Đạo đức hành nghề sẽ giúp nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn

Thứ Năm, 29/08/2019, 10:00
Ngày 28-8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức diễn đàn khoa học “Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao đạo đức hành nghề trong giai đoạn hiện nay”.

Tại đây, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, diễn giả đã thảo luận những vấn đề liên quan tới thực trạng đạo đức hành nghề và những yêu cầu đặt ra đối với đạo đức hành nghề tại Việt Nam hiện nay và hướng tới xây dựng các quy định pháp luật, quy tắc về đạo đức hành nghề ở Việt Nam. 

Theo đó, các đại biểu đều đồng tình cho rằng đạo đức nghề nghiệp là vấn đề lớn, là những phẩm chất cần có của mỗi người theo đúng những quy tắc chuẩn mực của một nghề nhất định được cộng đồng xã hội thừa nhận nhằm điều chỉnh hành vi, thái độ của con người trong quan hệ với con người, tự nhiên và xã hội khi hành nghề. Đạo đức nghề nghiệp là những nguyên tắc chi phối hành vi của một người hoặc một nhóm trong môi trường công việc.

Hành nghề không có đạo đức thì không ai tôn trọng.

Theo các đại biểu, để thực hành đạo đức nghề nghiệp, cần xây dựng được bộ tiêu chí đạo đức nghề nghiệp chuẩn với các tiêu chí rõ ràng, cụ thể, có tính khả thi. Tiêu chí đạo đức nghề nghiệp phải dựa trên đánh giá thực trạng của ngành lĩnh vực, đánh giá các yếu tố bên trong, bên ngoài có thể tác động đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp, có sự so sánh với chuẩn mực đạo đức hiện hành. Các tiêu chí đạo đức nghề nghiệp cần được công khai áp dụng với tất cả những người hoạt động trong cùng ngành, lĩnh vực. 

Việc học tập, quán triệt tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp phải tiến hành thường xuyên liên tục, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, không mang tính hình thức mà luôn bám sát thực tiễn, khuyến khích, nêu gương các tấm gương tiêu biểu, phải tạo thành văn hóa công sở, thành động lực để mỗi người cùng phấn đấu. Trong đó, mỗi cán bộ, nhân viên phải thường xuyên nâng cao năng lực, xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp; gắn kiểm tra giám sát với khen thưởng kỷ luật.

Lưu Hiệp
.
.
.