Tháo gỡ vướng mắc để người hoàn lương vay vốn sản xuất

Thứ Bảy, 13/01/2018, 09:49
Sau 2 năm triển khai thực hiện thí điểm cho người lầm lỡ hoàn lương vay vốn để phát triển kinh tế, tại Nghệ An mới có 15 người thuộc diện được vay vốn, với số tiền giải ngân chưa đến 1/2 nguồn vốn Trung ương cấp. Mặc dù số người trong diện này trên địa bàn rất nhiều, song còn nhiều rào cản nên việc tiếp cận vốn vay chính sách chưa được khơi thông.


Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 29 phê duyệt việc thí điểm tín dụng đối với hộ gia đình và người có HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và gái bán dâm hoàn lương.

Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) là cơ quan duy nhất được giao thực hiện việc vay vốn với những đối tượng này. Thời gian bắt đầu thực hiện từ năm 2014 – 2016, thời gian vay vốn không quá 60 tháng và đến năm 2017 sẽ được triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc.

Hiệu quả từ vay vốn chính sách

Nghệ An là 1 trong 15 tỉnh, thành phố được chọn làm thí điểm trong cả nước. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, đến nay việc cho các đối tượng nói trên vay vốn vẫn còn gặp những khó khăn, rào cản, mặc dù vốn vay đã được phát huy tác dụng. Đơn cử, năm 2016, sau khi cai nghiện ma túy xong, anh Đinh Quyết Tiến (40 tuổi), trú tại bản Cửa Rào 2, xã Xá Lượng (Tương Dương) nắm bắt được chủ trương cho người sau cai nghiện vay vốn nên mạnh dạn đăng ký.

Anh Tiến được Ngân hàng CSXH chi nhánh huyện Tương Dương chấp nhận giải ngân cho vay thông qua hộ gia đình do vợ là chị Lê Thị Phiện đứng tên, với số tiền 20 triệu đồng. Từ số vốn đó, anh chị đã mua một con bò sinh sản, hiện nay đã sinh lứa đầu tiên một con bê, tích góp được ít nhiều anh Tiến đã tự tay xây dựng một căn nhà cấp 4 khá khang trang. Ngoài ra, anh chị còn trồng thêm 3ha cây xoan, hiện đã sang năm thứ 2 phát triển tốt.

Cán bộ Ngân hàng CSXH kiểm tra hiệu quả vốn vay theo Quyết định 29 tại huyện Tương Dương.

Tương tự, anh Trần Quốc Khang (46 tuổi), trú tại xóm Đông Phú, xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, trước đây đã có thâm niên nghiện ma túy khiến gia đình khánh kiệt. Năm 2013, anh Khang cai nghiện thành công, nhưng kinh tế gia đình tiếp tục gặp khó khăn vì không có vốn để phát triển sản xuất.

May mắn, năm 2016 Ngân hàng CSXH triển khai gói tín dụng cho vay cá nhân và hộ gia đình có người cai nghiện thành công, gia đình anh Khang đã mạnh dạn đăng ký vay gói tín dụng 25 triệu đồng để làm lại từ đầu với nghề may truyền thống của gia đình. Hai vợ chồng đã đầu tư thêm 2 máy khâu mới, mở rộng quy mô, thuê thêm 2 nhân công và nhận hàng may gia công cho các nhà máy. Đến nay, không chỉ anh Khang đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy mà gia đình có thu nhập hàng tháng ổn định, trở thành điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Ông Nguyễn Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết: Trên địa bàn huyện này còn có 3 gia đình được vay vốn qua chương trình này với tổng số vốn 70 triệu đồng. Nguồn vốn đều được sử dụng đúng mục đích và phát huy có hiệu quả.

Vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ

Được biết, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An, ngân hàng CSXH đã giải ngân 515 triệu đồng cho 15 người vay vốn chính sách ưu đãi theo chương trình này. Ông Trần Khắc Hùng, Giám đốc Ngân hàng CSXH Nghệ An cho biết thêm, chương trình cho vay là một chính sách mang tính nhân văn, nhân đạo, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, theo số liệu thì sau 2 năm thực hiện thí điểm mới chỉ có 515 triệu đồng được giải ngân đến người vay thuộc chương trình này, trong khi đó tổng nguồn vốn được cấp là 1,3 tỷ đồng. Dù triển khai trên tất cả các địa bàn nhưng mới chỉ có 8 trong tổng số 21 huyện, thành thị có người vay tiền theo chương trình này.

Theo Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An, khó khăn trong việc triển khai cho vay vốn chương trình này là tâm lý người vay còn ngại khi đi xác nhận để vay vốn, tự ti mặc cảm và không muốn người khác biết về quá khứ lầm lỗi của họ. Bên cạnh đó còn có những rào cản như: Không phải ai cũng nắm được hết chương trình này, việc truyền thông chưa được các ngành quan tâm, bởi chính sách này không chỉ riêng ngân hàng CSXH mà là việc của các hệ thống chính quyền. 

Cán bộ cơ sở còn ngại việc xác nhận cho một đối tượng từng nghiện ma túy đi vay vốn. Nhóm người này cũng thường thay đổi nơi cư trú. Ngoài ra, sinh kế của người vay cũng không khả thi nên khi vay vốn để phát triển kinh tế không hiệu quả và khả năng tái nghiện, bỏ đi khỏi địa phương, rủi ro còn cao.

Sau thời gian thí điểm, hiệu quả mà chính sách này mang lại có thể được triển khai đại trà trong cả nước. Để chương trình tiếp tục nhân rộng, thiết nghĩ cần có truyền thông rộng rãi hơn về chính sách để nhiều người biết đến. Có giải pháp xóa bỏ các rào cản, nghiên cứu thay đổi tên gọi của đối tượng “người bán dâm hoàn lương” để người vay không còn tâm lý ngại khi đi xác nhận. Quan trọng hơn, cần sự giúp đỡ, quan tâm hơn nữa của gia đình và cộng đồng để những người vay vốn sử dụng vốn có hiệu quả.

Thiên Thảo
.
.
.