Người dân phải sống được nhờ rừng mới bảo vệ rừng

Thứ Tư, 07/06/2017, 17:52
Chiều 7-6, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi (được Chính phủ đề xuất đổi tên thành Luật Lâm nghiệp) và Luật Thủy sản (sửa đổi).

Tại tổ ĐBQH TPHCM, nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm đến khái niệm “chủ rừng”, cũng như quyền sở hữu và một số quyền khác của chủ rừng. ĐB Trương Trọng Nghĩa nhận xét: “Nói chủ rừng sở hữu rừng thì chắc là nói đến cây cối trên đất rừng thôi, chứ không phải bao gồm cả đất, vậy phải có định nghĩa thế nào cho chính xác, việc khai thác cũng cần phải quy định cụ thể hơn. Sinh cảnh và các loài vật quý hiếm trên đó thì có thuộc sở hữu của chủ rừng không”.

ĐB Dương Ngọc Hải thì băn khoăn về quy định “kinh doanh” rừng và cho rằng ở đây, khái niệm này hàm ý “làm dịch vụ và khai thác, chứ đất rừng thì không thể đem bán được”.  Cùng quan điểm bảo vệ tối đa diện tích đất rừng, ĐB Ngô Tuấn Nghĩa nhất trí với quan điểm của Ban soạn thảo không quy định “người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao đất, cho thuê đất để phát triển rừng” là chủ rừng; đồng thời hạn chế các trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. ĐB Ngô Tuấn Nghĩa cho rằng: “Những quy định về khai thác kinh doanh lâm sản phải giữ được kế sinh nhai cho đồng bào dân tộc, là những người trực tiếp giữ rừng và có cuộc sống gắn bó với rừng”.

Quốc hội làm việc tại tổ

Theo ĐB Sùng Thìn Cò: Kẻ thù của rừng là con người, bạn thân của rừng cũng là con người. Trồng rừng cũng là dân phá rừng cũng là dân. “Nếu các chủ trương, chính sách pháp luật của mình chưa đi vào cuộc sống người dân thì tôi nghĩ mất đi nhiều, được thì rất ít. Ở trên Hà Giang, 4 huyện vùng cao là núi đá, nước chả có, khí hậu thì khắc nghiệt. Ngày xưa có những loại cây rừng như cây nghiến, cây đinh, cây trai, thông đá… toàn là gỗ quý. Nhưng dân mình chả giữ được, phá hết. Đưa các loại cây khác đến trồng cũng không lên được. Các khu vực rừng đặc dụng, theo quy định của pháp luật là không được bố trí dân cư ở gần. Nhưng ở Hà Giang, người đông, đất ít. Trên núi nhiều đá cũng chả ở được. Rừng đặc dụng có một chút đất. Không ai bỏ cuộc sống được, ai cũng phải kiếm kế sinh nhai".

"Lâm tặc là ai? Chính là dân của mình. Nhưng mình vẫn phải làm tốt công tác tuyên truyền. Phải gắn với hệ thống chính trị và phổ biến tuyên truyền. Không dựa vào dân là không giữ được. Tôi đã nghĩ những cây nghiến to và rừng giờ ở nước ta không nhiều, không mênh mông như ở Lào, phải đánh số thứ tự, giao cho dân, kiểm tra định kỳ và để dân quản lý. Hàng triệu năm nay mới có những cây như thế. Giờ ta phải tăng trồng rừng công nghiệp, chế biến, rồi sản xuất đồ gỗ thay thế cho đồ gỗ tự nhiên. Ta phải nghiên cứu xuất khẩu gỗ thế nào, nhập khẩu, chế biến gỗ ra sao. Phải lo, nghĩ, tính toán cho dân. Thì như thế mới khuyến khích được dân trồng rừng" - ĐB hiến kế.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, qua thảo luận nổi lên vấn đề lớn, đó là cơ chế chính sách để bà con trồng rừng sống được. Họ phải sống được thì mới bảo vệ được rừng. “Hỗ trợ kế sinh nhai cho người dân ở vùng lõi rừng như thế nào, làm sao bảo đảm để họ sống được, đó là điều mà luật phải thiết  kế  được. Phân bổ nguồn lực quốc gia như thế nào để  hỗ trợ trồng rừng cũng phải tính”, ông Cường nói.


Vũ Hân
.
.
.