Nhọc nhằn "phu đá" mưu sinh

Thứ Bảy, 02/04/2016, 15:20
Xã Bình Châu nằm nép mình lặng lẽ bên cảng Sa Kỳ. Con đường qua xã ra bến cảng thoạt nhìn cũng giống như bao làng quê yên bình khác, nhưng có đến mới thấu hiểu được biết bao nhiêu cảnh đời bất hạnh đang oằn mình mưu sinh dưới cái nắng gió gay gắt của vùng biển mặn.

Ở cái vùng đất Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi này, đàn ông đi biển ròng rã cả tháng trời, còn đàn bà ở nhà lo toan mọi việc lớn nhỏ trong nhà. "Phu đá lạnh" trở thành nghề chính nuôi sống gia đình, đỡ đần chồng con qua cơn khốn khó của những người phụ nữ lam lũ, tần tảo nơi đây.

3 h chiều, khi cái nắng đã lên tới mức đỉnh điểm, gay gắt, chói chang, những người phụ nữ vẫn thoăn thoắt gánh những tảng đá lạnh nặng trĩu trên vai vội vã chuyển lên một tàu cá ngoài cảng Sa Kỳ để chuẩn bị cho đợt ra khơi mới. Đòn gánh trên vai oằn xuống vì sức nặng của đá, trên những khuôn mặt sạm đen lấm tấm mồ hôi vì mệt mỏi, vì nắng nóng. 

Họ đều khoảng tầm trên dưới 40 tuổi. Có người chồng, con đều đang ra khơi, bám biển, nhưng cũng không ít người trở thành góa phụ, một mình tần tảo làm "phu đá lạnh" nhọc nhằn gánh đá để mưu sinh. Mỗi con người một số phận. Ở cái vùng đất Bình Châu này đàn ông đi biển quanh năm suốt tháng, thôn, xóm chỉ còn lại đàn bà và trẻ nhỏ, đất đai nhiễm mặn, nếu không bám biển, không làm thuê, kiếm mướn thì biết làm gì để sinh sống. 

Biết là nghề "phu đá" ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều, nhất là với những người phụ nữ có tuổi, gánh vác nặng dễ sinh ra nhiều bệnh đau cột sống, xương khớp, dây chằng… nhưng chẳng dễ gì mà từ bỏ. Cứ từ tờ mờ sáng đến tận đêm khuya, bất kể khi nào tàu đến, tàu đi là họ lại vội vã ra cảng.

 Oằn lưng gánh đá.

Nghề "phu đá" xuất hiện từ bao giờ chẳng ai còn nhớ, chỉ biết rằng với những người đàn bà lam lũ vùng đất Bình Châu này thì nó trở thành nguồn sống để họ kiếm thêm thu nhập. Cách đây hơn chục năm, đội quân "phu đá" nữ chỉ có vài chục người, nhưng giờ lên đến hàng trăm người. Tàu về thì khiêng cá về kho đông lạnh, tàu đi thì khiêng thực phẩm, đồ dùng, khiêng đá xuống tàu. Công việc nặng nhọc khiến cột sống, tay chân rã rời, nhưng vì mưu sinh, họ vẫn miệt mài làm việc bất kể ngày đêm.

Mới ngoài 30, nhưng nhìn chị Hậu khắc khổ như đã ngoài 50 tuổi. Cái nắng, cái gió của vùng biển cộng với những lo toan vất vả khiến chị già hơn tuổi rất nhiều. Chị kể, chồng chị đi biển vài tuần, có khi hằng tháng mới trở về. Anh theo tàu lớn của bạn bè đến tận những vùng biển ở Khánh Hòa, Kiên Giang… để đánh cá. Nhà chỉ còn chị cùng hai con và mẹ già đã ngoài 80 tuổi. 

Chị bảo, anh đi đánh cá bữa được bữa không. May mắn thuận lợi thì có nhiều cá mang về, chủ tàu cho được nhiều tiền hơn. Nhưng có những khi bão gió, tay trắng trở về, bảo toàn được tính mạng là may mắn lắm rồi nói gì đến có tiền, có cá. Cuộc sống gia đình khó khăn, nếu không đi làm thuê, chị cũng chẳng biết lấy gì mà sinh sống. 

Hỏi chị mỗi lần gánh đá thuê được bao nhiêu thì chị bảo chỉ khoảng 100 nghìn đồng cho một chuyến tàu ra khơi. Mà một chuyến ấy gánh không biết bao nhiêu đá, mỗi tảng đá cũng nặng vài chục cân và đâu phải ngày nào cũng có tàu cá cập cảng. Tiền ít hay nhiều phụ thuộc vào tàu vào ra, được mùa cá hay không.

Nhưng chị Hậu vẫn còn may mắn hơn nhiều người đàn bà làm thuê ở cảng Sa Kỳ này, bởi vất vả, nhọc nhằn nhưng chị vẫn còn niềm hạnh phúc ngày đêm mong ngóng chồng đi biển trở về. Nhiều người trở thành góa phụ, chồng chết ngoài biển khơi, thi thể trôi dạt phương nào không ai biết, một mình tần tảo làm thuê nuôi con ăn học.

