Gặp người chỉ huy Đội biệt động cánh Đông Nam Sài Gòn - Gia Định trước ngày giải phóng
Nhiều người dân thành phố mang tên Bác vẫn nhớ cái tên “Chín Thức”, “Chín Trí”, tức Đại tá Trần Xuân Trí - người chỉ huy Đội biệt động cánh Đông Nam Sài Gòn – Gia Định trước ngày 30/4/1975.
Trong 12 năm, dũng cảm, mưu trí, ông đã cùng đồng đội trải qua 400 trận đánh lớn, nhỏ, thu nhiều vũ khí, phá vỡ nhiều kế hoạch hành quân của địch. Điều khiến nhiều người quý trọng ông chính là đức tính thuỷ chung, trọn tình, vẹn nghĩa với đồng chí, đồng đội, đặc biệt là với nhân dân. Trước ngày về hưu, ông từng là Phó Chỉ huy Cảnh sát gắn với nhiều thành tích ấn tượng của Công an TP Hồ Chí Minh.
Đi phải tới, đánh phải thắng
Mùa mưa 1965, từ Tiểu đoàn Quyết thắng – đơn vị chủ lực của Quân khu Sài Gòn – Gia Định, Chín Trí được điều về làm Đội trưởng Đội biệt động cánh Đông Nam Sài Gòn – Gia Định (Thủ Đức – Nhà Bè). Chỉ sau một thời gian ngắn, ông đã tìm chọn được hơn 30 đồng chí, triển khai nhiều phương án đánh giặc hiệu quả nhất.
Trận đánh vào Hãng thầu ERMH - căn cứ hậu cần của Mỹ ở Thủ Đức, tiêu diệt 50 xe GMC, diệt, bắt sống nhiều tên (trong đó có thiếu tướng, em vợ Tổng thống Nixon), Chín Trí cho biết ông đã vận dụng thành công phương án cải trang với quần áo, giày mũ y như “biệt động quân” thật, thần tốc xộc vào mục tiêu, nổ súng. Với lối đánh sáng tạo này, chỉ mấy ngày sau, một tốp bọn biệt động quân “Cọp đen” vừa ăn sáng xong tại chợ Thủ Đức, đang leo lên xe GMC trở về nơi đóng quân đã phải trả nợ máu với nhân dân.
Trận tấn công vào căn cứ tiểu đoàn địch tại trại Yết Kiêu (chợ Thủ Đức) mang danh “Trâu điên” đêm 18, rạng 19/5/1966 cũng thế. Hơn trăm tên địch chẳng kịp trở tay khi toán“thuỷ quân lục chiến” do Chín Trí chỉ huy bỗng xuất hiện, cho DH10 phá rào cản, dùng thủ pháo tấn công chớp nhoáng. Hãng tin BBC và báo chí Sài Gòn bấy giờ hoảng loạn đưa tin trước vụ này.
Đội biệt động cánh Đông Nam luôn “xuất quỷ, nhập thần” gây nỗi ám ảnh khiếp vía cho địch khi chúng tiến hành những trận hành quân, càn quét dưới sông rạch. Ở sông Vàm Xuồng, chỉ huy đoàn thực hiện chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông”, một thiếu tá người Mỹ đã bị Chín Trí hạ gục; 2 phương tiện tàu xung kích bị đánh chìm, 50 tên Mỹ bị tiêu diệt…
Trên kênh Mù U ngày mùng 7 Tết năm 1966, 6 lần vượt kênh thì cả 6 lần địch bị Đội của Chín Trí đánh lật. Tốp còn sống sót hoảng hồn, cuống cuồng lên trực thăng UH1 tháo chạy. Tưởng đã thoát nhưng chúng chẳng ngờ, lần lượt 5 chiếc trực thăng đã trúng đạn, bốc cháy từ 3 khẩu B40 và 7 khẩu AK của Đội biệt động, hàng mấy chục tên địch phơi xác.
Hơn chục năm chiến đấu tại miền Đông Nam bộ và vùng ven đô Sài Gòn – Gia Định, Chín Trí trực tiếp tham gia khoảng 400 trận đánh lớn nhỏ. Trận Tết Mậu Thân, ông tham gia cánh quân đánh chiếm cầu Sài Gòn. Chiến đấu quyết liệt từ lúc giao thừa, đến sáng mùng 1 Tết, địch phản công, ông bị thương. Máu chảy nhiều, nhưng ông vẫn chỉ huy anh em xông lên và trực tiếp bắt sống 2 tù binh ẩn nấp vào đình An Phú.
