Báo động tai nạn đuối nước trẻ em trong dịp hè

Thứ Bảy, 14/05/2022, 07:48

Nhiều vụ trẻ đuối nước thương tâm tại các địa phương thời gian gần đây là vấn đề cần báo động tới các cơ quan chức năng cũng như gia đình. Đặc biệt là khi kỳ nghỉ hè đang đến gần…

Những vụ tai nạn đau lòng

Thông tin từ Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An cho biết: Từ tháng 1/2022 đến ngày 30/4/2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 vụ đuối nước khiến 14 trẻ nhỏ tử vong. Đáng báo động là chỉ trong 5 ngày từ 25/4 đến 30/4, trên địa bàn liên tiếp xảy ra 4 vụ đuối nước khiến 8 thanh thiếu niên tử vong, trong đó có 7 em học sinh.

Vụ đuối nước gần nhất xảy ra ngày ngày 30/4, nam sinh N.V.T, 17 tuổi, quê xã Minh Thành, Yên Thành không may bị sảy chân xuống sông Đào, đoạn qua xã Đại Thành, huyện Yên Thành mất tích. Sau khi phát hiện sự việc, UBND xã Minh Thành đã phối hợp với lực lượng cứu hộ gồm Công an huyện và dân quân tự vệ xã đã tham gia tìm kiếm và tìm thấy thi thể nạn nhân đuối nước lúc 6h ngày 2/5.

Cũng trong dịp nghỉ lễ, ngày 29/4, 5 học sinh Trường THCS Tân An huyện Tân Kỳ, Nghệ An rủ nhau đi chơi ở khe Sanh, nơi giáp ranh giữa 2 xã Nghĩa Phúc và Tân An. Trước khi tắm, các em có bày hoa quả, bánh trái trên bờ để sau khi tắm xong lên ăn. Cháu Đ.T.P (SN 2008) nhảy xuống tắm nhưng không may chìm dần. Thấy vậy, cháu H.S.T (SN 2007) lao xuống cứu bạn nhưng không thành. Thấy hai bạn đuối nước, bạn gái còn lại hốt hoảng gọi người đến cứu. Nghe tiếng kêu cứu, người dân làm việc quanh đó đã vội vàng nhảy xuống đưa được hai cháu vào bờ, Nhưng rất tiếc hai cháu đã tử vong trước khi được phát hiện.

Còn tại Đắk Lắk, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng nhưng trên địa bàn tỉnh đã liên tiếp xảy ra hàng chục vụ đuối nước thương tâm ở trẻ em.

Anh Nguyễn Văn Tường (trú tại xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) không thể tả hết nỗi đau khi cả 3 người con trai của anh đều bị đuối nước thương tâm. Chiều ngày 7/5, ba cậu con trai của anh (một cháu học lớp 6, một cháu học lớp 4 và một cháu học lớp 3) sau khi theo cha lên rẫy, 3 cháu xin sang ao nhà hàng xóm để câu cá và xảy ra tai nạn. Cuộc sống vất vả mưu sinh, vợ chồng anh Tường hằng ngày ngoài việc phải lo nương rẫy thì phải trông nom 5 đứa con còn nhỏ.

Biết tính các con hiếu động, bình thường anh chị không rời con nửa bước nhưng hôm đó, anh mải miết với công việc nên khi trời chạng vạng tối nhưng không thấy tiếng các con nô đùa như mọi khi nên vội cất tiếng gọi. Sau những tiếng gọi không thấy các con trả lời, anh hoảng hốt đi tìm và ngã quỵ khi thấy 3 cậu con trai nằm bất động dưới hồ nước gần đó.

Cùng chung nỗi đau mất đi 2 người con trong một vụ đuối nước, chị N.T.H. (trú tại xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột) giường như đứt từng khúc ruột khi kể lại với chúng tôi buổi chiều định mệnh ấy. Đó là vào khoảng 13h30 ngày 1/5, đứa con gái út N.H. đang học lớp 3 và người chị T.Q.A.T. học lớp 5 xin phép gia đình đi chơi cùng nhau. Tuy nhiên, đến khoảng 15h cùng ngày, không thấy hai con đâu nên gia đình đi tìm thì phát hiện cả hai con đã tử vong dưới hồ nước gần nhà.

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa nắng nóng là trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên lại liên tiếp xảy ra tình trạng trẻ em đuối nước. Hầu hết các vụ tai nạn đều xuất phát từ việc trẻ đến gần các khu vực ao, hồ, đập, sông, suối mà không có sự quản lý của người lớn. Bên cạnh đó, do đời sống khó khăn, cha mẹ phải lên rẫy mưu sinh, có khi để con ở nhà một mình hoặc phải mang con theo cùng lên rẫy. Bố mẹ chủ quan, con lại thoải mái rong chơi mà không có ai quản lý nên những mất mát đau lòng lại xảy ra.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Đắk Lắk, trong 2 năm 2020 và 2021, trên địa bàn 102 vụ đuối nước khiến 121 trẻ tử vong. Riêng những ngày cuối tháng 3 đến đầu tháng 5/2022, đã xảy ra 19 vụ đuối nước khiến 21 em học sinh tử vong.

