Ba bài toán khó trong việc chọn thầy cho Đội tuyển Việt Nam
- Góc nhìn của tôi: Bài học lớn từ Kiatisak
- Hữu Thắng, Hoàng Anh Tuấn, Juergen Gede đều là nạn nhân6
Từ chuyện tài chính
Cựu HLV trưởng đội tuyển, Nguyễn Hữu Thắng nhận mức lương khoảng 100 triệu đồng/tháng. Các thầy nội trước đó như Hoàng Văn Phúc, Phan Thanh Hùng nhiều lắm cũng chỉ nhận khoảng 200 triệu đồng/tháng. Nhưng với thầy ngoại gần nhất là Toshiya Miura, con số này vào khoảng 350 triệu đồng/tháng.
Còn nhớ, hồi cái tên "Miura" được công bố, nhiều người vặn Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: "Ở Nhật có nhiều HLV danh tiếng hơn hẳn Miura, tại sao không chọn?". Câu trả lời của ông Dũng: Thầy có danh tiếng thì ai chẳng thích, nhưng mức tài chính của VFF chỉ có thể đáp ứng được đòi hỏi của những HLV như Miura.
Câu hỏi đặt ra, các ứng cử viên hiện tại đang yêu cầu một mức lương như thế nào?
Theo thông tin của chúng tôi có tới gần 20 HLV đến từ cả châu Á lẫn châu Âu đã nộp hồ sơ ứng cử cho VFF. Trong số này cũng có những HLV đề nghị mức lương tương đương với Miura, nhưng đấy đều là những người hoặc vô danh, hoặc chỉ cách đây vài năm đã từng thất bại thảm hại với các nền bóng đá khác tại khu vực Đông Nam Á.
Ngược lại, những HLV có tên tuổi đều yêu cầu một mức lương gấp đôi mức lương Miura, vào khoảng 800 triệu đồng/tháng. Và có thể kết luận ngay với khả năng tài chính của VFF cùng sự hỗ trợ của Tổng cục Thể dục Thể thao thì mức lương này là... vượt khả năng cho phép. Hiện tại VFF chỉ có thể đáp ứng một mức lương vào khoảng 400 triệu đồng/tháng. Muốn đáp ứng mức lương cao hơn, VFF buộc phải kêu gọi tài trợ từ các đối tác kinh doanh của mình.
Tổng Thư ký Lê Hoài Anh cho biết, việc kêu gọi tài trợ phải đảm bảo điều kiện các đơn vị tài trợ không đòi hỏi những yêu cầu về quảng cáo, thương mại nào. Thực tế, có những đơn vị sẵn sàng tài trợ theo cái tiêu chí mà ông Lê Hoài Anh mong muốn hay không? Câu trả lời là có, và đấy phần lớn sẽ là các doanh nghiệp lớn đứng đằng sau các đội bóng lớn tại sân chơi V.League. Nếu VFF gõ cửa các doanh nghiệp này, việc được tài trợ từ 200 đến 400 triệu đồng/tháng để trả lương thầy ngoại là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay.
Nhưng hãy thử tưởng tượng, nếu VFF nhận tiền tài trợ của những doanh nghiệp này thì sau đó họ có thể ứng xử một cách trong sáng, sòng phẳng với các đội bóng của các doanh nghiệp này ở sân chơi V.League nữa không? Trước đây đã từng có những nghi vấn về việc một CLB ở V.League hỗ trợ một phần lương tháng cho thuyền trưởng Đội tuyển Quốc gia, và chính vì điều này mà VFF sau đó có những biểu hiện lăn tăn, ngại ngần khi xử trí những vấn đề liên quan tới đội bóng này, trong những cuộc chơi do mình tổ chức (?)
Chính vì vậy tiền tài trợ đến từ nguồn nào? Và nguồn ấy có khiến cái tâm thế quản lý VFF tới đời sống bóng đá bị tác động một cách tiêu cực hay không? Đấy là điều cần phải trả lời rạch ròi và phân tích một cách thấu đáo. Đúng là thầy ngoại giỏi bao giờ cũng gắn liền với đòi hỏi lớn về mặt tài chính, nhưng vì những khó khăn tài chính mà lại sẵn sàng nhận tiền tài trợ từ các CLB hoặc các tổ chức thành viên của mình thì cẩn thận đồng tiền ấy lại được chỗ này mà hỏng chỗ kia.