Điều khiến Chín Trí và đồng đội không sợ nguy khó, hy sinh chính là niềm tin chiến thắng ở phía trước. “Nếu niềm tin đó không đủ mạnh, tôi và đồng đội không thể vượt qua được những ngày tháng khốc liệt”, ông bộc bạch. Những lúc phải ở sâu trong rừng già, xa dân để làm nhiệm vụ bí mật, đói khát triền miên; rau tàu bay, môn thục, gùi, củ mài, củ chụp… với ông là món ăn quen thuộc. “Người dân tin Cách mạng, mình trực tiếp cầm súng thì càng vững tin vào ngày toàn thắng”, Chín Trí chia sẻ. Cũng chính niềm tin ấy mà sau trận Tết Mậu Thân, dù vết thương làm hỏng vĩnh viễn một mắt nhưng ông vẫn cùng đồng đội liên tiếp lập công. Và cho đến ngày ra miền Bắc chữa bệnh, sau đó tham gia đoàn đi nhiều nước Đông Âu (cũ) tuyên truyền chiến thắng chống Mỹ cứu nước, ông vẫn kiên cường vừa chiến đấu, vừa làm tốt vai trò Bí thư liên quận 9 – Thủ Đức.
Với Đội biệt động cánh Đông Nam, chỉ trong 3 năm hoạt động, đã được tặng thưởng 17 huân, huy chương các loại. Riêng Chín Trí, thời gian bám trụ ở vùng bưng Sáu Xã, ông tiếp tục được tặng nhiều huân, huy chương, danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe tăng, Dũng sĩ diệt máy bay…
Trọn nghĩa, vẹn tình
Hôm chúng tôi đếnnhà ở vùng quê thuộc ấp Tam Tân, xã Tân An Hội, huyện ngoại thành Củ Chi thăm Chín Trí ông cũng vừa làm xong việc quen thuộc mỗi buổi sáng, đó là thắp mấy nén nhang thơm cho đồng đội tại miếu thờ nằm dưới tán gừa, sát kênh Thầy Cai trước nhà. Khi kể về những trận đánh, đặc biệt là nhắc tới nhiều đồng đội đã anh dũng ngã xuống, có những người đến giờ chưa tìm được hài cốt, kể về những chú, những anh, đặc biệt là những người dân đã cưu mang, bao bọc, giúp đỡ mình… giọng ông xốn xang.
Ông kể, năm 1998, lần về tận nơi này thăm ông, chú Chín Dũng ngồi ôn lại những ngày gian nan ở mật khu, rồi ông động viên, dùng bữa cơm thân mật với rau kèo, đọt choạy cùng gia đình người lính bảo vệ năm xưa. “Lúc chú Chín Dũng là Bí Thư Khu uỷ Sài Gòn – Gia Định, tôi còn là tân binh của Trung đội 603, đóng quân ở Củ Chi này. Để bảo vệ an toàn Khu uỷ, Quân khu bộ và lãnh đạo, chúng tôi bám sát từng con đường mòn, từng khu rừng, củng cố hầm hố, đào địa đạo, nhiều lần mở đường máu vừa đánh địch. Một lần tại căn cứ xã Phú Mỹ Hưng, khi chúng tôi vừa đưa chú Chín Dũng vào hầm thì đạn địch trên xe tăng bắn ngay chỗ chú vừa ngồi”, Chín Trí bồi hồi.
Càng nghe Chín Trí kể chuyện xưa, chuyện nay, chúng tôi càng cảm nhận ở ông - người Đội trưởng Đội biệt động năm nào một tinh thần trách nhiệm, trọn nghĩa, vẹn tình rất quý báu. Khi chúng tôi xin một lời khuyên, giọng ông ấm áp, và trìu mến như với con cháu trong nhà: “Trong thời bình, bản thân dù ở cấp bậc nào, chức vụ nào cũng phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện. Nên nhớ, chiến thắng chính bản thân mình là điều khó nhất. Phải hiểu biết, quý trọng lịch sử vẻ vang của dân tộc để mà cùng phấn đấu, giữ gìn. Với nhân dân, mình luôn phải kính trọng. Đi tới đâu, dân thương, đi tới đâu dân nhắc, đi tới đâu dân nuôi, dân ủng hộ… thì làm cái gì cũng thắng hết…”.
Trong mảnh vườn rợp mát bóng cây, thoang thoảng mùi hoa ngọc lan, Chín Trí kể, sau thời gian làm Phó Chính uỷ Trung đoàn 7B bảo vệ Sài Gòn mới giải phóng, năm 1976, ông được chuyển sang Công an TP Hồ Chí Minh, lần lượt đảm nhận nhiều cương vị, trong đó có Trưởng ban Thanh tra, Chỉ huy phó Cảnh sát, Trưởng Công an huyện Bình Chánh… Thành tích ấn tượng của ông giai đoạn này là phá chuyên án buôn lậu thuốc lá ngoại quy mô từ biên giới Việt Nam – Campuchia về thành phố. Chính yếu tố bí mật, bất ngờ, cộng với tinh thần cương quyết, khôn khéo… của người Đội trưởng biệt động năm xưa mà trên 300 đối tượng buôn lậu bị bắt cùng phương tiện, tang vật.
Hơn 20 năm qua, kể từ ngày về hưu, sống thanh tao tại đồng bưng Tam Tân này, Chín Trí đã tích cực vận động xây dựng mới, sửa chữa hàng trăm căn nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; tìm xin nhiều suất học bổng, tập sách cho các cháu học sinh. Không chờ đến ngày lễ, Tết, ông vẫn thường xuyên tìm đến thăm hỏi các Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người dân đã cưu mang ông và đồng đội một thời.