Những nghịch lý khiến không thể xử lý vi phạm quán bar, vũ trường

Thứ Hai, 08/01/2018, 08:33
Những ngày cuối năm 2017 và đầu năm 2018, cơ quan chức năng ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai liên tiếp kiểm tra các quán bar, vũ trường và phát hiện khá nhiều sai phạm.

Điều đó cho thấy hoạt động bar, vũ trường không còn tập trung ở các thành phố lớn mà đã lan rộng ra các vùng lân cận. Hậu quả nặng nề từ các quán bar, vũ trường hoạt động trái phép, vi phạm quy định pháp luật là chuyện không có gì bàn cãi nhưng vấn đề quan trọng cần nói là việc xử lý các quán bar, vũ trường đang vướng rất nhiều khó khăn, nghịch lý cần được xem xét, tháo gỡ.

Khoảng 0h30 ngày 30-12, các phòng nghiệp vụ Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Đoàn 1 Kiểm tra liên ngành Văn hóa Xã hội (Sở LĐ-TB&XH) đồng loạt kiểm tra hành chính 2 quan bar ở quận 1: bar 212 club nằm trên đường Nguyễn Trãi, phường Phạm Ngũ Lão và quán bar số 5, đường Lý Tự Trọng phường Bến Nghé. 

Tổ công tác đã lập biên bản xử lý 2 quán bar này với nhiều lỗi vi phạm như hoạt động quá giờ quy định, thiếu trách nhiệm để khách sử dụng ma tuý… Trước đó, 0h15 ngày 24-12, Công an quận 7 (TP Hồ Chí Minh) kiểm tra hành chính quán bar 396 nằm trên đường Lê Văn Lương, phường Tân Hưng. Qua kiểm tra nhanh, có 62 người dương tính với chất ma túy, phần đông trong số họ đến từ các tỉnh và thuộc thành phần bất hảo ở địa phương…

Ở Đồng Nai, rạng sáng 31-12-2017, Công an TP Biên Hòa phối hợp cùng Phòng Cảnh sát bảo vệ và Cơ động - Công an tỉnh Đồng Nai kiểm tra quán bar-clup H5 nằm trên đường Võ Thị Sáu (phường Thống Nhất, TP Biên Hòa) do Công ty TNHH Hoàng Nam quản lý. Thời điểm này quán bar có hơn 200 người đang lắc lư điên cuồng theo điệu nhạc. 

Tại hiện trường, cơ quan chức năng cũng thu giữ nhiều viên nén ma túy tổng hợp và gói tinh thể màu trắng, nghi là ma túy đá. Nhiều dụng cụ sử dụng ma túy vương vãi trên nền nhà và các gầm bàn. Ngoài ra còn phát hiện và thu giữ một số hung khí trong người các đối tượng.

Tại Bình Dương, rạng sáng 1-1-2018, Công an thị xã Thuận An  kiểm tra đột xuất quán bar Diamond Luxury 2 (phường An Phú), phát hiện 5 nam, 2 nữ dương tính với ma túy. Quán bar Diamond Luxury 2 có tiếng ở Bình Dương và từng bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện khách sử dụng ma túy. 

Bên trong quán bar ở TP Hồ Chí Minh khi bị kiểm tra.

Trước đó, ngày 28-12-2017, Công an thị xã Dĩ An kiểm tra quán bar Diamond Luxury nằm trên đường GS4, phường Đông Hòa và phát hiện hơn 100 thanh niên nam, nữ lắc lư trong tiếng nhạc, có biểu hiện phê ma tuý đá. 

Qua kiểm tra nhanh, 40 người có kết quả dương tính ma tuý. Khám xét quán bar, cơ quan Công an tìm thấy trong tủ đồ của phòng để đồ nhân viên có 21 viên thuốc lắc, một gói lớn ma túy và 6 gói ma túy đá nhỏ có tổng trọng lượng khoảng 15gram. Hai đối tượng Nguyễn Quốc Nhật (29 tuổi) và Nguyễn Đức Tuấn (25 tuổi), nhân viên của quán bar khai nhận tàng trữ để bán lại cho khách đến chơi bar…

Qua phân loại người đến chơi bar, vũ trường cho thấy, có rất nhiều người ngụ TP Hồ Chí Minh tìm đến các bar, vũ trường ở Bình Dương, Đồng Nai và ngược lại. Ngoài các cậu ấm cô chiêu con nhà giàu có chơi bời lêu lỏng, còn có các đối tượng tội phạm, giang hồ, gái mại dâm cao cấp, tiếp viên nhà hàng… “đốt” tiền để mua “cảm giác mạnh” từ tiếng nhạc chát chúa. 

