Chuyện hoàn lương của “ông chủ” hệ thống phở nổi tiếng Sài Gòn

Thứ Tư, 16/08/2017, 06:43
Đang là chủ của 6 tiệm phở nổi đình nổi đám ở TP Hồ Chí Minh, đùng một cái anh bị bắt vì trốn truy nã tội danh “Giết người” rồi nhận án 18 năm tù giam. Công việc làm ăn kinh doanh hoàn toàn phá sản. Vậy nhưng sau khi được đặc xá, người đàn ông ấy trở về và bắt đầu con đường gây dựng lại mọi thứ. Giờ đây anh đang là chủ của hai tiệm phở lớn và đang chuẩn bị cho mục tiêu bán được 10 ngàn tô phở/ngày…

Chuyện của ngày hôm qua…

Khi mới gặp anh ở Hội nghị gia đình phạm nhân 2017 của Trại giam Thủ Đức (Tổng cục VIII, đóng tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), thực sự chúng tôi cảm nhận ở anh có một điều gì đó hơi “lạ thường”. Anh bảo rằng gần như cứ lúc nào trại gọi là anh sẵn sàng bỏ hết công việc để trở về “căn nhà đặc biệt” của mình - nơi anh đã thụ án gần 8 năm trời tại đây. Hầu như lần nào xuống trại, anh cũng đều chia sẻ chân thành những gì cuộc đời anh đã trải qua…

“Nhiều người bảo tôi rằng có quá khứ chả ra gì sao không giấu nhẹm đi hay đừng xuất hiện ở trại giam nữa. Nhưng tôi lại quan niệm khác, mình có sao thì nói vậy thôi, có gì phải giấu giếm đâu. Và khi đã nói ra rồi thì sẽ thấy cực kỳ thoải mái”, anh Phạm Hùng, chủ hệ thống tiệm phở Hùng Ngân ở TP Hồ Chí Minh, vui vẻ chia sẻ.

Muốn tìm hiểu thêm về người đàn ông đặc biệt này, mấy ngày sau đó, chúng tôi tìm đến tận nhà và ra tiệm phở Hùng Ngân (tên được ghép giữa tên anh và tên vợ anh) trên đường Tân Sơn, phường 12, quận Gò Vấp để được nghe câu chuyện đặc biệt về cuộc đời đầy thăng trầm của anh.

Anh sinh năm 1972, ở vùng quê huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên ngay từ những năm 1986-1987 anh đã theo người ta đi làm thuê làm mướn, làm cửu vạn, bốc vác ở nhiều nơi.

Anh Hùng (thứ 3 từ trái sang) chia sẻ kinh nghiệm bản thân ở Hội nghị gia đình phạm nhân mới đây..

Thời gian sau có người rủ lên Tuyên Quang đi làm ở một mỏ thiếc có thể kiếm được nhiều tiền, anh đã đồng ý đi ngay. Ở đó được mấy năm, vào một buổi chiều (năm 1993), anh theo đồng nghiệp xuống núi mua đồ thì xảy ra xích mích với một nhóm thanh niên địa phương. Hai nhóm lao vào ẩu đả và cả hai bên đều bị thương tích, một thanh niên địa phương đã tử vong. Hoảng sợ nhóm của anh bỏ trốn, riêng anh chạy trốn vào Sài Gòn.

Điều đáng nói là vào vùng đất mới với thân phận kẻ trốn truy nã nhưng chỉ trong vòng mấy năm, anh đã từ người đi phụ việc cho một quán phở trở thành chủ của một hệ thống 6 quán phở trải trên nhiều quận. Và đặc biệt theo lời anh, chuyện anh biết nấu phở là một cơ duyên!

“Sau khi cưới vợ một thời gian, trong khi vợ tôi bán thịt bò ở chợ thì tôi xin được vào làm thuê cho một tiệm phở lớn ở đường Hai Bà Trưng, quận 3. Vợ chồng chủ tiệm ấy - chồng là kỹ sư công nghệ thông tin, vợ mới sinh đứa thứ hai. Bình thường mỗi sáng người chồng chuẩn bị mọi thứ và nấu một nồi phở lớn để bán hết buổi sáng. Đến trưa anh ấy về nấu thêm một nồi nữa để bán chiều tối...

Tôi làm ở đó được mấy tháng thì vào một ngày bán hết sớm quá, lúc đó người chồng không về kịp mà khách lại đang đông, trong khi chị chủ bận trông con nhỏ nên chị ấy đã kêu tôi vào chỉ dẫn cho tôi mọi thứ để nấu được một nồi phở hoàn chỉnh… Sau đó tôi học tập thêm rồi biết nghề nấu phở từ ấy”, anh Hùng hào hứng kể lại cơ duyên của mình.

Anh Phạm Hùng - Chủ hệ thống Phở Hùng Ngân.

Hai năm sau đó (1996), anh Hùng nghỉ việc về mở quán bán phở đầu tiên ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình. Thành công không ngờ tới là chỉ sau đó mấy năm anh mở được tất cả 6 quán phở ở nhiều quận như Gò Vấp, Tân Bình, quận 11 và đều kinh doanh thành công.

