Thưởng Tết 2019: Vẫn có những ngậm ngùi!

Thứ Tư, 23/01/2019, 07:33
Đến thời điểm hiện tại, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TBXH) đã công bố báo cáo tổng hợp về tình hình thưởng Tết 2019. Mức thưởng bình quân hơn 6,3 triệu đồng/người lao động được đánh giá là cao hơn 11% so với mặt bằng mức thưởng năm 2018.


Theo đánh giá của Bộ LĐ- TBXH, thưởng Tết năm nay cao hơn năm trước bởi kinh tế có bước phát triển, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có nhiều khởi sắc.

Đây thực sự là tin vui với người lao động sau một năm làm việc cật lực. Thế nhưng thực tế trong số hàng triệu lao động vẫn có không ít người ngậm ngùi, bởi cũng theo Bộ LĐ- TBXH vẫn có tới 20% doanh nghiệp không có thưởng Tết, con số này không hề nhỏ.

Cận Tết, không ít người lao động vẫn thấp thỏm chờ thông báo thưởng Tết từ doanh nghiệp.

Đến thời điểm hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã có phương án thưởng Tết cho người lao động. Theo con số của Sở LĐ- TBXH Hà Nội dự kiến thưởng Tết âm lịch bình quân tăng cao hơn so với năm trước từ 4% đến 6%. Tuy vậy, thực tế vẫn có không ít người, dù Tết đã rất gần vẫn chưa biết thưởng Tết sẽ như thế nào.

Chị Nguyễn Ngọc Mai (33 tuổi, quê ở Yên Bái) đang làm việc tại một doanh nghiệp may trong Khu Công nghiệp Quang Minh cho biết, hàng tháng mức lương của chị nếu tính cả tiền tăng được khoảng 6 triệu đồng. Mỗi năm thưởng Tết tùy vào tình hình kinh doanh của công ty, năm cao thì được khoảng 5 triệu, nhưng có năm thưởng Tết chỉ gọi là có chút “động viên tinh thần”.

“Thưởng Tết ở công ty tôi phụ thuộc vào tình hình kinh doanh. Tuy vậy một năm cũng có thời điểm khó khăn, nhưng cũng có thời điểm đơn hàng nhiều, chúng tôi tăng ca liên tục cả tháng trời.

Công nhân thì cũng chỉ biết làm việc, còn thực tế kinh doanh cả năm thế nào thì chỉ có lãnh đạo công ty mới nắm rõ. Nhưng đến giờ chưa thấy nói gì đến thưởng Tết nên ai cũng sốt ruột, không biết có thưởng hay không”, chị Mai chia se.

Làm việc tại công ty chuyên về tư vấn doanh nghiệp trên ở khu vực Láng Hạ, chia sẻ về thưởng Tết chị Nguyễn Trà My không thực sự hào hứng. Lý do là công ty năm nay làm ăn thực sự khó khăn. Những năm trước có năm Tết được thưởng 1- 2 tháng lương, nhưng năm nay gần 40 người trong công ty nhắc đến thưởng Tết đều ngậm ngùi.

Suốt từ đầu năm đến khoảng tháng 7 tháng 8, số hợp đồng ký được rất ít. Có tháng lương còn chậm đến cả chục ngày. Chỉ có vài tháng cuối tình hình có vẻ ổn hơn. Nói thế nào thì mình cũng phải chia sẻ chứ không thể đòi hỏi được.

Nếu có thì cũng tốt bởi tết nhất nhiều việc chi tiêu nhưng nếu chỉ có gọi là một chút động viên tinh thần, chúng tôi cũng vui vẻ bởi mình gắn bó với công ty nhiều năm rồi, cũng phải chia sẻ những lúc khó khăn”, chị My trần tình.

Theo con số của Bộ LĐ- TBXH, khảo sát tại 25.565 doanh nghiệp sử dụng gần 4 triệu lao động trên phạm vi cả nước cho thấy, tiền thưởng nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 của người lao động tăng so với năm trước.

Đến thời điểm này, đa số doanh nghiệp đã hoàn thành việc thưởng Tết Dương lịch, với mức thưởng bình quân hơn 1,4 triệu đồng/người, tăng 23,3% so với năm 2018.

Thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cho người lao động bình quân bằng khoảng 1 tháng lương, tương ứng hơn 6,3 triệu đồng/người, tăng 11,4% so với năm trước. Thế nhưng, có những doanh nghiệp công bố thưởng Tết lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng cũng có đơn vị chỉ thưởng một vài trăm nghìn đồng.

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ- TBXH Doãn Mậu Diệp cho biết, dù đã rất cố gắng, cả nước vẫn còn khoảng 20% doanh nghiệp chưa thưởng Tết Dương lịch cho người lao động do sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. “Nếu thấy chế độ tiền lương, thưởng chưa thỏa đáng, người lao động và tổ chức đại diện tập thể người lao động cần rà soát lại các thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Trong trường hợp người sử dụng lao động đã thực hiện đúng các thỏa thuận, thì người lao động và tổ chức đại diện tập thể người lao động cần gặp gỡ, trao đổi, thương lượng với người sử dụng lao động để có chế độ tiền lương, tiền thưởng hợp lý. Trường hợp người sử dụng lao động chưa thực hiện đúng các thỏa thuận, các bên liên quan cũng nên bàn bạc, trao đổi, thương lượng để tìm giải pháp tháo gỡ”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ- TBXH, các doanh nghiệp trả lương, chi thưởng vào dịp Tết cho người lao động dựa trên nhiều yếu tố.

Do đó, không có gì khó hiểu khi chúng ta thấy có những doanh nghiệp trả lương, chi thưởng cho người lao động rất cao, song cũng có những đơn vị trả lương, chi thưởng khá thấp. Doanh nghiệp có mức thưởng cao thường tập trung ở những ngành, nghề có nhiều lợi thế phát triển như ngân hàng, tài chính, bất động sản và doanh nghiệp thưởng Tết thấp thường ở ngành gia công, chế biến…

Trong doanh nghiệp, người lao động ở những vị trí khác nhau, đảm nhận những công việc khác nhau cũng có thể nhận được mức lương, thưởng khác nhau. Tất nhiên, mức lương thấp nhất vẫn phải bảo đảm bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

Phan Hoạt
.
.
.