Nóng vấn đề ô nhiễm môi trường vùng giáp ranh với vịnh Hạ Long
- Đề xuất các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường trong CAND
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra và giải quyết các điểm nóng ô nhiễm môi trường
- Ghềnh đá Nam Ô đối mặt với ô nhiễm môi trường
Hiện vùng giáp ranh vịnh Hạ Long có hai nhà máy xi măng của Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long với 1 dây chuyền công suất 2,3 triệu tấn/năm và Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long với 1 dây chuyền 2 triệu tấn/năm. Hai nhà máy xi măng này nằm ở khu vực Cầu Bang, bên bờ vùng biển Cửa Lục, cửa ngõ phía bắc đầu tiên của vịnh Hạ Long. Về địa giới, cả hai nhà máy này đều nằm ở huyện Hoành Bồ, thuộc vùng phụ cận của vịnh Hạ Long nhưng trên thực địa lại nằm sát vùng di sản vịnh Hạ Long.
Hai nhà máy này nằm trong Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có đầy đủ thủ tục pháp lý về môi trường theo quy định; đầu tư lắp đặt, vận hành hệ thống công nghệ tiên tiến xử lý khí thải, khói, bụi, hệ thống quan trắc tự động khí thải ống khói, dữ liệu quan trắc được truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các nhà máy xi măng này còn hiện tượng phát tán bụi gây ô nhiễm tới vùng di sản, cơ quan chức năng của tỉnh đã nhắc nhở nhiều lần. Cụ thể, từ năm 2011 đến năm 2018, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính hai công ty trên, với mức từ 55 triệu đồng đến 290 triệu đồng vì vi phạm trong lĩnh vực môi trường.
Tại kỳ họp này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết: Hai nhà máy xi măng nằm ven vùng vịnh Hạ Long gây ô nhiễm môi trường, đề nghị chỉ thực hiện đúng quy hoạch của Thủ tướng đã phê duyệt đối với hai nhà máy xi măng này. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đề nghị, Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ không đưa hai nhà máy xi măng này vào Quy hoạch phát triển xi măng Việt Nam các giai đoạn tiếp theo.
Trước đó, vào năm 2014, tại Nghị quyết 141, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh ra quyết nghị về việc dừng mở rộng, nâng công suất hiện có của các nhà máy xi măng Hạ Long và Thăng Long, di chuyển các nhà máy dự kiến theo quy hoạch hết năm 2030. Hội đồng nhân dân tỉnh đồng thuận cao chủ trương không quy hoạch mới các nhà máy nhiệt điện, xi măng trong vòng bán kính ít nhất cách ranh giới ngoài vùng đệm vịnh Hạ Long 15km.
Ngày 8-9-2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh có văn bản số 5604/UBND-QH3 đề nghị Bộ Xây dựng xem xét điều chỉnh quy hoạch theo hướng, đối với nhà máy xi măng nằm trong khu vực đô thị, ven vịnh Cửa Lục, vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, có ảnh hưởng đến cảnh quan cũng như môi trường đô thị, môi trường vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long: Dừng việc mở rộng nâng công suất các nhà máy xi măng hiện có; di chuyển vị trí các nhà máy dự kiến xây dựng theo quy hoạch. Giai đoạn trước mắt, các nhà máy có giải pháp đảm bảo yêu cầu cảnh quan và môi trường khu vực lân cận.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Sau năm 2030, khi các nhà máy xi măng ngừng hoạt động hoặc thực hiện di dời, quỹ đất các nhà máy hiện có sẽ được sử dụng để tái thiết, phát triển đô thị, công nghiệp sạch phù hợp.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 702/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch nhằm nâng cao vai trò, vị thế của thành phố Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung trong khu vực, quốc tế.
Quy hoạch trên cũng nhằm xây dựng thành phố Hạ Long theo hướng phát triển bền vững, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng và phát triển thành phố Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện, là trung tâm dịch vụ - du lịch đẳng cấp quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu bảo vệ môi trường nghiêm ngặt.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nguyễn Xuân Ký đề nghị, cơ quan chức năng của tỉnh sớm có văn bản chính thức kiến nghị các bộ, ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ: Điều chỉnh, đưa ra khỏi quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đối với hai nhà máy Hạ Long 2 và Thăng Long 2 (thuộc dự án mở rộng hai nhà máy xi măng trên) để tạo điều kiện đến hết năm 2025 - 2030 tỉnh Quảng Ninh thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Quảng Ninh xác định rõ mục tiêu từng bước chuyển đổi theo lộ trình các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp xung quanh vịnh Cửa Lục sang chức năng dịch vụ đô thị để bảo vệ môi trường.