Từ câu chuyện Oezil giã từ ĐT Đức: Thế giới chưa bao giờ phẳng, dù ở trong bóng đá

Thứ Bảy, 28/07/2018, 16:02
Suốt World Cup 2018, FIFA luôn giương cao khẩu hiệu chống kỳ thị, phân biệt chủng tộc ở mỗi trận đấu. Nhưng mọi nỗ lực đó nhanh chóng sụp đổ ngay sau khi World Cup kết thúc.


Mesut Oezil đã tuyên bố từ bỏ đội tuyển Đức sau khi đăng tâm thư dài 4 trang chia sẻ về việc anh bị chính LĐBĐ Đức hắt hủi, kỳ thị vì nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Câu chuyện của Oezil cho thấy thế giới chưa bao giờ phẳng và đồng nhất, dù ở trong bóng đá.

Từ người hùng thành tội đồ ĐT Đức

Năm 2010, Mesut Oezil khiến bóng đá thế giới phải ngỡ ngàng với màn trình diễn ấn tượng ở kỳ World Cup trên đất Nam Phi. Chơi ở vị trí tiền vệ tấn công, Oezil nhanh chóng thể hiện anh là một trong những số 10 hay nhất thế giới. Sau kỳ World Cup đó, Oezil nhanh chóng đầu quân cho Real Madrid.

Oezil đã tuyên bố từ giã ĐT Đức.

4 năm sau, ở tuổi 26, Oezil tiếp tục là nhân tố chính trong đội hình đội tuyển Đức. Lần này, Đức đã đổi màu tấm huy chương từ đồng thành vàng. Chức vô địch thế giới sau 24 năm biến Oezil trở thành người hùng của đội tuyển và dân tộc. Oezil thậm chí còn được Thủ tướng Angela Merkel chọn làm biểu tượng cho hình ảnh hòa hợp giữa người nhập cư và người bản xứ.

Nhưng mọi thứ nhanh chóng thay đổi hoàn toàn trong thời điểm diễn ra World Cup 2018. Oezil trở thành cầu thủ duy nhất bị chỉ trích vì thất bại của đội tuyển. Không chỉ có các quan chức của LĐBĐ Đức, ngay cả những cựu danh thủ đội tuyển Đức cũng lên án Oezil gay gắt. Huyền thoại Lothar Matthaus chỉ trích Oezil thi đấu hời hợt, thiếu cống hiến cho đội tuyển quốc gia.

Một trong những dẫn chứng họ đưa ra là tình huống Oezil không theo sát Hirving Lozano ở trận đầu vòng bảng, khiến cầu thủ này sút tung lưới Neuer. Trận thua đó gián tiếp khiến Đức phải rời World Cup. Nhưng trên thực tế, Oezil ở World Cup 2018 vẫn thi đấu rất xuất sắc.

Trong 2 trận được ra sân, Oezil di chuyển trung bình hơn 10km mỗi trận, thuộc tốp những cầu thủ chạy nhiều nhất. Oezil chuyền bóng chính xác 146 lần, đạt tỷ lệ 87%. Con số này đặc biệt ấn tượng với một cầu thủ có xu hướng chuyền bóng lên tuyến trên. Anh tạo ra 8 cơ hội ghi bàn, nhưng các đồng đội đều dứt điểm không thành công. Nhưng dù vậy, anh vẫn bị chỉ trích.

Câu chuyện hậu World Cup với Oezil tồi tệ tới mức anh công khai đăng bản tâm thư dài 4 trang lên mạng xã hội để nói về những cáo buộc vô lý anh phải chịu. "Tôi là người có 2 trái tim trong Tổ quốc, và mẹ tôi luôn dạy bảo mình phải nhớ về quê hương, nguồn gốc tổ tiên", Oezil chia sẻ. "Kỹ thuật và cảm giác bóng tôi có được nhờ gốc gác Thổ Nhĩ Kỳ. Còn ở Đức, tôi được dạy về kỷ luật và tinh thần cống hiến".

Oezil chịu mọi tội lỗi bởi trong đội hình xuất phát, anh là cầu thủ duy nhất có 100% nguồn gốc không phải người Đức thực thụ. Khi Oezil thành công, anh được tung hô như một người Đức thực thụ.