Mà trên hết đó là những buổi tiệc “quẩy tới bến” sau khi “cắn” thuốc lắc và cuối cùng là những cuộc “mây mưa” bên trong khách sạn, nhà trọ. Sự di chuyển của người chơi bar vượt hàng chục cây số suy cho cùng là để tìm bạn tình, bạn nghiện, bạn giang hồ mới và tiếp tục ngày dài trụy lạc. 

Để kiếm tiền ăn chơi, không ít thanh niên sa vào con đường phạm tội, tệ nạn… tạo thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trái lại, những kẻ kinh doanh bar, vũ trường thì tha hồ hốt bạc với giá bia rượu trên trời, có vũ trường kiếm lãi vài trăm triệu đồng mỗi đêm là chuyện bình thường. 

Lợi nhuận kếch xù mà chẳng bị hề hấn chi nên dù cơ quan chức năng ở các địa phương trên có ra quân rầm rộ để kiểm tra, xử lý nhưng cuối cùng thì đâu lại vào đấy. Mà ai cũng biết hoạt động kinh doanh các ngành nghề “nhạy cảm” chính là “bầu sữa” để nuôi nấng tội phạm, trong đó nổi trội hơn cả là kinh doanh quán bar, vũ trường.

Thường ở quán bar, vũ trường, cứ kiểm tra là ra các vi phạm na ná nhau. Đó là hoạt động quá giờ quy định; bán rượu mạnh không phép; ánh sáng, âm thanh không đảm bảo; buông lỏng quản lý để khách hàng sử dụng ma túy trong cơ sở kinh doanh… Các lỗi này chỉ phạt hành chính, nặng lắm là đề xuất rút giấy phép nhưng khổ nổi họ có giấy phép đâu mà rút? 

Như ở TP Hồ Chí Minh, hiện chỉ có khoảng 10 vũ trường hoạt động có phép nhưng có đến 150 cơ sở là biến tướng của vũ trường. Tức các chủ doanh nghiệp (DN) xin thành lập nhà hàng, khách sạn có quầy bar nhưng sau đó đã biến quầy bar thành vũ trường mini. 

Như quán bar New Sài Gòn, giấy phép kinh doanh là hoạt động nhà hàng, dịch vụ ăn uống, du lịch, quảng cáo… nhưng người chủ cho thiết kế cơ sở giống hệt như một vũ trường để hoạt động. 

Cũng tại địa điểm này trước đây là vũ trường 1102 club, từng 3 lần bị xử phạt vi phạm hành chính, sau đó chuyển sang chủ mới rồi tiếp tục hoạt động. Hay như  4 quán bar nằm trên đường Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1 được biến tướng từ quán cà phê, bi-a… 

Để chứng minh mình “ngoại phạm”, người chủ giao toàn quyền cho quản lý, hết ngày kinh doanh thì đến lấy tiền rồi “lặn” mất tăm. Có nơi quản lý còn không biết người chủ tên thật là gì, nhà cửa ở đâu. Khi bị kiểm tra nếu có dính đến vi phạm hình sự thì người chủ đổ hết cho quản lý, còn mình đóng phạt hành chính là xong. Với mức tiền phạt tầm vài chục triệu đồng cho các lỗi vi phạm cũng giống như… gãi ngứa!

Trong trường hợp quán bar, vũ trường hoạt động có giấy phép thì việc xử lý cũng hết sức khó. Cơ quan Công an có thể đề xuất rút giấy phép nhưng còn chuyện rút giấy phép hay không lại thuộc quyền quyết định của Sở Kế họach - Đầu tư mà thường là không rút được.

Bởi theo Luật DN 2014, DN chỉ bị rút giấy phép trong các trường hợp: Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký DN là giả mạo; DN hình thành do những người bị cấm thành lập DN; DN ngừng hoạt động kinh doanh 1 năm mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế; DN không gửi báo cáo theo quy định đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản và trường hợp khác theo quyết định của Tòa án. 

Chiếu theo đó thì những vi phạm của DN kinh doanh quán bar, vũ trường không thuộc phạm vi điều chỉnh nên không thể rút giấy phép.

“Những năm gần đây có một số trường hợp bị rút giấy phép nhưng sau đó họ nhờ người nhà (hoặc thuê người khác) đứng tên thành lập DN mới và tiếp tục hoạt động trên mặt bằng cũ. Nguyên nhân là do pháp luật không cấm việc thành lập DN trên địa điểm bị rút giấy phép trước đó”, Thiếu tá Phạm Thanh Việt - Đội trưởng Đội 6, Phòng PC45, Công an TP Hồ Chí Minh phân tích.

Những nghịch lý nêu trên chính là kẽ hở của pháp luật khiến cho việc kiểm tra, xử lý vi phạm của quán bar, vũ trường không đem lại hiệu quả mong muốn, dẫn đến các tệ nạn này vẫn nảy sinh phức tạp.

Mã Hải
.
.
.