Mưu sinh trên “ốc đảo” giữa dòng sông Hậu

Thứ Hai, 26/09/2016, 09:30
Nằm giữa dòng sông Hậu, chỉ cách trung tâm TP Long Xuyên hơn 500m, nhưng cồn Phó Ba (ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên) được ví như “ốc đảo”. Cuộc sống mưu sinh của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn và cũng là nơi giữ “kỷ lục” có nhiều “không” nhất…

Năm nay gần 90 tuổi, nhưng cụ Nguyễn Văn Bộ vẫn còn minh mẫn, cụ được cho là đã sống trọn đời ở cồn Phó Ba nên khá am hiểu những đổi thay trên mảnh đất đặc biệt này. “Cồn Phó Ba ngày xưa rộng lớn, nhà cửa thưa thớt chứ không như bây giờ. Do sạt lở lâu ngày nên diện tích cồn bị thu hẹp dần, người dân sinh sống mỗi ngày lại đông thêm", cụ Bộ kể lại.

“Ốc đảo” 3 không

Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề đưa đò, thợ lặn, chài lưới. Cách đây khoảng một năm, cồn Phó Ba được mệnh danh là “ốc đảo” 5 không (không điện, không nước sạch, không đường, không trạm xá, không trường học), thì nay còn 3 không (không đường, không trạm y tế, không trường học). Đến cồn Phó Ba, chúng tôi mới thấu hiểu được những khó khăn mà người dân nơi đây đang gánh chịu. 

Những ngôi nhà nhỏ với bốn bề là nước.

Chị Ngô Thị Ngọc My (32 tuổi) nói vui: “Đi bộ trên cồn cả ngày mà không hề nghe tiếng xe máy. Bên này mà sắm xe thì chạy dưới nước à ? Tất cả đi bộ và số ít xe đạp vì đường đi nhỏ hẹp quá, không đủ cho bà con đi bộ nên chẳng ai sắm xe gắn máy. Một số người có điều kiện mua xe thì cũng gửi ở bên kia sông (100.000đ/xe/tháng)”. 

Nhưng có lẽ, chuyện làm người dân nơi đây lo lắng nhất chính là họ không có cơ sở khám, chữa bệnh. Cụ Nguyễn Văn Bộ trải lòng: 

“Tuổi thì cao, mỗi lần muốn khám, chữa bệnh phải qua sông mới có. Mong muốn lớn nhất của tôi là cái nơi “khỉ ho cò gáy” này có được một trạm y tế, hay phòng khám gì đó để bà con nơi đây có điều kiện chăm lo cho sức khỏe tốt hơn. Cái gì khó thì chúng tôi cũng chịu được, nhưng tội cho tụi nhỏ, chúng nó thiệt thòi đủ thứ, học hành cũng không có điều kiện bằng con người ta. Trong khi bên kia sông biết bao nhiêu điểm vui chơi, giải trí… Thấy chạnh lòng, thương chúng lắm”.

Vượt sông Hậu tìm con chữ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại, ấp chỉ có 1 trường tiểu học và 1 trường mẫu giáo. Lên trung học, hằng ngày các em học sinh nơi đây phải đi đò qua bên bờ Long Xuyên, rồi đi bộ đến trường. Gia đình nào có điều kiện sắm cho con chiếc xe đạp, nhưng gửi lại bên kia sông (60.000đ/tháng). Cuộc sống khó khăn nên nhiều em đã phải nghỉ học giữa chừng. Mặc dù vậy, nhiều gia đình vẫn cố gắng nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. 

Học sinh cấp II, III phải vượt sông Hậu để đến trường.

Chị Ngô Thị Ngọc Thu (33 tuổi) chia sẻ: “Vợ chồng tôi sống bằng nghề lặn tìm phế liệu. C cuộc sống khó khăn nhưng chúng tôi nhất quyết phải cho con ăn học để sau này có một công việc khác khá hơn cha mẹ nó. Hằng ngày, tụi nhỏ phải đi đò dọc qua sông để đến trường bên thành phố học (3.000đ/chuyến)”.

Do cồn Phó Ba nằm giữa dòng sông Hậu, bốn bề là nước nên từ trẻ em đến người lớn, ai cũng biết bơi, biết lặn. Tìm đến nhà anh Trần Văn Hết (31 tuổi, gia đình có 3 thế hệ làm nghề thợ lặn tìm phế liệu), chỉ về chiếc ghe lặn, anh Hết nói: “Tôi bắt đầu nghề lặn cách nay 17 năm. Cái nghề “bà cậu” này nó bấp bênh lắm, có khi 2, 3 ngày lặn mà không đủ tiền đong gạo”. 

Theo anh Hết, người thợ lặn ở xứ này chỉ cần chiếc máy tạo hơi, một cái ống dài kèm theo đó dây xích quấn quanh người (để có thể lặn được sâu hơn). Muốn lặn giỏi đòi hỏi sức khỏe phải tốt mới chịu đựng được sức ép của nước ở độ sâu 20-30m. Có hôm do sơ ý, dây hơi bị tuột ra, mất hơi, nếu không nổi lên kịp thì rất nguy hiểm. Nhiều trường hợp ở “ốc đảo” này bị bệnh tai biến do làm nghề lặn. 

“Người làm nghề thợ lặn như chúng tôi thì đa phần là hộ nghèo, cận nghèo…, còn lại là khó khăn. Bởi lặn ngày nào là ăn hết ngày đó, nếu như ngày nào không đi lặn coi như đói”, anh Hết chua xót.

Theo ông Nguyễn Sĩ Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng, ấp Mỹ Thạnh có 303 hộ, với 1.114 nhân khẩu, trong đó có 20 hộ nghèo, 51 cận nghèo. Mỗi năm, ấp chỉ có khoảng 20 học sinh tốt nghiệp lớp 5 nên chuyển qua Long Xuyên để học. Hiện trên cồn có 30 hộ dân làm nghề đưa đò. Đối với việc sơ cấp cứu thì địa phương có phân công tổ y tế túc trực tại cồn. Riêng để đảm bảo việc đi lại, địa phương vận động người dân hiến đất để sớm triển khai con đường rộng 2,5 – 3m chạy dọc theo cồn”.

Trần Lĩnh
.
.
.