Mong là VFF sẽ tìm được những nhà tài trợ có tâm huyết thực sự để giải quyết thành công vấn đề lương/thưởng cho tân HLV trưởng Đội tuyển Quốc gia, nhưng cũng mong là VFF cũng không để những đồng tiền ấy trói buộc mình. Mặc dù rất thiếu tiền và rất cần tiền, nhưng không thể đẩy mình vào cảnh "há miệng mắc quai".
Cựu HLV Nguyễn Hữu Thắng là sản phẩm của bầu Đức... |
Đến chuyện đường đi lối về
Trong số những ứng cử viên cho chiếc ghế thuyền trưởng ĐTVN lúc này, người ta thấy xuất hiện cái tên quen thuộc: Kiatisak. Mới đây, sau hàng loạt trận đấu không như ý, Kiatisak đã chủ động từ chức HLV trưởng ở một CLB tại giải vô địch quốc gia Thái Lan. Như thế có nghĩa Kiatisak đang hết sức rảnh rang.
Trước đây, Kiatisak đã từng làm cầu thủ và cả HLV trưởng CLB Hoàng Anh Gia Lai. Anh hiểu bóng đá Việt Nam và văn hoá Việt Nam tới mức đã từng nhiều lần ôm đàn guitar hát những bài hát tiếng Việt một cách rành rọt. Nếu VFF cần một HLV nước ngoài hiểu bóng đá Việt Nam và có khả năng sống chung, hoà nhập với văn hoá Việt Nam thì Kiatisak là một cái tên phù hợp hơn ai hết. Thêm một thuận lợi nữa là với sự tác động của ông chủ Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức, Kiatisak có thể sang Việt Nam làm việc một cách dễ dàng.
Trong số các ứng cử viên cho chiếc ghế thuyền trưởng Đội tuyển Việt Nam hiện nay còn có cựu HLV trưởng Đội tuyển Olympic Nhật Bản, Takashi Sekizuka. Ngoại trừ Đội tuyển Olympic, ông Takashi còn dẫn dắt nhiều CLB nổi tiếng khác tại J.League. Và điều đáng nói là hiện nay ông Takshi cũng đang là cố vấn bóng đá cho CLB Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức. Do vậy nhiều người suy đoán rằng qua bầu Đức, VFF có thể sẽ đặt lời mời chính thức với HLV này.
Tuy nhiên, nếu chọn Kiatisak hay Takshi, có thể VFF sẽ lại phụ thuộc thái quá vào một ông bầu, mà mất đi cái vị thế tự chủ cần có ở mình. Nên nhớ chính bầu Đức cũng là người đưa cựu HLV Nguyễn Hữu Thắng lên Đội tuyển, và kể từ lúc bầu Đức "OK" Hữu Thắng thì cả một vòng tròn khép kín giữa 2 nhân vật này đã được tạo ra, khiến cho mọi sự góp ý, phản biện từ bên ngoài đều khó được chấp nhận.
Dưới sự định hướng của bầu Đức, HLV Hữu Thắng buộc phải xây dựng một lối chơi mang tính cống hiến cao ở cả Đội tuyển U.22 lẫn Đội tuyển Quốc gia, dù đấy chưa bao giờ là sở trường của HLV này. Và trong suốt 2 năm HLV Hữu Thắng cầm quân, ai cũng thấy là quân Hoàng Anh Gia Lai tràn ngập Đội tuyển. Công Phượng - ngôi sao số 1 của Hoàng Anh luôn được ưu tiên "book" sẵn một vị trí trên hàng tiền đạo.
Trước thềm SEA Games 29, khi dư luận đề nghị nên bổ sung Giám đốc Kĩ thuật Jurgen Gede vào ban huấn luyện Đội tuyển U.22 để làm nhiệm vụ tư vấn chuyên môn cho HLV Hữu Thắng thì ý kiến này cũng không được tiếp nhận. Ông Jurgen Gede sau đó vẫn sang Malaysia dự SEA Games, nhưng công việc của ông đơn thuần chỉ là đi quan sát các đối thủ mà chúng ta có thể sẽ phải gặp ở vòng bán kết.