Còn lúc thất bại, anh bị chỉ trích là một kẻ gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Từ Oezil, câu chuyện về những đứa trẻ nhập cư bị dân bản xứ kỳ thị được đào xới lại. Phần lớn bọn trẻ cùng gia đình sống nghèo khổ, và bị kỳ thị chủng tộc.

Bóng đá đa sắc tộc - một thế giới chưa bao giờ phẳng

2 kỳ World Cup gần nhất, đội lên ngôi vô địch đều mang hình ảnh của một đội tuyển đa sắc tộc, đa văn hóa. Đức sở hữu Miroslav Klose - một người gốc Ba Lan, Mesut Oezil - gốc Thổ Nhĩ Kỳ, Mario Gomez - gốc Tây Ban Nha, Jerome Boateng - gốc Ghana. Pháp cũng lên ngôi vô địch trên đất Nga với quá nửa đội hình là những cầu thủ gốc Phi: Umtiti, Pogba, Mbappe, Dembele, Kante, Matuidi, Mendy, Lemar...

Oezil được tung hô khi ĐT Đức vô địch World Cup, nhưng gánh chịu mọi chỉ trích khi thất bại.

Nhìn rộng ra toàn châu Âu, ta có thể thấy bóng đá đa sắc tộc là xu hướng chung tại các đội tuyển lớn. Anh có Sterling, Rashford là hậu duệ của những người nhập cư gốc Trung Mỹ. Danny Welbeck có bố mẹ người gốc Ghana.

Bỉ có Kompany, Lukaku, Fellaini, Boyata, Witsel, Dembele, Chadli là những cầu thủ gốc Phi. Ngay cả Tây Ban Nha cũng phải trọng dụng một tiền đạo gốc Brazil là Diego Costa (trước đây họ có Marcos Senna).

Nhưng những cầu thủ nhập cư này được đối xử thế nào tại chính những đội tuyển họ khoác áo? Oezil không phải trường hợp duy nhất được tung hô rồi bị dìm xuống bùn mỗi khi gặp thất bại.

Cuộc nổi loạn của đội tuyển Pháp ở World Cup 2010, Anelka và Evra nhận án phạt nặng, và họ đều là những cầu thủ gốc Phi. Franck Ribery cũng chung số phận, vì anh là người Pháp gốc nhưng lại cải sang đạo Hồi khi lập gia đình. Ribery giờ đây chọn sống ở Đức thay vì trở lại Pháp.

Lukaku cũng từng nói trong ký ức của anh về những ngày thơ ấu, Lukaku thường xuyên bị nghi ngờ gian lận tuổi. Tất cả vì Lukaku là người gốc Phi, và anh cao lớn bất thường so với những người bạn cùng trang lứa. Lukaku ấm ức đến mức sau này mỗi lần đi đá bóng, anh và gia đình đều phải mang giấy khai sinh ra làm bằng chứng. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với Lee Nguyễn những ngày còn nhỏ ở Mỹ.

Lilian Thuram, người hùng mang về chức vô địch World Cup 1998 cho Pháp chia sẻ: "Chúng tôi chưa bao giờ được quan tâm hay để ý tới cho đến chiến công ở World Cup". Bóng đá Pháp cũng giống như Đức, những người hùng nhập cư của họ được ca tụng dưới danh nghĩa người bản xứ. Còn khi thất bại, nguồn gốc của họ lại bị đem ra chỉ trích.

Tương lai nào cho thế giới bóng đá đa sắc tộc?

Châu Âu vẫn luôn là miền đất hứa với những người nhập cư. Mức thu nhập cao cùng chế độ an sinh xã hội tốt khiến hàng triệu người gốc Phi, người Trung Đông đến châu Âu mỗi năm. Làn sóng này vẫn sẽ tiếp diễn trong nhiều năm tới, trong bối cảnh dân số châu Âu già hóa và thiếu hụt lao động trầm trọng.

Những người nhập cư mang theo cơ hội, nhưng dân bản xứ chỉ nhìn vào mặt tiêu cực họ gây ra: tệ nạn, thất nghiệp, tội phạm... rồi coi người nhập cư như một gánh nặng của đất nước. Sự thực thì những quốc gia như Đức, Pháp, Bỉ, Anh vẫn sẽ cần người nhập cư trong nhiều năm nữa. Họ có thể mang tới những vấn đề, nhưng không thể phủ nhận giá trị họ mang lại: Nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ, cân bằng dân số...

