Sức sống mới ở những ngôi làng ven biển

Chủ Nhật, 16/04/2017, 08:40
Sau sự cố môi trường biển, bằng sự can trường và nghị lực, ngư dân miền Trung, trong đó có tỉnh Thừa Thiên - Huế đã biết đoàn kết, cùng nhau bám biển để “vực dậy” sức sống cho những ngôi làng nằm nép mình bên biển cả…


Chúng tôi về thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) vào một sáng giữa tháng 4, đúng thời điểm các ngư dân trong thôn đang tất bật chuẩn bị xay đá, khuân vác lương thực, nước ngọt đưa lên tàu để chuẩn bị cho một chuyến đi biển dài ngày. 

Ông Trần Thanh Hữu, Trưởng thôn, nước da ngăm đen đậm chất miền biển, tay cầm cuốn sổ bước đến bên những chiếc tàu cá đang nổ máy chuẩn bị xuất bến, dõng dạc nói: “Anh Liền, anh Quân, anh Dành... mấy anh chuyến này cố gắng bám biển đánh bắt nhiều hải sản vào nhé. Sau chuyến này, mọi người trở vào bờ sẽ được nhận tiền chi trả bồi thường sự cố môi trường biển đợt 2 đấy”. Nghe trưởng thôn thông báo, các ngư dân trên tàu cười nói vui mừng vẫy tay chào tạm biệt để nhổ neo ra khơi.

Nhờ sự nỗ lực vươn khơi, bám biển của ngư dân, những ngôi làng thuộc thị trấn Thuận An dần khởi sắc.

Ngồi tâm sự cùng chúng tôi, ông Hữu cho hay, hiện thôn Hải Tiến có 755 hộ dân thì có 75% số hộ làm nghề biển, với khoảng 130 tàu thuyền, trong đó có gần 40 tàu cá đánh bắt xa bờ. Đúng vào thời điểm này một năm về trước, cũng như ngư dân các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh, Quảng Bình đến Quảng Trị, ngư dân ở thôn Hải Tiến rơi vào cảnh điêu đứng khi việc đánh bắt hải sản phải tạm ngưng do sự cố môi trường biển. 

“Tuy nhiên, sự cố nào rồi cũng vượt qua, biển “chết” rồi lại “hồi sinh” nên thời gian gần đây, ngư dân trong thôn đã bám biển trở lại. Đặc biệt những chuyến biển vừa qua, ngư dân chúng tôi thường trúng đậm những mẻ cá lớn, trừ chi phí xăng dầu, vẫn còn dư một khoản kha khá để chia cho bạn thuyền nên rất vui”, ông Hữu trải lòng. 

Đặc biệt, nhờ vào sự cần cù, chịu khó nên sau nhiều năm bám biển, không ít ngư dân ở Hải Tiến đã sắm được tàu cá công suất lớn, xây dựng được nhà cửa khang trang, góp phần tạo nên diện mạo mới, sức sống mới cho làng quê nơi đây. 

Không ít ngư dân đã trở thành “triệu phú”, sắm tàu bạc tỷ, xây nhà cao cửa rộng, đầu tư cho con cái ăn học thành đạt. Như ngư dân Trần Quân đã đóng được 2 tàu cá số hiệu TTH-95559 (410 CV) và TTH-95599 (650CV); ngư dân Nguyễn Liền, chủ tàu cá TTH-21729 công suất 420CV... 

Đáng chú ý, với tổng số tiền bồi thường khoảng 4,5 tỷ đồng sau sự cố môi trường biển, nhiều ngư dân còn mạnh dạn vay thêm vốn để đóng tàu mới, số còn lại được ngư dân sử dụng vào việc cải hoán máy móc, mua sắm ngư lưới cụ. 

Ngoài ra, một số ngư dân đã sử dụng tiền bồi thường để phát triển hậu cần nghề cá khi thôn Hải Tiến có nhiều tàu chuyên thu mua hải sản, vừa kết hợp đánh bắt mang lại hiệu quả cao. 

Ngư dân Trần Văn Hội (52 tuổi) đầu tư đóng 2 tàu cá công suất 300-500CV để phục vụ hậu cần nghề cá, nói rằng, vào mùa đánh bắt, bình quân mỗi chuyến ra khơi, tàu của ông thu mua 40-50 tấn hải sản với các loại cá, tôm từ các tàu bạn, sau đó đưa vào đất liền bán cho thương lái. 

“Nghề biển thường đối mặt với nhiều hiểm nguy, nhất là khi có giông bão nên đòi hỏi ngư dân cần có sức khỏe, kiên trì, chịu khó. Nếu biết cách làm ăn thì mỗi năm, chủ tàu cá có thể thu lợi hàng trăm triệu đồng...”, ông Hội giãi bày.

Theo ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, hiện toàn thị trấn có khoảng 400 tàu thuyền, trong đó tàu từ 90 đến trên 800 mã lực có 130 chiếc và 45 chiếc chuyên làm dịch vụ hậu cần nghề cá, góp phần rất lớn trong việc giảm chi phí nhiên liệu, giúp ngư dân tăng thời gian đánh bắt dài ngày trên biển. Nhờ vào việc ngư dân mạnh dạn đầu tư phát triển nghề biển và đem lại hiệu quả kinh tế nên ngoài Hải Tiến, hiện nhiều thôn của thị trấn như An Hải, Tân Bình, Tân Lập cũng đang dần khởi sắc từng ngày...

Liên quan đến chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường biển, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tổng số kinh phí bồi thường thiệt hại của các địa phương thuộc địa bàn tỉnh đã được phê duyệt đến nay là 680,76 tỷ đồng/20.018 đối tượng. Hiện các địa phương đã thực hiện công tác chi trả đợt 1 với hơn 323,2 tỷ đồng trong tổng số 400 tỷ đồng tạm cấp cho 18.158 đối tượng, đạt 80,82%.

“Sau khi nhận tiền bồi thường, các ngư dân đã sử dụng tiền vào đúng mục đích như đóng tàu mới, nâng cấp, cải hoán máy móc, mua sắm ngư lưới cụ phục vụ sản xuất kinh tế biển. Hiện các địa phương và cơ quan chức năng của tỉnh đang tiếp tục triển khai công tác chi trả bồi thường, hỗ trợ thiệt hại sự cố môi trường biển cho ngư dân đúng theo Quyết định 1880/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ nhằm giúp ngư dân ổn định cuộc sống, tiếp tục vươn khơi bám biển để phát triển kinh tế”, ông Phương cho hay.

Anh Khoa
.
.
.