Và khi đang ăn nên làm ra thì đùng một cái anh bị cơ quan Công an phát hiện ra tung tích. “Lúc tôi bị bắt giữ đã gây ra cú sốc lớn cho gia đình và nhất là vợ tôi khi ấy mới biết chồng mình là một người đang bị truy nã tội “Giết người”. Tuy nhiên, bằng tình cảm vợ chồng sâu đậm, cô ấy đã vượt qua cú sốc và mọi khó khăn để lo chu tất cho gia đình và các con giúp tôi toàn tâm toàn ý cải tạo, sớm được đặc xá về với mẹ con cô ấy”, anh Hùng xúc động bày tỏ.

“Ông chủ” nổi tiếng Sài thành

Sau khi bị bắt giữ, anh Hùng bị tòa án Tuyên Quang kết án 18 năm tù giam. Thi hành án ngoài đó một thời gian thì năm 2004 anh được đưa vào Trại giam Thủ Đức (Phân trại 1) tiếp tục thi hành án. Thiếu anh, hệ thống 6 tiệm phở nhanh chóng bị phá sản. May mắn là vợ anh vẫn giữ được công việc chính bán thịt bò để có đồng ra đồng vào nuôi con, chờ chồng mình về để gây dựng lại.

Thi hành án ở Trại giam Thủ Đức, với những chính sách cải tạo hợp lý, sự động viên, giúp đỡ của Hội đồng cán bộ của trại cùng với sự yên tâm từ gia đình vợ con đã giúp cho anh Hùng cải tạo tốt.

Đặc biệt, trong thời gian thụ án anh đã đọc được hàng ngàn cuốn sách. “Ở trong trại, tôi có nhiều thời gian đọc sách, bởi sách ở thư viện rất nhiều và toàn sách hay. Sách đã giúp tôi có rất nhiều kiến thức cùng những suy nghĩ tích cực để tôi áp dụng trong công việc kinh doanh sau này. Tôi nhẩm tính mình đã đọc được tất cả khoảng 3.000 cuốn sách”, anh Hùng bộc bạch.

Chính việc cải tạo tốt cùng với những hoạt động gắn bó với trại, anh Hùng đã được xem xét giảm án và đặc xá. Theo Trung tá Vũ Hồng Kiên, Đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ, Trại giam Thủ Đức, anh Hùng đã được giảm án hai lần và sau đó được đặc xá tha tù trước thời hạn (vào năm 2011).

“Trong thời gian thụ án tại trại, anh Hùng là một phạm nhân gương mẫu luôn chấp hành mọi nội quy của trại, tích cực tham gia các phong trào thi đua do trại tổ chức, hàng năm đều được xếp loại cải tạo Khá và Tốt. Ngoài giờ lao động cải tạo, anh ấy rất chăm chỉ tới thư viện đọc sách. Có thể nói, anh Hùng là một điển hình vượt qua quá khứ lỗi lầm, để vươn lên thành một người làm ăn kinh doanh thành công”, Trung tá Vũ Hồng Kiên nhận xét.

Được trở về với gia đình, anh lại đứng trước nhiều khó khăn khi bắt tay gây dựng lại hệ thống tiệm phở Hùng Ngân. Nhưng với bản tính dám nghĩ dám làm và nhất là tự tin với tài nấu phở của mình, vợ chồng anh đã bàn nhau vay mượn từ nhiều nguồn mua được miếng đất ở gần nhà, rồi từng bước xây dựng lên cơ ngơi ngày nay.

Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn đó, anh bảo rằng lúc đầu thấy quán để giá bán quá mắc từ 40 đến 60 ngàn đồng/tô phở, nhiều người đã cười bảo anh “khùng”. “Dù vậy tôi vẫn quyết chí làm bởi tôi nghĩ tôi có lý của tôi. Ở trong trại qua đọc sách, tôi được biết ở nước ngoài có những thương hiệu đắt đỏ nhưng họ vẫn tồn tại và vẫn bán được hàng trăm năm nay…

Điều đầu tiên tôi làm khi mở quán là đăng ký thương hiệu độc quyền ở Cục Sở hữu trí tuệ… Tôi đã mất khoảng 2 năm để tạo cho khách thói quen cũng là tạo sự nhận biết thương hiệu phở của mình. Bây giờ khách đến ăn phở Hùng Ngân không còn bàn tán gì nữa bởi họ đã hoàn toàn yên tâm về chất lượng phở. Dù giá hơi đắt một chút nhưng ai cũng biết đồ rẻ thì khó có đồ ngon và đúng chất lượng”.

Công việc kinh doanh ngày càng thuận lợi, giữa năm 2016 vợ chồng anh mở thêm tiệm phở ở đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) và tiệm này cũng nhanh chóng đông khách. Theo dự tính đến cuối năm nay,nếu tìm được mặt bằng, vợ chồng anh sẽ mở thêm hai tiệm phở nữa.

“Mục tiêu phấn đấu của vợ chồng tôi là một ngày sẽ phục vụ khoảng 10 ngàn khách. Hiện nay mỗi ngày hai tiệm của tôi mới phục vụ được khoảng 1.500 khách, vì thế sẽ phải mở thêm khoảng 5 tiệm nữa”, anh Hùng cười tươi cho biết kế hoạch tương lai của mình.

Theo chia sẻ của anh, cuộc sống gia đình hiện tại của vợ chồng anh khá viên mãn, với công việc kinh doanh ổn định; hai đứa con của anh cũng đang dần trưởng thành. Có lẽ có nghe anh chia sẻ về những thăng trầm cuộc đời mình, về công việc làm ăn kinh doanh mới thấy được sự hứng khởi, sự trực tiếp đối mặt và vượt lên mọi khó khăn để có được thành công như ngày hôm nay.

Phú Lữ
.
.
.