Tạo sinh kế cho các hộ dân vùng đệm Vườn Quốc gia Bù Gia Mập

Chủ Nhật, 22/04/2018, 15:32
Ngày 22-4, ông Trần Văn Vân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng KH&CN tỉnh Bình Phước cho biết, 100% thành viên trong Hội đồng đã thống nhất thông qua nghiệp thu đề tài “Điều tra, đề xuất các mô hình sinh kế bền vững gắn với bảo vệ rừng cho các hộ dân ở vùng đệm của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập”.


Ông Vân cho biết thêm, các nhà khoa học và các thành viên trong Hội đồng cũng đề nghị nhóm tác giả cần tiếp thu, quan tâm thêm đến việc duy trì sự tham gia lâu dài của người dân trong dự án với những giải pháp sinh kế, có hướng ra ổn định cho các sản phẩm mà người dân làm ra… Qua đó cũng đảm bảo tốt công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học vùng đệm vừa tạo sinh kế bền vững cho người dân trong vùng. Đó cũng là mục tiêu quan trọng nhất của đề tài cần hướng tới và đạt được.

Đề tài do Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Rừng và Đất ngập nước - Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam làm chủ nhiệm. Phạm vi nghiên cứu là vùng đệm của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập thuộc hai xã Bù Gia Mập và Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, bao gồm 11 thôn với quy mô trên 2.500 hộ dân. 

Đề tài đã đề xuất các giải pháp cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư vùng đệm gắn với nghĩa vụ bảo vệ rừng và chia sẻ lợi ích từ lâm sản ngoài gỗ. Đề tài nhằm bảo tồn và làm giảm các tác động tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập.

Cộng đồng nhận khoán thôn 3, xã Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập) dọn đường ranh phòng chống cháy rừng VQG BGM.

Nội dung đề tài đã làm rõ hiện trạng sinh kế và thu nhập của các hộ dân trong phạm vi nghiên cứu; tiềm năng, dự kiến khu vực khai thác măng lồ ô, đề xuất cơ chế khai thác, quản lý chia sẻ nguồn lợi măng với cộng đồng cư dân vùng đệm; xây dựng tiêu chí sinh kế bền vững gắn với bảo vệ rừng cho các hộ dân thôn Bù Dốt (xã Bù Gia Mập) và vùng đệm. 

Về các giải pháp sinh kế bền vững, đối với các hộ không có đất sản xuất nông nghiệp, ưu tiên cho tham gia tổ nhận khoán bảo vệ rừng và tổ khai thác măng. Đối với các hộ có đất sản xuất dưới 5ha sẽ hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ vay vốn, tham gia tổ nhận khoán bảo vệ rừng và tổ khai thác măng. 

Đối với các hộ có đất sản xuất từ 5ha trở lên thì hướng dẫn đầu tư vốn và kỹ thuật để thâm canh, nâng cao năng suất, sản lượng nông sản; tuyên truyền, vận động tổ chức lao động tập thể theo hình thức tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để nông sản có thương hiệu và thuận lợi khi cạnh tranh với thương lái hay đối tác tiêu thụ. 

Theo dự kiến, khi thực hiện đề tài, thu nhập của người dân sẽ dao động từ 6,6 đến 18,7 triệu đồng/tháng tùy theo nhóm đối tượng.

Cộng đồng nhận khoán xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, chủ yếu là đồng bào dân tộc S’tiêng bản địa tại một chốt bảo vệ rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Vườn Quốc gia Bù Gia Mập có tổng diện tích trên 25.700ha, được đánh giá là khu vực có mức độ đa dạng sinh học rất cao. Có nhiều loài động thực vật mang giá trị bảo tồn cho Việt Nam và thế giới. Vườn hiện có 17 loại thực vật có tên trong sách đỏ Việt Nam, 19 loài trong sách đỏ thế giới như: gõ đỏ, cầm lai, trầm hương, giáng hương,… 

Có 36 loài thú có tên trong sách đỏ Việt Nam và 32 loài trong sách đỏ thế giới như: voi, báo hoa mai, bò tót, gấu, sói đỏ, chà vá chân đen, vượn đen má vàng, khỉ mặt đỏ, cu ly,… Có 10 loài chim có tên trong sách đỏ Việt Nam và 5 loài trong sách đỏ thế giới.

ĐỨC TRÍ
.
.
.