Sống lại ngôi đình cổ 400 tuổi giữa lòng Cố đô Huế

Thứ Năm, 05/05/2016, 08:27
Tồn tại qua nhiều thế kỷ, đến nay, ngôi đình cổ kính Kim Long đã trở thành một điểm đến du lịch gắn liền với các giá trị nghệ thuật truyền thống Huế. Và lần đầu tiên, chương trình nghệ thuật “Huế dịu dàng” được tổ chức ở khuôn viên ngôi đình này, được đưa vào chương trình lễ hội Festival Huế...


Theo sử sách, năm 1636, chúa Nguyễn Phúc Lan cho dời thủ phủ từ Phước Yên về Kim Long và nơi đây trở thành một đô thị sầm uất, phồn vinh. Thủ phủ Kim Long thời ấy như một đô thị đẹp đầu tiên được xây dựng bên bờ sông Hương gắn liền với 2 câu thơ nổi tiếng “Kim Long lắm phủ nhiều chùa. Vườn hoa cây cảnh bốn mùa xanh tươi”.

Cũng từ đây, đình làng Kim Long được xây dựng với kiến trúc cổ kính theo cấu trúc thượng long hạ mã, lưỡng long chầu nguyệt. Trong đình còn có bày hương án sơn son thếp vàng, hoành phi, bài vị, câu đối cùng 12 sắc phong và cổ vật chuông đồng Kim Tự Chung.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế, do được xây dựng từ rất sớm nên đình Kim Long gắn liền mật thiết với quá trình hình thành và phát triển của thủ phủ Kim Long- trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự của xứ Đàng Trong vào thế kỷ XVII. Các công trình cùng những hiện vật lịch sử được lưu giữ tại di tích này là minh chứng sống động đánh dấu một nét đẹp văn hóa riêng có của vùng đất Kim Long ngày xưa sau ngày chúa Nguyễn dời phủ về Phú Xuân.

Tuy nhiên, trong một thời gian dài, khuôn viên đình làng Kim Long đã trở thành nơi họp chợ của người dân địa phương. Phải đến năm 2007, khi chợ Kim Long được xây mới ở khu tái định cư thì toàn bộ khuôn viên mới được trả về cho đình làng.

Nghệ thuật truyền thống làm bánh, mứt được giới thiệu trong chương trình “Huế dịu dàng”.

Năm 2013, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có quyết định công nhận đình làng Kim Long là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Từ một ngôi đình cổ kính sau nhiều năm bị trưng dụng làm nơi họp chợ, nhà thiết kế Viết Bảo (ở TP Huế) đã dày công nghiên cứu để hình thành nên chương trình nghệ thuật “Huế dịu dàng” và dần trở thành một “thương hiệu” gắn bó với đình cổ Kim Long.

Viết Bảo chia sẻ: “Mặc dù là vùng đất du lịch nhưng về đêm, Huế lại có rất ít điểm đến để du khách tham gia trải nghiệm các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Vì thế, mình đã nghĩ nên ý tưởng phải làm một chương trình tôn vinh vẻ đẹp của người con gái Huế cùng tá áo dài truyền thống gắn liền với dấu ấn vùng miền Kim Long”.

Và từ năm 2013, chương trình “Huế dịu dàng” đã được ra đời và thu hút đông đảo du khách đến với Kim Long khi được tổ chức đều đặn vào những ngày cuối tháng. Đặc biệt năm nay, chương trình “Huế dịu dàng- về miền Hương Ngự” lần đầu tiên tham gia vào lễ hội Festival Huế được phục vụ hoàn toàn miễn phí vào tối 2-5.

Theo đó, ngoài phần trình diễn áo dài với các thiết kế ý tưởng lấy từ hoa sen và ấn triện Huế do các hoa khôi thể hiện, còn có phần trình diễn ca Huế, hò mái nhị, chầu văn, hò đối đáp của các nghệ sĩ có tên tuổi như Kim Oanh, Thu Hằng, Hồng Vân...

Dưới ánh sáng dịu dàng, du khách ngồi trên chiếu hoa, vừa được nghe ca Huế, xem trình diễn áo dài và nghệ thuật truyền thống, vừa thưởng thức các món bánh Huế, trà sen do chính tay các nghệ nhân ở Kim Long làm nên. Kết thúc chương trình, du khách còn tham gia thả hoa đăng xuống dòng sông Hương thơ mộng, mang theo những ước nguyện an lành khi một lần được đặt chân đến vùng đất Kim Long… 

Có thể nói, để tổ chức một sự kiện văn hóa gắn liền với các giá trị nghệ thuật truyền thống tại một điểm di tích như đình cổ Kim Long đã khó thì làm sao để hoạt động ấy xứng tầm với lễ hội Festival, nhưng không ảnh hưởng đến di tích lại càng khó gấp bội phần. Thế nhưng “Huế dịu dàng” đã làm được điều đó khi lần đầu tiên ra mắt tại Festival đã thu hút đông đảo du khách thập phương đến với vùng đất Kim Long, nơi được xem là miền gái đẹp khi vua Thành Thái từng có câu thơ “Kim Long con gái mỹ miều. Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi”.

Ngày 3-5, trong khuôn khổ Festival Huế 2016, chương trình lễ hội đường phố với chủ đề “Di sản và sắc màu văn hóa” diễn ra tại TP Huế đã thu hút hàng ngàn du khách tham gia. Năm nay, lễ hội đường phố có sự tham gia của 7 đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ khu vực Đông Á - Mỹ La Tinh gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mexico; Mông Cổ; Colombia, Australia và 8 đoàn nghệ thuật trong nước như đoàn nhà hát Việt Bắc; nhà hát Bông Sen; nhóm xiếc đường phố của Liên đoàn xiếc Việt Nam... Ngoài mục đích biểu diễn và quảng bá nghệ thuật, lễ hội còn góp phần giao lưu văn hóa, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

Anh Khoa
.
.
.