Người nhập cư đến châu Âu, họ coi miền đất mới là nơi để họ sinh sống, cống hiến. Nhưng điều đó không có nghĩa họ phải quên đi nguồn gốc nơi mình sinh ra. Xherdan Shaqiri và Granit Xhaka ở kỳ World Cup vừa rồi chấp nhận bị phạt để làm biểu tượng cố hương Albania của họ, như một cách thể hiện tình yêu với quê hương. Benjamin Mendy, thành viên ĐT Pháp vô địch World Cup không hề chối bỏ gốc gác Bờ Biển Ngà của mình.

Oezil vẫn sẽ là nhân tố quan trọng của Arsenal ở mùa giải tới.

Với lý do đó, châu Âu vẫn sẽ là mảnh đất đa sắc tộc trong tương lai. Những đội tuyển quốc gia tại đây cũng vậy. Người dân bản xứ thay vì kỳ thị và chỉ trích những người nhập cư, họ nên cởi mở tấm lòng và coi người nhập cư như anh em một nhà, giống cách Thủ tướng Đức Angela Merkel chào mừng người tị nạn Syria đến Đức 2 năm trước.

Arsenal là mái nhà bình yên duy nhất cho Oezil trở về

Sau tuyên bố từ giã đội tuyển Đức ở tuổi 29, Oezil gần như cho thấy anh không muốn trở về Đức thi đấu nữa. Ngay cả quyết định sinh sống tại Đức sau khi giải nghệ cũng trở thành khả năng khó xảy ra. Oezil phải chịu quá nhiều chỉ trích từ truyền thông Đức sau thất bại của đội tuyển, và anh thậm chí đăng tâm thư bằng tiếng Anh thay vì tiếng Đức để nhận đồng cảm từ người hâm mộ.

Không còn đường trở về Đức, Oezil vẫn có một nơi để gọi là nhà: Arsenal. Đội bóng thành London là nơi Oezil thi đấu 5 mùa giải qua. Tại đây, anh là thành viên chủ chốt của CLB, thuộc tốp những cầu thủ hưởng lương cao nhất. Bù lại, Oezil cũng là chân chuyền số một tại Arsenal trong thời gian anh thi đấu, góp phần giúp người hâm mộ quên đi hình ảnh Cesc Fabregas.

Dù người đưa Oezil về Arsenal - Arsene Wenger - đã từ giã CLB sau khi mùa giải trước kết thúc, nhưng vị trí của anh tại CLB vẫn được đảm bảo. Trong phát biểu mới nhất, tân HLV Unai Emery khẳng định Arsenal vẫn sẽ là nhà để Oezil trở về. Ở Arsenal, sẽ không có hành vi phân biệt chủng tộc hay thiếu tôn trọng với Oezil, vì anh là một phần không thể thiếu của đội bóng.

"Chúng tôi sẽ giúp đỡ cậu ấy, giúp cậu ấy cảm thấy vui lòng tại Arsenal, để Oezil có thể chơi bóng với phong độ cao nhất", Emery nói. "Mesut được tôn trọng ở mọi đội bóng cậu ấy thi đấu. Tất cả chúng tôi đều muốn Mesut được cảm thấy như ở nhà, như một gia đình tại Arsenal".

Các cầu thủ và ban huấn luyện Arsenal những ngày qua đã ra sức bảo vệ Oezil. Bản thân tiền vệ ĐT Đức cho biết anh đã phải nhận nhiều lời đe dọa thời gian gần đây, đặc biệt sau tấm hình chụp cùng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

"Tôi chắc chắn Mesut sẽ chơi tốt ở mùa bóng tới. Cậu ấy có kinh nghiệm, đẳng cấp cao và tâm lý thi đấu vô cùng vững vàng", Emery khẳng định. Nếu đúng như lời Emery nói, Oezil vẫn sẽ là hạt nhân đưa đội bóng đến thành công như những mùa giải trước đó.

Đơn Ca
.
.
.