Tinh thần tự hào dân tộc qua thơ, văn chữ Hán ở điện Thái Hòa

Chủ Nhật, 29/05/2016, 09:50
Điện Thái Hoà là một trong những kiến trúc quan trọng bậc nhất của Hoàng Thành (Đại Nội), Cố đô Huế. Mặt bằng điện hình chữ nhật, điện được cấu trúc theo kiểu trùng thiềm điệp ốc”.


Ngoài tính uy nghi của ngôi điện, đáng chú ý là thơ văn chữ Hán ở điện Thái Hoà được trang trí trên các ô hộc bằng gỗ và các ô hộc bằng pháp lam của ngôi điện. Thống kê của Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế cho biết, ở điện Thái Hoà có 248 ô hộc bằng gỗ và 47 ô hộc bằng pháp lam; tổng cộng có 295 ô hộc có trang trí thơ, văn chữ Hán.

Tuy nhiên, vấn đề mà các nhà nghiên cứu, các nhà sử học quan tâm là về nội dung các tác phẩm độc đáo nói trên. Theo PGS.TS Phạm Minh Tường: Thơ, văn chữ Hán ở điện Thái Hoà  chứa nhiều chủ đề, nội dung, đáng chú ý là nội dung khẳng định sự độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; tinh thần tự hào dân tộc và ý thức củng cố nền thống nhất quốc gia…

Một số ô hộc bằng pháp lam có trang trí thơ, văn chữ Hán ở điện Thái Hòa.

Bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt tại gian chính, trung tâm của điện Thái Hoà như là lời Tuyên ngôn về độc lập, về tinh thần dân tộc của người dân Việt Nam. “Văn hiến thiên niên quốc/Xa thư vạn lý đồ/Hồng Bàng khai tịch hậu/Nam phục nhất Đường, Ngu” (Đất nước có ngàn năm văn hiến/Ngày nay đã thống nhất rộng hàng vạn dặm/Kể từ ngày họ Hồng Bàng dựng nước đến nay/Nước Đại Nam đã trở nên thịnh vượng như đời Đường, Ngu)

Có thể tìm thấy một bài thơ khác thể hiện tinh thần tự hào dân tộc trong thơ văn ở điện Thái Hoà được thể hiện một cách rõ ràng và đậm nét ở chỗ ca ngợi Kinh đô Huế, ca ngợi vùng đất với sơn thanh, thuỷ tú, với trai tài, gái sắc từ bốn phương hội tụ: “Thái bình tân chế độ/ Hiên hoát cựu quy mô/ Vạn vật thanh danh hội/ Xuân phong mãn Đế đô”. (Thái bình chế độ mới. Mở rộng quy mô xưa. Vạn vật anh tài hội. Gió xuân tràn Đế đô).

Tinh thần tự hào dân tộc không phải chỉ ở sự ca ngợi cảnh đẹp của giang sơn thanh tú, mà còn là sự khẳng định nền văn hiến lâu đời của dân tộc Việt Nam không thua kém gì so với văn minh Trung Hoa. “Đường đường văn hiến quốc/ Hoạ hạo thái bình dân” (Đường hoàng nước văn hiến. Hiên ngang dân thái bình). Hay, “Thánh đức tễ Nghiêu, Thuấn/ Thần mưu giá Hán, Đường” (Thánh đức của vua Việt Nam, sánh với bậc Nghiêu, Thuấn.

Thần mưu của các vị, ngang hàng với các vua Hán, Đường). Qua nghiên cứu của PGS.TS Phạm Minh Tường có thể hiểu thêm về ý thức củng cố nền thống nhất quốc gia của các ông vua triều Nguyễn khi để lại một hệ thống thơ văn khắc họa ở điện Thái Hoà: “Xa thư quý nhất thống/Thịnh trị quán Hồng Bàng”. (Xe chung cỡ bánh, viết chung thể chữ, quy về một mối. Nền thịnh trị của triều đại đứng đầu dòng giống Hồng Bàng)…

Có thể nói với hơn 200 bài thơ, câu đối ở điện Thái Hoà là những áng văn thơ do các vị Hoàng đế, thân vương quan lại sống dưới triều Nguyễn sáng tác. Đây là tư liệu mà các nhà nghiên cứu đánh giá là độc đáo được trang trí nhất thi nhất họa chỉ thấy ở các kiến trúc cung đình Huế. Các nhà nghiên cứu cho rằng cần đặc biệt bảo tồn và phát huy một cách có hiệu quả hệ thống thơ văn kiến trúc cung đình Huế.

Với ý nghĩa đó, TS Trương Quốc Bình có ý kiến cụ thể với những tác phẩm tiêu biểu ở những công trình tiêu biểu, Trung tâm BTDT Cố đô Huế nên giới thiệu những nội dung, ý nghĩa này bằng những tờ gấp thông tin. Du khách có thể xem tại chỗ nhưng cũng có thể mang theo để nghiên cứu sau. Hãy để du khách trong và ngoài nước hiểu được cái hay, cái đẹp liên quan đến di tích. Đó là cách để nhân nhận thức về sự tồn tại và ý nghĩa của thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Chiến Hữu
.
.
.