Tặng sách ngày Tết: Cần nhân rộng, lan tỏa trong cộng đồng

Thứ Tư, 04/01/2017, 07:45
Ngay trước ngày tiễn năm cũ đi, đón năm mới về, người tham dự salon văn học của thư quán sách Nhã Nam đón nhận một ý tưởng bất ngờ từ nhà phê bình Mai Anh Tuấn: kêu gọi mọi người sử dụng tác phẩm văn chương như là quà tết. Tuy nhiên, ý tưởng có vẻ “độc, lạ” của nhà phê bình Mai Anh Tuấn trong tọa đàm bàn tròn “Văn chương như là quà tết” không hẳn là câu chuyện hoàn toàn mới.


Đúng 1 năm về trước, phong trào tặng sách ngày xuân đã được Tiki.vn – một trong số các đơn vị tham gia phát hành sách trực tuyến tổ chức khá rầm rộ. Hoạt động này được nhiều người làm văn hóa, kể cả những nhà văn có tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất cả nước như Nguyễn Nhật Ánh cũng hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình.

Những cuộc bàn thảo nhỏ nhỏ, vui vui với nội dung Tết này đọc sách gì, hàng loạt những chính sách giảm giá sách ngày Tết của các đơn vị làm sách cũng được triển khai. Nhưng đến nay, phong trào tặng sách ngày xuân vẫn chưa lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.

Việc chọn được sách có giá trị, phù hợp với người được tặng góp phần lan tỏa nét đẹp tặng sách ngày xuân.

Riêng về ý tưởng kêu gọi mọi người cùng tặng tác phẩm văn chương nói chung, tặng sách nói riêng thay món quà Tết Đinh Dậu 2017, nhà phê bình Mai Anh Tuấn cho biết, tác phẩm văn chương cũng là một hàng hóa. Chỉ có điều đây là hàng hóa đặc biệt hơn so với những hàng hóa thông dụng khác, phục vụ tiêu dùng hàng ngày.

Ý tưởng coi văn chương như là quà Tết không hẳn là ý tưởng mới mẻ. Từ nửa đầu thế kỷ 20, quảng cáo trên tạp chí Tri Tân đặt sách đọc Tết như là một hương vị không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền. Quảng cáo sách tái bản lần 2 cuốn “Thi nhân Việt Nam” viết: “Tết năm nay anh em nào yêu thích văn chương nếu chẳng có quyển “Thi nhân Việt Nam” bên ấm trà sen, đĩa mứt ngọt hay bên mâm đèn, Tết ấy mất phần hứng thú hết năm bảy phần”.

Cũng theo Mai Anh Tuấn, viết bài cho các số báo Xuân đã trở thành một công việc mang về nguồn thu quan trọng cho một số văn nhân. Đến nay, báo Tết vẫn là địa chỉ được các  nhà văn, nhà thơ mong muốn gửi gắm “đứa con tinh thần” của mình. Vì thế, coi văn chương như quà Tết là chuyện nên làm, cần làm.

Trao đổi về ý tưởng của nhà phê bình Mai Anh Tuấn, Tiến sĩ Trần Trọng Dương bày tỏ sự ủng hộ và cho rằng không chỉ nên coi văn chương như là quà Tết mà còn rất cần nhân rộng hơn phong trào tặng sách ngày xuân, nhất là với con trẻ.

Nhìn dưới góc độ của người làm nghiên cứu thì việc tặng sách ngày xuân là sự tiếp nối truyền thống trọng chữ của người Việt. Từ xưa, mỗi dịp tết đến xuân về, nhà nhà đều rộn ràng xin chữ về treo Tết. Câu đối đỏ là thành phần không thể thiếu trong mỗi Tết cổ truyền.

Dưới góc độ thực tế xã hội thì hiện nay, việc tặng quà Tết, kể cả mừng tuổi ngày Tết cho các bậc cao niên, trẻ em trong gia đình đang trở thành “bình phong” cho những hoạt động phục vụ mục đích vụ lợi của người đi tặng quà, người mừng tuổi. Việc chúng ta chuẩn bị hàng xấp phong bao giống nhau, có khi in kèm cả các thương hiệu nào đó rồi phát đồng loạt cho các con cháu trong buổi sáng đầu năm, đôi khi tạo cảm giác như đang... phát tờ rơi quảng cáo.

Thế nên, đã rất nhiều năm nay, việc đi chọn mua sách tặng các con cháu trong gia đình, họ hàng, làng xóm là hoạt động được Tiến sĩ Trần Trọng Dương đầu tư thời gian, công sức dịp cuối năm.

Tiến sĩ Trần Trọng Dương cũng tâm sự rằng, lần đầu tiên anh mừng tuổi trẻ bằng sách, mọi người có vẻ lạ, thậm chí trẻ không thích, nhưng, lâu dần thành quen. Đến nay, việc được cha mừng tuổi sách, cả gia đình cùng quây quần bên cuốn sách đã trở thành niềm vui của các con mỗi dịp Tết cũng như cuộc sống hàng ngày.

Cho rằng tặng sách là nét đẹp ngày xuân, góp phần tích cực để thúc đẩy phát triển văn hóa đọc nhưng Thạc sĩ Lê Hương Thủy cũng bày tỏ băn khoăn. Theo chị, tặng quà thì cần phải quan tâm đến tâm lý của người nhận. Nếu người được tặng không thích món quà, không sử dụng thì việc tặng quà mất ý nghĩa, thậm chí tạo hiệu ứng ngược.

Tặng sách ngày xuân cần thiết nhưng không dễ. Việc chọn cuốn sách nào cho phù hợp với người được tặng là cả một nghệ thuật đòi hỏi sự tinh tế, sự hiểu biết về đối tượng được tặng. Và, để phong trào tặng sách ngày xuân thực sự lan tỏa rộng rãi hơn nữa trong cộng đồng thì bên cạnh việc xuất bản những cuốn sách hay, giàu giá trị, cũng cần có những chiến dịch truyền thông bài bản, đánh động tâm thức của người đọc và cần có sự chung tay góp sức nhiều hơn nữa từ đội ngũ những người làm công tác xuất bản, phát hành sách lẫn các tổ chức xã hội khác.

Ngọc Nguyễn
.
.
.