Trung bình mỗi ngày hơn 5 người chết do bom mìn
- Nổ lớn tại khu đô thị Văn Phú – Hà Đông
- Cưa bom, hai người nhập viện
- Ba thanh niên tử nạn vì cưa bom
Hàng ngày vẫn có người chết do hậu quả từ chiến tranh, thế nhưng hiện nay công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Nỗi ám ảnh sau thời chiến
Đến thời điểm này, chắc chắn nhiều người vẫn chưa quên vụ nổ kinh hoàng xảy ra lúc khoảng 15h ngày 19-3, tại Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông), mà nguyên nhân là do người buôn bán phế liệu mang vật liệu nổ ra cưa ở vỉa hè. Vụ nổ đã làm 5 người chết, 10 người bị thương. Vụ nổ đã gây ảnh hưởng lớn đến tài sản, nhà cửa của nhiều gia đình liền kề. Đây chỉ là ví dụ điển hình của hậu quả bom mìn vật nổ.
Vụ nổ ở Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) đầu năm 2016 đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Ảnh minh họa. |
Theo kết quả điều tra sơ bộ của Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn, hàng năm trung bình cả nước có khoảng 3.807 người bị chết và bị thương do tai nạn bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra. Những năm đầu sau chiến tranh, số lượng tai nạn nhiều, cho đến nay có giảm đi (còn khoảng 2.000 người bị tai nạn mỗi năm).
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của các địa phương trong toàn quốc thì số thương vong do bom mìn, vật nổ gây ra từ năm 1975 đến tháng 6-2002 là 104.298 người (trong đó chết 42.135 người, bị thương 62.163 người) và con số này có thể còn thấp hơn nhiều so với thực tế.
Điều đáng bàn nhất là các nạn nhân phần lớn là trẻ em và người lao động chính trong gia đình. Nguyên nhân dẫn đến các tai nạn thương tâm chủ yếu là do vướng phải bom mìn, vật nổ, trong khi người dân tự khai hoang, phục hóa để khôi phục sản xuất. Số lượng các vụ tai nạn loại này chiếm 28% trong tổng số các vụ tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra.
Bên cạnh đó, nguyên nhân nữa là do người dân thu nhặt phế liệu bán lấy tiền sinh sống. Do không có kiến thức về cấu tạo, nguyên lý hoạt động của bom mìn đã tự động cưa cắt để lấy vỏ kim loại và tai nạn loại này chiếm đến 33%. Một nguyên nhân cũng đáng kể nữa là do trẻ em thiếu hiểu biết, hiếu động nên đã dùng bom mìn, vật nổ nhặt được đùa nghịch dẫn đến gây nổ và số lượng tai nạn dạng này cũng chiếm đến 20%.
Theo thống kê, nước ta còn khoảng 800.000 tấn bom đạn sót lại sau chiến tranh, gần 20% diện tích đất đai bị ô nhiễm bom mìn. Các tai nạn do bom mìn, vật nổ hàng ngày đang có những ảnh hưởng lớn đến con người, đời sống xã hội, trật tự an toàn xã hội.
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng gây ra các hậu quả khôn lường ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống và tâm trạng xã hội. Gây ra thiệt hại về tài sản của nhà nước của nhân dân, nhưng ảnh hưởng lớn nhất là gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng không yên tâm lao động sản xuất trong lòng mỗi người dân vùng bị ô nhiễm.
Phần lớn nạn nhân là lao động chính trong gia đình, hoặc lứa tuổi tương lai của đất nước. Nhiều nạn nhân tuy sống sót nhưng lại trở thành gánh nặng suốt đời cho gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, vấn đề này còn ảnh hưởng đến các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhiều hạn chế trong khắc phục hậu quả
Từ năm 2013 đến 2016, Thanh Hóa là địa phương được Bộ LĐ-TB&XH chọn thực hiện thí điểm mô hình hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng với 4 hoạt động chính là phục hồi chức năng; hỗ trợ dạy nghề và giải quyết việc làm; hỗ trợ sinh kế; tư vấn, trợ giúp và kết nối dịch vụ công tác xã hội.
Mô hình này đến nay đã đạt được những hiệu quả nhất định, đã giúp cho đối tượng nạn nhân tiếp cận được với điều kiện chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học nghề, tạo việc làm, phát triển chăn nuôi gia súc, góp phần thực hiện công bằng xã hội, giảm bớt những khó khăn mà nạn nhân bom mìn phải gánh chịu.
Tại Thanh Hóa, mô hình đã hỗ trợ 42 nạn nhân bom mìn được đưa đi phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng; 12 đối tượng được dạy nghề đan bèo tây, học nghề nuôi ong mật; 23 đối tượng được hỗ trợ sinh kế chăn nuôi gia súc với mức hỗ trợ 7 triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, chương trình đã kết nối được cho hơn 100 người tiếp cận với dịch vụ tư vấn về chính sách, chăm sóc sức khỏe, sinh kế…
Theo đánh giá của Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam thì sau khi được hỗ trợ, hoàn cảnh kinh tế của người bị tai nạn đã có những thay đổi rõ rệt. Thế nhưng, tính từ ngày thành lập đến tháng 11-2016, tổng số nạn nhân bom mìn được hỗ trợ mới chỉ được 317 người do nguồn tài chính của hội còn eo hẹp.
Theo bà Lê Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH), để làm tốt công tác khắc phục hậu quả, thời gian tới, chúng ta cần huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn, đảm bảo an toàn cho nhân dân, giúp nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội”.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thu Hà, Phó trưởng đại diện Tổ chức The International Center (IC) tại Việt Nam thì điều cần thiết là phải xây dựng được một chương trình giúp đỡ các nạn nhân. “Việc đưa ra chương trình giúp nạn nhân bom mìn sẽ là một bước tiến quan trọng đối với công tác khắc phục hậu quả bom mìn nói chung và hỗ trợ nạn nhân nói riêng ở Việt Nam. Từ đó các nhà tài trợ, các tổ chức trong và ngoài nước sẽ có cơ sở để lên kế hoạch trợ giúp của họ”, bà Hà nhấn mạnh.