Thực tế là trước trận cuối cùng của U.22 Việt Nam với U.22 Thái Lan ở vòng bảng SEA Games, ông Gede cũng đã phân tích cho HLV Hữu Thắng về những điểm mạnh, yêu của Malaysia và Myanmar - những đối thủ dự kiến ở vòng bán kết. Nhưng rồi ai cũng biết, sau trận thua Thái Lan 0-3, chúng ta buộc phải rời SEA Games, và những phân tích này trở nên vô nghĩa.
Sau thất bại tại SEA Games, khi Hội đồng HLV Quốc gia với ông Chủ tịch Nguyễn Sĩ Hiển chỉ ra nguyên nhân thất bại nằm ở HLV Hữu Thắng thì bầu Đức phản pháo mạnh mẽ tới mức đòi giải tán luôn Hội đồng HLV Quốc gia. Bầu Đức vẫn tiếp tục bênh vực HLV Hữu Thắng hết lời.
Có thể thấy trong suốt quá trình HLV Hữu Thắng cầm quân tới khi thất bại và từ chức thì HLV này luôn nhận được một sự đảm bảo tối cao từ bầu Đức. Và sự đảm bảo cá nhân ấy khiến cho mọi góp ý, phản biện chuyên môn từ các bộ phận khác ở VFF đều khó diễn ra và được tiếp thu hiệu quả. Và đương nhiên VFF không muốn cái hành trình này lặp lại, do vậy việc nhờ bầu Đức đưa Kiatisak lên Tuyển rất khó diễn ra.
... Và nếu VFF chọn Kiatisak thì đấy sẽ tiếp tục là sản phẩm của bầu Đức. |
Phong cách là phong cách nào?
Bên cạnh hai vấn đề trên đây, một vấn đề đặc biệt quan trọng trước khi chọn thầy ngoại là VFF cần phải định hình một cách rõ ràng, độc lập xem rốt cuộc Đội tuyển Quốc gia nói riêng và các Đội tuyển U nói chung rồi sẽ thi đấu theo một phong cách bóng đá nào? Trước đây U.18, U.19, U.20 được "khoán" cho HLV Hoàng Anh Tuấn, nhưng ông Tuấn đã chính thức chia tay VFF để về làm việc ở Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ PVF.
Dưới thời ông Tuấn, các đội tuyển này chơi một thứ bóng đá quyết liệt, mạnh mẽ, vậy sau thời ông Tuấn thứ bóng đá này còn được gìn giữ và phát triển hay không? Với đội U.22 và Đội tuyển Quốc gia cũng thế, cái phong cách tấn công kĩ thuật mà cựu HLV Hữu Thắng đã xây dựng suốt 2 năm qua giờ phải được "xử lý" như thế nào?
Cần nhắc đi nhắc lại rằng VFF đang có Giám đốc Kĩ thuật Jurgen Gede, và ông Gede sẽ phải phối hợp với Hội đồng HLV Quốc gia để chính thức xây dựng một phong cách chơi bóng độc lập, xuyên suốt, mang tính thống nhất cao.
Phải làm xong, và làm tốt điều này thì sau đó việc chọn thầy cho đội tuyển mới có thể diễn ra hiệu quả.
Thầy châu Á, châu Âu đủ cả Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết tính đến thời điểm này, thông qua nhiều kênh, nhiều nguồn giới thiệu khác nhau, VFF đang nắm trong tay tới trên 20 bộ hồ sơ của các HLV nước ngoài. Trong số này có những bộ hồ sơ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng đa phần đều đến từ châu Âu. Nhìn lại lịch sử các đời thầy ngoại của Đội tuyển Việt Nam, VFF nhận thấy thành công chủ yếu và lớn nhất vẫn đến từ những ông thầy châu Âu, đặc biệt là những ông thầy có tính cách dễ hoà nhập giống như cựu HLV Henrique Calisto. Do vậy phương án chọn thầy châu Âu vẫn đang được ưu tiên hơn cả. |