Agribank dành 5.000 tỷ đồng cho ngư dân vay vốn ra khơi bám biển

Thứ Ba, 16/06/2015, 08:57
Vừa qua, tại Khu kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, Agribank chi nhánh Thanh Hóa tổ chức Lễ ký kết hợp đồng tín dụng cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Nghị định 67 được Chính phủ ban hành với 5 nhóm chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích phát triển thủy sản với mục tiêu xuyên suốt là khuyến khích ngư dân bám biển, trên cơ sở đó tổ chức lại nghề cá, tái cơ cấu ngành thuỷ sản, khuyến khích đóng tàu lớn, vững chắc để có thể khai thác xa bờ đúng với lợi thế từng địa phương, góp phần giúp ngư dân ổn định sản xuất, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập và giữ vững chủ quyền biển đảo.

Thanh Hóa được thiên nhiên ưu đãi với bờ biển dài 102km, nguồn lực từ kinh tế biển là tiềm năng, thế mạnh quan trọng, tạo ra thu nhập chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của tỉnh.

Đại diện Agribank và công ty vay vốn trong Lễ ký kết hợp đồng tín dụng đóng mới tàu hậu cần nghề cá.

Trong suốt 27 năm hoạt động trên địa bàn, Agribank chi nhánh Thanh Hóa luôn chú trọng đầu tư vốn phục vụ phát triển thủy sản nói chung và kinh tế biển nói riêng; dư nợ cho vay lĩnh vực này mỗi năm đạt gần 2 ngàn tỷ đồng. Số liệu thống kê đến cuối tháng 5/2015 cho biết đã có hơn 12 ngàn khách hàng vay vốn với dư nợ 1.400 tỷ đồng.

Đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt danh sách 47 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn theo Nghị định 67, trong đó có 35 chủ tàu thuộc địa bàn hoạt động của Agribank chi nhánh Thanh Hóa tại 3 huyện: Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia. 100% khách hàng này đã được Agribank chi nhánh Thanh Hóa tiếp cận để tuyên truyền về mục đích, yêu cầu và điều kiện vay vốn theo Nghị định 67; hướng dẫn thiết lập, bổ sung các điều kiền và hồ sơ, thủ tục theo quy định.

Để triển khai có hiệu quả Nghị định 67, theo kế hoạch, trong giai đoạn 2014-2016, Agribank đã cam kết dành nguồn vốn 5.000 tỷ đồng để cho vay và tới đây sẽ phấn đấu giải ngân 1.000 tỷ đồng. Đến nay, các chi nhánh Agribank đã ký kết với khách hàng tại 12 địa phương để cho vay đóng mới, nâng cấp 21 tàu khai thác xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác và cho vay vốn lưu động 13 tàu; tổng giá trị các hợp đồng tín dụng cam kết gần 220 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân được gần 64 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp phương tiện khai thác, mua sắm ngư lưới cụ, phát triển đội tàu hậu cần nghề cá và đầu tư phát triển các cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy hải sản, tăng năng lực khai thác, phát triển mạnh các vùng nuôi trồng, đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu; tiếp sức cho ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển, khai thác hiệu quả nguồn lợi từ biển, đồng thời góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trần Xuân
.
.
.