Đã hơn chục năm nay kể từ cái ngày chồng mất tích ngoài biển khơi sau một cơn giông tố kinh hoàng năm 2008, chị Được vẫn chưa hết nguôi ngoai nỗi đau mất chồng. Những năm đầu, ngày nào chị và các con cũng ngóng ra biển, hi vọng một phép màu sẽ đưa anh trở về. Nhưng càng trông đợi càng thêm đau đớn, tuyệt vọng. Cuối cùng chị đành chấp nhận sự thật phũ phàng và làm lễ rồi xây mộ gió cho anh. 

Ngày qua ngày, một mình chị tần tảo làm thuê kiếm tiền nuôi con khôn lớn. Hai đứa con trai lớn giờ cũng đi theo thuyền cá của người thân, họ hàng ra khơi quanh năm suốt tháng. Hai đứa nhỏ mới học cấp 2, hỏi chị sao không ở nhà kiếm việc gì nhẹ nhàng để làm thì chị bảo, đàn bà vùng biển chỉ biết đan lưới, chèo thúng đánh cá, chỉ từng ấy việc thôi đâu đủ tiền để nuôi con. Bốc vác, "phu đá" vất vả nặng nhọc nhưng còn có tiền cho con ăn học, tuy lúc được lúc không. 

Chị muốn nuôi hai đứa nhỏ học hành tới nơi tới chốn, để sau này chúng có công ăn việc làm không phải khổ sở như bố mẹ và các anh nó nhưng một mình chị không kham nổi. Với lại, rồi chúng nó cũng lại muốn đi biển như anh và cha chúng nó. Chị có can cũng chẳng được. Và mỗi lần chúng ra khơi, chị lại lo lắng, bồn chồn lòng dạ không yên. Nói xong đôi mắt chị ngấn nước.

Nhập vào đội quân "phu đá" lạnh ấy đâu chỉ có những người phụ nữ xuất thân từ những phận đời lam lũ mà còn có cả những bà chủ sa cơ lỡ vận. Cũng từng là chủ của một tàu cá lớn, nhưng rồi chị Giàng bỗng tay trắng chỉ sau một cơn bão. Vợ chồng chị vay mượn tiền để sắm một tàu cá hơn tỉ đồng. Những chuyến đi biển đầu tiên thuận lợi, anh chị thu về được nguồn lợi lớn. 

Nhưng rồi có những chuyến đi giông bão, anh chẳng thu được nguồn lợi gì, thậm chí còn bị tàu Trung Quốc bắt giữ, thu nông cụ, chị phải gửi tiền sang chuộc anh về khiến kinh tế gia đình càng trở nên khó khăn. Và rồi như là định mệnh, sau một chuyến đi giông bão, con thuyền của anh bị nhấn chìm, những người trên tàu may mắn thoát chết trở về thì cũng là lúc anh chị rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Anh theo các chuyến tàu cá phụ việc kiếm tiền trả nợ, còn chị ở nhà "phu đá", bốc vác lấy tiền nuôi con ăn học.

Chuyển đá lên tàu.

Nhà chị Loan gần ngay sát cảng, nhưng cứ hỏi chuyện chị lại lảng tránh không muốn trả lời bởi nỗi mất mát quá lớn mà chị và các con phải chịu đựng. Kể từ ngày chồng mất, chị sống gần như khép kín, chỉ lầm lụi làm việc, kiếm tiền nuôi con. Hồi đó, chồng chị có tàu cá đi biển, cũng có của ăn của để, nhưng rồi định mệnh đau buồn ập đến vào tháng 4-2007, khi con tàu chở chồng chị cùng 12 ngư dân gặp nạn. Hai lần trước, tàu bị bão biển nhưng may mắn thoát chết. Còn lần này anh đã vĩnh viễn ra đi bỏ xác nơi biển khơi. 

Một tay lo cho bốn đứa con, cha mẹ chồng đã ngoài 85 tuổi, chị đi buôn cá, chẳng lời lãi mấy. Thế là chị gia nhập vào đội quân "phu đá". Con gái lớn học hết lớp 12, đi làm cùng mẹ, ba đứa còn lại, ngoài giờ học thì vá lưới thuê. Mấy mẹ con chị quần quật từ sáng đến tối mà vẫn chẳng đủ ăn. Nhớ chồng, thương con chị chỉ biết giấu ở trong lòng, không muốn để các con buồn và lo lắng. Ban ngày chị lao vào công việc cho vơi bớt nỗi đau, đêm đến khi xong xuôi mọi việc chị lại nằm khóc một mình.

Còn biết bao những thân phận, những mảnh đời bất hạnh đang lầm lụi đang ngày đêm bươn chải ở bến cảng Sa Kỳ này. Nghề "phu đá" khó khăn, vất vả, không lời nào kể xiết nhưng chẳng ai bỏ cuộc bởi với họ, đó là nguồn sống, là nguồn mưu sinh.

Ngọc Trâm - Đậu Dung
.
.
.