Xử phạt nghiêm tàu khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài

Thứ Tư, 08/01/2020, 15:09
Tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung triển khai Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16-5-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; xử phạt nghiêm các ngư dân, tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, nhất là các trường hợp được phát hiện vi phạm vùng biển nước ngoài.


Chiều 8-1, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ vừa ký ban hành công văn yêu cầu Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã ven biển và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tăng cường triển khai thực hiện Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trong thực tế; đặc biệt là các quy định liên quan về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC).

Trong đó, tập trung triển khai Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16-5-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; xử phạt nghiêm các ngư dân, tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, nhất là các trường hợp được phát hiện vi phạm vùng biển nước ngoài.

Nhiều chủ tàu thuyền xa bờ đang nỗ lực thực hiện các hoạt động đánh bắt hải sản trên biển hợp pháp đúng theo Luật Thủy sản.

Đồng thời yêu cầu các địa phương căn cứ đặc thù nghề cá, chủ động xác định các trường hợp có khả năng cao vi phạm khai thác IUU để có biện pháp tuyên truyền, vận động, phòng ngừa sớm; đôn đốc việc lắp đặt thiết bị VMS, đánh dấu tàu cá theo quy định; khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát tàu cá để phục vụ cho công tác xử lý hành vi khai thác IUU, phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh tăng cường nguồn lực cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU như Chi cục Thủy sản, Ban quản lý cảng cá tỉnh để nâng cao năng lực, đảm bảo đủ điều kiện để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác; kiểm soát tàu cá ra cảng, vào cảng; kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng; đảm bảo công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hải sản từ khai thác chứng minh được độ tin cậy.

Những tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, nhất là các trường hợp được phát hiện vi phạm vùng biển nước ngoài sẽ được tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt theo quy định.

Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 2.000 tàu cá, trong đó tàu chuyên hoạt động đánh bắt xa bờ hơn 400 chiếc, với khoảng 200 tàu có công suất từ 400CV trở lên. Thời gian gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung sắp xếp, bố trí các trạm bờ thông tin để quản lý, giám sát tàu cá; tăng cường lực lượng chức năng và kiểm ngư phục vụ công tác tuyên truyền, phòng, chống khai thác IUU đúng theo Luật Thủy sản quy định. 

Cùng với ngư dân ở các tỉnh, thành miền Trung, thời gian qua, nhiều chủ tàu thuyền xa bờ ở tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực thực hiện các hoạt động đánh bắt hải sản trên biển hợp pháp đúng theo Luật Thủy sản và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45/CT-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về IUU.


Anh Khoa
.
.
.