6-1.jpg -0
Công an huyện Tương Dương cùng đoàn cơ sở làm và cắm các biển cảnh báo đuối nước tại các bến đò trên sông Lam.

Làm gì để giảm thiểu tai nạn đuối nước trẻ em?

Theo một lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian vừa qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, học sinh phải nghỉ học sớm. Các em đang ở độ tuổi hiếu động, thường thích chơi ở khu vực ao, hồ, sông suối hoặc theo cha mẹ đi nương, rẫy nên thiếu sự giám sát của người lớn, dẫn đến bị tai nạn đuối nước đau lòng.

“Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo UBND tỉnh, Sở đã triển khai công tác phòng chống tai nạn thương tích, phòng đuối nước cho trẻ em với nhiều kế hoạch, chương trình, hoạt động tuyên truyền cụ thể. Tuy nhiên, để phòng chống đuối nước ở trẻ em hiệu quả vẫn cần sự cam kết, vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và trách nhiệm của bố mẹ, người chăm sóc trẻ. Theo thống kê, hầu hết các vụ đuối nước chủ yếu do sự lơ là, thiếu giám sát, để trẻ em vui chơi tự do... nên khi xảy ra tai nạn không có người ứng cứu kịp thời”, vị lãnh đạo này thông tin.

Để giảm thiểu số trẻ em bị tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước trên địa bàn, mới đây tỉnh Nghệ An yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng chống tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em. Trong đó, tỉnh Nghệ An giao Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn, triển khai thực hiện, kiểm tra việc xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Chủ trì, phối hợp tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em, đặc biệt là thời gian trước khi học sinh nghỉ hè, xây dựng chia sẻ tài liệu truyền thông phòng, chống đuối nước cho trẻ em để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Còn ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm, trước tình trạng đuối nước ở lứa tuổi học sinh liên tiếp xảy ra, Sở đã chỉ đạo các trường học chủ động giáo dục về kỹ năng sống, về phòng chống đuối nước cho học sinh; cử các giáo viên bộ môn thể chất đi tập huấn để về hỗ trợ dạy bơi cho các học sinh. Xây dựng bộ tiêu chí phòng chống tai nạn thương tích trong đó có đuối nước tại tất cả các nhà trường, phấn đấu đến năm 2030 thì giảm 10% các vụ đuối nước, đến năm 2025 thì 50% học sinh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk biết bơi.

Nói thêm về vấn đề này, bác sỹ Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho rằng, nguyên nhân đuối nước hay xảy ra đối với trẻ là do bản tính hiếu động, tò mò, trẻ thích nghịch nước hoặc do sự bất cẩn của gia đình. Cho dù trẻ em không biết bơi lội hay biết bơi lội nhưng do sự chủ quan nên cũng không lường trước hết được sự nguy hiểm của tai nạn.

Ngoài ra, phải kể đến một thực trạng đó là khi các em cứu lẫn nhau, do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị đuối nước, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị chết đuối tăng lên. Trên thế giới, đuối nước là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và thanh thiếu niên.

“Khi gặp trường hợp đuối nước, việc đầu tiên là đưa ngay nạn nhân lên khỏi mặt nước để tiến hành cấp cứu nhanh chóng. Tìm cách tiếp cận và đưa trẻ lên bờ an toàn. Sau khi tiếp cận được trẻ bị đuối nước, cần nâng đầu trẻ cao hơn mặt nước nhằm giúp trẻ hô hấp và bình tĩnh trở lại. Khi đưa trẻ lên bờ, đặt trẻ nằm ngửa trên sàn trong tư thế đầu thấp cho nước thoát ra ngoài. Nếu trẻ bất tỉnh, cần tiến hành hồi sức tim phổi ngay lập tức bằng cách thực hiện hô hấp nhân tạo hà hơi thổi ngạt liên tục”, bác sỹ Nhựt nói.

Cũng theo bác sỹ Nhựt, khi thực hiện, người cứu hộ cần hết sức bình tĩnh, không làm tổn thương thêm đường hô hấp của trẻ, đồng thời lau khô người nạn nhân, ủ ấm cơ thể vì hạ thân nhiệt cũng là một trong những nguyên nhân gây nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt đối với nhóm trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Chỉ chuyển nạn nhân đến bệnh viện khi đã thở trở lại, khi tuần hoàn được tái lập.

Hải Việt - Văn Thành
.
.
.