giản vì chính bản thân mình đã không còn là mình nữa.

HLV trưởng Henrique Calisto sau trận đấu ấy đã giận các học trò tím mặt. Là một nhà chuyên môn giàu trải nghiệm, có lẽ ông không thể tin được đội bóng của mình lại thua theo cái kịch bản "cầu thủ đá phản lưới nhà" một cách tệ hại như vậy được.

Vậy là trong tổng cộng 5 lần vào chung kết SEA Games, có ít nhất 3 lần bóng đá Việt Nam tự thua chính mình. Phải nhấn đi nhấn lại là chúng ta đã thua chính mình trước khi hết thua Thái Lan lại đến Malaysia.

Bây giờ là một kỳ SEA Games mà bóng đá Việt Nam lại quyết tâm gặt huy chương vàng bằng mọi giá. So với những lứa cầu thủ dự SEA Games trước đây, lứa cầu thủ hiện nay có 3 lợi thế đặc biệt quan trọng.

Một, họ là một lứa cầu thủ lớn lên trong hoàn cảnh mới của nền bóng đá. Nòng cốt của lứa cầu thủ này là những cầu thủ được nuôi dưỡng ở học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG - nghĩa là những người được dạy dỗ, học hành một cách bài bản.

Thế nên họ trong sáng hơn và lành lặn hơn so với những lứa cầu thủ trước đây. Chỉ riêng việc ấy thôi đã giúp cho những hy vọng vào chiếc huy chương vàng có thêm rất nhiều cơ sở.

Hai, những cầu thủ nòng cốt đến từ Hoàng Anh Gia Lai đã được tập trận tới 3 mùa V.League . Điều ấy giúp cho kinh nghiệm, bản lĩnh trận mạc của họ già dặn hơn so với các cầu thủ đồng trang lứa của phần lớn các nước khác trong khu vực.

Mà không chỉ được "tập trận" ở V.League, nhiều người trong số này còn được cùng Đội tuyển Quốc gia đá rất nhiều các trận đấu quốc tế lớn nhỏ.

Ba, khoảng cách giữa U.22 Việt Nam với U.22 Thái Lan ở SEA Games này không lớn bằng khoảng cách giữa các Đội tuyển Việt Nam với các Đội tuyển Thái Lan ở các kỳ SEA Games trong quá khứ. Thời gian vừa qua, chính giới chuyên môn Thái Lan cũng tỏ ra lo lắng, hoài nghi cho Đội tuyển của mình.

Nếu chúng ta coi Thái Lan là đối trọng số 1 (mà quả đúng họ là đối trọng số 1) thì rõ ràng đấy là một lợi thế lớn mà hoàn cảnh lúc này giúp chúng ta có được. Nếu không thể tận dụng hoàn cảnh này để lên ngôi thì có lẽ giấc mơ vàng SEA Games sẽ còn phải kéo dài nhiều năm sau nữa.

Bên cạnh ba lợi thế nói trên, có lẽ điểm yếu lớn nhất của chúng ta chính là khả năng chịu áp lực và khả năng thể hiện đúng sức mình trong những thời khắc sống còn của một cuộc chơi.

Nhìn lại các trận chung kết bóng đá U.19 Đông Nam Á trước đây, những trận chung kết mà U.19 Việt Nam với nòng cốt là quân Hoàng Anh Gia Lai đều thất bại, có thể thấy vấn đề này không hề đơn giản.

Dĩ nhiên, HLV trưởng U.22 Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Hữu Thắng có khá nhiều biện pháp tâm lý hữu hiệu, và đấy là cơ sở để người ta tin rằng ông Thắng có thể giúp các học trò chiến thắng những điểm yếu lớn vừa chỉ ra.

Mong là sau 5 lần vào chung kết rồi lỗi hẹn, rốt cuộc bóng đá Việt Nam cũng có một lần thoả giấc mơ!

Đến sớm nhất và về muộn nhất?

Trong tổng cộng 11 đội bóng nam dự SEA Games năm nay, không tính chủ nhà Malaysia thì U.22 Việt Nam chính là đội bóng đá đến Kuala Lumpur sớm nhất. Đến sớm nên chúng ta có nhiều điều kiện để thích nghi với tình hình thời tiết, sân bãi Malaysia.

Có thể nói những gì tốt nhất có thể đều đã được VFF làm cho Đội tuyển. Hy vọng là chúng ta đến sớm nhất thì cũng về muộn nhất. Về sau trận chung kết, và đấy sẽ là một trận chung kết mà nhiều người hâm mộ nước nhà có thể hạnh phúc đến độ... vỡ tim?! 

Diệp Xưa
.
.
.