Những làng chài giàu lên từ biển

Thứ Tư, 31/01/2018, 10:53
Trước đây nhắc đến các làng chài ven biển miền Trung, nhiều người đều nghĩ đó là những vùng quê nghèo, vất vả khó khăn.

Song khoảng 5 năm trở lại đây, với hàng loạt chính sách của Đảng và Nhà nước như: Hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu, hỗ trợ xăng dầu cho tàu đánh bắt xa bờ, đầu tư phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá, mở rộng thị trường xuất khẩu thủy hải sản…, giờ đây,  không ít làng biển miền Trung, ngư dân đã sắm được ôtô, xây nhà cao tầng trở thành các vùng quê giàu có.

Đồng hành cùng ngư dân ra biển

Dọc theo triền cát trắng miền Trung, nhiều gia đình ngư dân, cha còn lênh đênh trên biển, con đã chuẩn bị xuống tàu ra khơi đánh cá.

Biển cả chan hoà nhưng cũng đầy bất trắc, bão tố, bởi vậy muốn đánh bắt thuỷ hải sản chuyên nghiệp trên biển buộc ngư dân phải xích lại gần nhau, và các Nghiệp đoàn nghề cá ở miền Trung (NĐNC) đã ra đời.

Nhờ việc thành lập các NĐNC, hàng ngàn ngư dân đã hạn chế được nhiều rủi ro giữa mênh mông biển cả. Ngư dân các NĐNC đang chung sức cùng nhau khi trái gió, trở trời; kêu gọi nhau tránh bão; đồng lòng ngăn cản tàu lạ xâm nhập vùng biển của Tổ quốc...

Với sự tần tảo sớm khuya trên biển, hàng ngàn ngư dân các tỉnh miền Trung đang giàu lên nhờ biển. Những kinh nghiệm hay từ NĐNC của ngư dân miền Trung đang được ngư dân nhiều địa phương khác noi theo.

Nhờ các NĐNC trên biển, nhiều tàu thuyền cửa ngư dân gặp nạn đã được các thuyền bạn kịp thời ứng cứu. Mới đây, tàu cá QB 3969 TS, công suất 70CV, do ông Nguyễn Văn Hòa (28 tuổi), quê ở thôn Hải Đông, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình làm thuyền trưởng, trên tàu có năm thuyền viên đang đánh bắt thủy sản ở tọa độ 18 độ 05 phút, vĩ độ bắc - 108 độ 10 phút, kinh độ đông, thì bất ngờ bị một chiếc tàu hàng chưa rõ của nước nào đâm chìm rồi bỏ chạy.

Toàn bộ thuyền viên rơi xuống biển nhưng rất may được các tàu cá Quảng Bình ở gần đó kịp thời cứu nạn và đưa về đất liền an toàn. Không chỉ cứu sống nhiều bạn bè ngư phủ khi tàu bị hỏng máy, gặp gió to sóng lớn, ngư dân Quảng Bình còn cứu sống nhiều ngư dân nước bạn gặp nạn.

Hơn một năm về trước, nhiều làng chài ven biển miền Trung đều bị điêu đứng do sự cố môi trường biển. Từ trung ương đến địa phương, lãnh đạo các ban, ngành đã vào cuộc sát cánh cùng với ngư dân để vượt qua hoạn nạn.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương đều cắt cử về các xã vùng biển để bám sát địa bàn lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân để báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy tìm cách giải quyết, tháo gỡ khó khăn giúp đỡ ngư dân.

Trong lúc chờ sự hỗ trợ từ Trung ương, Quảng Bình đã tạm ứng 500 tấn gạo hỗ trợ ngư dân, các hộ làm muối, nuôi trồng thủy sản, đồng thời chi ngân sách hơn 2,6 tỷ đồng để hỗ trợ cho 2.699 tàu cá của ngư dân. 

Tại Hà Tĩnh, ngay sau khi Chính phủ tổ chức họp báo công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt, tỉnh đã ra Quyết định 1822 để hỗ trợ cho bà con ngư dân mua thẻ bảo hiểm thuộc hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố, hỗ trợ đóng mới tàu, hỗ trợ cho các tàu cải hoán từ 90 CV trở lên, hỗ trợ 100% phí đào tạo, thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên, hỗ trợ mua máy thông tin liên lạc định vị vệ tinh…

Cùng với đó, mỗi khẩu được hỗ trợ khẩn cấp 15kg gạo/tháng, với tổng 4.500 nhân khẩu với các gia đình có tàu thuyền đánh bắt hải sản bị ảnh hưởng. Hà Tĩnh cũng đã hỗ trợ đóng mới tàu cụ thể là 600 triệu đồng cho các tàu 400CV trở lên, 400 triệu đồng cho các tàu từ 250 đến 400 CV, 200 triệu đồng cho các tàu từ 90 đến 250 CV.

Tỉnh cũng hỗ trợ cho các tàu cải hoán từ 90 CV trở lên, hỗ trợ 100% phí đào tạo, thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên, hỗ trợ mua máy thông tin liên lạc định vị vệ tinh, xây hầm bảo quản đông lạnh và hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu…

Ngư dân vui mừng khi tàu vừa cập bờ đều được tiểu thương mua thủy hải sản với giá cao.

Đổi thay từ những làng chài ven biển

Kết thúc năm 2017, có thể khẳng định đó là năm thắng lợi của ngành thủy hải sản và ngư dân miền Trung. Hàng vạn ngư dân dọc theo bãi biển miền Trung đã dong tàu ra biển cả. Những ngày qua, trời yên, biển lặng nên những chuyến tàu của bà con ngư dân cập bờ luôn đầy ắp tôm, cá.

Chúng tôi tìm về làng biển Đức Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, một làng nghề biển trên 500 năm tuổi với bao câu chuyện thăng trầm. Đức Trạch có hơn 80% lao động làm nghề biển.

Đức Trạch nép mình bên bờ biển hiền hòa, ở đó có hàng ngàn ngư dân chọn vùng biển Hoàng Sa như quê hương mình; có gia đình ngư phủ cha truyền con nối tỷ mẩn đóng tàu cho bà con ra biển; đêm đêm tiếng đọc bài, trò chơi của con trẻ vang vọng bên bờ biển...

Từ lâu, ngư dân miền Trung thường tìm đến Đức Trạch để đóng mới những con tàu vượt sóng ra khơi. Làng nghề nơi đây đã trở lại tấp nập như vốn có. Từ một ngôi làng nghèo nằm heo hút bên bờ biển, nay Đức Trạch là địa phương có hàng trăm tàu công suất lớn trị giá từ 2-10 tỷ đồng đang đánh bắt trên biển.

Những vùng bãi ngang ven biển ở huyện Nghi Xuân, Thạch Hà… Hà Tĩnh, hay Bố Trạch, Quảng Ninh, Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình tàu thuyền của ngư dân đã tấp nập ra vào.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều ngư dân quả quyết: sau khi nhận được tiền hỗ trợ, đền bù chi trả do sự cố môi trường biển vừa qua, ngư dân không chuyển đổi ngành nghề, bởi nếu chuyển cũng chẳng biết chuyển qua nghề gì, vì vậy khi có tiền, bà con lại mua sắm lại ngư lưới cụ, mua máy công suất lớn, đóng tàu để ra biển đánh bắt xa bờ. 

Dương Sông Lam
.
.
.