Xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu dùng để đảm bảo an toàn thực phẩm

Thứ Tư, 17/04/2019, 08:02
Ngày 16-4, tỉnh Lâm Đồng triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.


Một trong những nội dung được tỉnh Lâm Đồng chú trọng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng là sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Phan Văn Đa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục kiện toàn bộ máy làm công tác đảm bảo an toàn thực phẩm từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, công khai trên phương tiện truyền thông.

Ngành chức năng tăng cường quản lý điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, cương quyết không để cơ sở không đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoạt động.

Tỉnh thực hiện đồng bộ các biện pháp, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là dịp diễn ra các sự kiện lớn của tỉnh như: Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 8 năm 2019, Quốc khánh 2/9...

Lâm Đồngtiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn và kết nối tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành trong cả nước; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, chế biến thực phẩm…

Ông Bùi Văn Độ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm (Sở Y tế Lâm Đồng) cho biết: Mục tiêu tỉnh Lâm Đồng đặt ra trong tháng này là tăng cường truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm.

Tỉnh đề cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt là nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.

Năm 2018, trên địa bàn ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại xã Tà Nung (thành phố Đà Lạt) làm 7 người mắc, không có trường hợp tử vong. Ngành y tế tỉnh đã thành lập Đội phản ứng nhanh để kịp thời điều tra, xử lý các vụ ngộ độc nếu có xảy ra. Ngành Nông nghiệp hỗ trợ các hộ dân, tổ hợp tác sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP…

Hiện nay, toàn tỉnh xây dựng được 125 chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, sơ chế, chế biến tới tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia của 75 doanh nghiệp, 77 Hợp tác xã và tổ hợp tác cùng trên 13.000 hộ dân. Trong năm 2018, ngành chức năng đã tổ chức thanh, kiểm tra 12.861 cơ sở, xử phạt 462 cơ sở vi phạm, với số tiền gần 1,2 tỷ đồng…

Ngay trong ngày 16/4, thành phố Đà Lạt đã tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành tới kiểm tra 1 số cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Các địa phương khác trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục triển khai từ ngày 15/4- 15/5/2019.

Chu Quốc Hùng
.
.
.