Người dân nơi rốn lũ Quan Hóa vẫn đang kêu cứu

Thứ Hai, 01/10/2018, 10:13
Đã một tháng trôi qua sau trận lũ lịch sử, hàng trăm hộ dân ở xã Trung Thành, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) vẫn còn sống trong cảnh cô lập. Nguyên nhân là cầu treo Chiềng – cây cầu duy nhất nối vào xã đã bị sập từ đêm 30-8, phương tiện đi lại của hàng nghìn con người chỉ có 3 chiếc đò chòng chành.


Như Báo CAND đã phản ánh, người dân ở đây mong muốn có một con phà để mưu sinh và qua lại, nhưng 1 tháng trôi qua, niềm mong mỏi ấy vẫn chưa thấy đâu.

Cuộc sống của người dân xã Trung Thành vẫn bị cô lập, đường vào xã vẫn bằng những con đò không đảm bảo thế này.

Đường vào xã Trung Thành một tháng sau lũ vẫn không có, chỉ có 3 con đò chòng chành chở khách qua sông Mã. Các đoàn cứu trợ cũng như người dân qua lại chỉ phụ thuộc vào 3 chiếc đò “nguy hiểm” này. Cuộc sống sinh hoạt, giao thương buôn bán của người dân vẫn bị cô lập. 

“Chúng tôi không biết lấy gì mà sống, cực khổ quá” – bà Hà Thị Mai, ở bản Chiềng, hộ nghèo đặc biệt trong xã có nhà bị sập rớm nước mắt cho biết. Trung Thành là xã nằm dọc sông Mã và tuyến suối Quýt, có 10 bản với 625 hộ dân sinh sống, có cầu treo Chiềng để nối xã với bên ngoài. Trận mưa lũ đêm 30 và 31-8 đã cuốn phăng cầu treo Chiềng và cuốn trôi 16 ngôi nhà ở bản Chiềng. 

Theo bà Hà Thị Thoán, Bí thư Đảng ủy xã Trung Thành thì một tháng nay, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Xã đã đề xuất lên huyện trước mắt cấp cho dân một con phà để đi lại và vận chuyển cây luồng ra ngoài bán nhưng đến nay vẫn chưa có. Cực quá, người dân đã buộc luồng đưa xuống sông, dùng đò kéo đi. Phương thức này chỉ chuyên chở được rất ít và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm vì không đảm bảo an toàn. “Nhưng không làm thế thì nhân dân đói”- bà Thoán nói.

100% dân ở xã Trung Thành trồng luồng và sống nhờ vào cây luồng, một tháng nay không có đường vận chuyển luồng đi bán, nhiều gia đình đã không còn gì để ăn. Hiện tại, 165 hộ nghèo và trên 200 hộ cận nghèo đã thiếu ăn, xã phải cân đối nguồn thực phẩm từ các nhà hảo tâm ủng hộ để chia cho các hộ. 

“Huyện đang làm tờ trình để xin ý kiến xã hội hóa cho doanh nghiệp vào đầu tư phà cho dân, cũng hứa một ngày gần nhất sẽ cấp phà cho bà con. Huyện cũng đã xin tỉnh xây dựng cầu treo mới, dự kiến tháng 4-2019 mới xong” – bà Thoán nói.

Hàng loạt khó khăn mà Trung Thành đang phải đối mặt sau lũ khiến chính quyền và người dân vô cùng lo lắng. Gia đình bà Phạm Thị Cảnh (bản Chiềng) và  3 hộ nghèo đặc biệt ở bản này là gia đình bà Hà Thị Mai, Lộc Thị Vinh, Phạm Bá Thiếu bị lũ cuốn trôi nhà vẫn phải ở lán trên rừng luồng; hay nhà ông Hà Văn Lầm (bản Tang) bị lũ cuốn trôi nhà đang ở nhờ nhà em trai… đều đang không biết trông chờ vào đâu. 

Theo người dân ở đây cho biết thì huyện nói rằng các hộ gom tiền từ nhà tài trợ vào để làm nhà, làm xong thì sẽ hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu đồng. 

“Nhưng quan trọng là người dân lấy đâu ra tiền mà làm. Nhà hảo tâm đến cho, chia ra mỗi lần cũng chỉ 300 – 500 nghìn đồng/hộ, họ dùng để mua thực phẩm, cho con cái đi học, gom sao được 70-80 triệu mà làm nhà” – bà Thoán nói. 

Xã Trung Thành đang tìm nơi tái định cư cho 26 hộ ở bản Chiềng (16 hộ bị lũ cuốn trôi nhà và 10 hộ có nguy cơ bị sạt lở) ở khu đất cao. Còn các hộ bị mất nhà ở bản khác đang khó khăn vì còn phải đi xin đất.

Khắc phục sau lũ chưa được cải thiện ở Trung Thành bởi thiếu kinh phí, thiếu một con đường. Hiện nay, đường lên bản Tang vẫn sạt lở, chưa khắc phục được, có chỗ còn nguy hiểm. Bản Sậy vẫn trong cảnh không điện, đường chưa vào được. Nước sạch thiếu ở nhiều nơi. Trạm Y tế, nhà Bưu điện xã bị dột nát. 112 học sinh của Trường THCS Trung Thành nhà ở cách trường 7 -10km, phải ở trọ vì núi lở, đường sạt, dù có dậy từ 4h sáng các em cũng không kịp tới lớp.

Không chỉ xã Trung Thành, 3 bản của xã Phú Xuân (huyện Quan Hóa) nằm bên kia sông Mã cũng bị cô lập hoàn toàn do cầu treo Phú Xuân bị sập. Cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn khi phương tiện đi lại chỉ trông chờ vào con đò không đảm bảo an toàn, không vận chuyển được cây luồng ra ngoài bán. 

Thiết nghĩ, tỉnh Thanh Hóa cần nhanh chóng xem xét đầu tư xây dựng cầu treo mới cho xã Trung Thành, thúc đẩy tiến độ xây cầu treo Phú Xuân, sớm cho nhân dân có đường đi lại để phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo TTATGT. 

Tuy nhiên, việc trước mắt là hãy “cứu” dân rốn lũ bằng những con phà để người dân kiếm kế sinh nhai; hỗ trợ những hộ mất nhà để họ có chỗ ở, ổn định cuộc sống.

Trần Hằng
.
.
.