Phấp phỏng chờ thưởng Tết
- Thưởng Tết 2019: Vẫn có những ngậm ngùi!
- Thưởng Tết Kỷ Hợi 2019 trung bình 6,3 triệu đồng/người
- Người được thưởng Tết cao ngất ngưởng, người không có… lương1
Tới thời điểm này, chưa có thông tin chính thức về phương án thưởng Tết 2020, tuy nhiên theo đánh giá, mức thưởng năm nay cơ bản như mức thưởng năm 2019.
Người lao động háo hức
Những ngày cuối tháng 12, chị Nguyễn Thị Mai (35 tuổi, công nhân may KCN Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội) đã bắt đầu ngóng thưởng Tết. Chị Mai cho hay, cũng như năm ngoái, năm nay lượng đơn hàng của công ty có nhiều khởi sắc hơn. Có những tháng công nhân phải tăng ca miệt mài đến 10 giờ đêm.
“Năm ngoái Tết dương lịch công nhân được thưởng 500 nghìn đồng, Tết âm lịch được 1 tháng lương. Năm nay đơn hàng nhiều hơn, công nhân tăng ca nhiều hơn trước. Vì thế công nhân rất kỳ vọng vào thưởng Tết năm nay để có thêm chút đỉnh chi tiêu ngày Tết. Đang trong thời điểm “bão giá” nên Tết năm nay mọi thứ chi phí sẽ đắt đỏ hơn”, chị Mai hy vọng.
Thưởng Tết luôn được người lao động trong các doanh nghiệp chờ đợi. Ảnh minh họa: CTV |
Nhắc đến thưởng Tết, chị Nguyễn Trà My (làm việc tại một công ty tư vấn doanh nghiệp, trụ sở trên phố Nguyên Hồng, Hà Nội) dù cũng ngóng thưởng Tết nhưng không quá kỳ vọng. Chị My chia sẻ, chị gắn bó với công ty hơn chục năm nay, mức thưởng đều đều 1-2 tháng lương, không có đột biến.
“Năm ngoái tình hình tài chính có kém hơn, công ty thưởng mỗi người một tháng lương. Còn năm nay, công ty hoàn thành được nhiều hợp đồng lớn nên chắc thưởng Tết có khá hơn nhưng cũng chỉ 2 tháng lương. Mọi người trong công ty không kỳ vọng về việc sẽ được thưởng Tết nhiều hơn, chỉ mong có thưởng sớm để mua sắm tết”, chị My chia sẻ.
Công nhân thấp thỏm suy đoán về thưởng Tết, tuy vậy khi đề cập đến vấn đề này phía doanh nghiệp lại rất dè dặt chia sẻ thông tin. Ông Mai Văn Hùng, Giám đốc Công ty thương mại và xuất nhập khẩu Linh Hân cho hay, doanh nghiệp đang xây dựng kế hoạch phương án thưởng Tết. Mặc dù năm nay kinh tế có khá hơn nhưng cũng có những thời điểm công ty vẫn khó khăn. Là đơn vị chuyên về hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, với gần 2000 công nhân, để đảm bảo việc làm, lương cũng như các chế độ phúc lợi cho người lao động, lãnh đạo công ty cũng phải rất cố gắng.
“Có những năm rất khó khăn, doanh nghiệp vẫn có thưởng Tết cho công nhân. Nhiều ít gì thì cũng phải có để động viên tinh thần người lao động. Năm nay, kinh tế có khá hơn chúng tôi đang lên phương án thưởng Tết sẽ tốt hơn cho người lao động để bù đắp những thời điểm công ty khó khăn nhưng người lao động vẫn gắn bó, đồng hành và chia sẻ với công ty. Bên cạnh đó, công ty còn có những phần quà bằng hiện vật và hỗ trợ vé tàu xe cho người lao động về quê ăn Tết”, ông Hùng cho biết.
Sẽ không có nhiều biến động
Thời điểm này các địa phương đang khẩn trương yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp phối hợp với công đoàn gấp rút báo cáo tình hình nợ lương 2019, tiền lương và kế hoạch thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh trong dịp Tết dương lịch 2020 và Tết Nguyên đán Canh Tý cho người lao động ở các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất theo yêu cầu của Bộ LĐ-TB&XH.
Thưởng Tết đã trở thành văn hóa doanh nghiệp và người lao động rất mong chờ. |
Theo ông Nguyễn Bá Lực, Trưởng phòng Lao động tiền lương (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), hiện đơn vị này vẫn chưa có báo cáo chính thức về tình hình lương, thưởng Tết trên địa bàn thành phố do chưa đủ số lượng quận huyện để tổng hợp. Số liệu ban đầu cho thấy mức lương, thưởng có khởi sắc. Tuy nhiên, số lượng cụ thể phải chờ báo cáo đầy đủ từ các quận, huyện.
Nhận định về phương án thưởng Tết Canh Tý 2020, ông Tống Văn Lai, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, quan sát những năm gần đây thì thưởng Tết đều có sự tăng trưởng nhẹ nhưng không có đột biến.
Theo ông Lai, lương, thưởng là vấn đề nhạy cảm, những năm gần đây các doanh nghiệp đã rút kinh nghiệm từ những lần thưởng Tết trước, hạn chế thưởng khủng hoặc thưởng chênh lệch quá nhiều vì sợ gây ra những hiểu nhầm, bức xúc cho người lao động.
“Năm nay, Tết Dương lịch và Nguyên đán Canh Tý 2020 gần nhau, khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ cân đối, tập trung vào thưởng Tết Nguyên đán… Tính tổng như vậy, có lẽ không cao hơn nhiều so với năm 2019”, ông Lai dự báo.
Trong khi đó, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho hay, dù chưa có báo cáo, nhưng một số doanh nghiệp đã có phương án và quỹ thưởng Tết dương lịch, âm lịch 2020. Có một số doanh nghiệp gộp chung thưởng Tết dương lịch và âm lịch, do 2 dịp chỉ cách nhau 3 tuần, như ở Đà Nẵng.
“Cơ bản mức thưởng Tết vẫn như mọi năm. Một số doanh nghiệp thực sự có bứt phá trong làm ăn có thể sẽ thưởng cao hơn”, ông Quảng nói.
Theo Quảng, chuyện thưởng Tết đã dần trở thành văn hoá doanh nghiệp, và cuối năm người lao động đều mong chờ. Do vậy, chỉ những doanh nghiệp thật sự khó khăn mới không thưởng. Một số lĩnh vực dự kiến thưởng cao như tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp tư vấn dịch vụ…
Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vài năm gần đây năm nào lương tối thiểu cũng tăng, mức tăng cũng không quá cao, được thông báo trước, nên doanh nghiệp đều có sự chuẩn bị. Do đó, không thể lấy lý do tăng lương tối thiểu để cắt thưởng của người lao động.