Mỗi ngày hơn 10m3 rác xả thẳng xuống biển Cát Bà(!)

Thứ Bảy, 22/09/2018, 06:35
Chưa kể các chất thải rắn từ tàu, thuyền, hoạt động du lịch và ô nhiễm do nuôi cá lồng bè, sinh hoạt của người dân trên biển đang làm cho hệ sinh thái rạn san hô khu vựa biển Cát Bà suy giảm cả về diện tích và chất lượng…


Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý Vịnh Cát Bà, hiện có 441 cơ sở nuôi trồng thủy sản, 9.507 ô nuôi thủy hải sản, trong đó có 1.598 ô nhà ở và khoảng 16 nghìn quả phao xốp cùng hơn 100 tàu du lịch. Hệ thống nước thải, chất thải sinh hoạt của hơn 1 nghìn dân sinh sống tại các nhà bè cũng được xả trực tiếp ra vịnh không qua bất kỳ hệ thống xử lý nào.

Cùng với đó là nước thải cơ sở kinh doanh dịch vụ xăng dầu trên vịnh, trong đó những nơi nuôi thả cá đổ một lượng không nhỏ thức ăn chưa phân hủy hết của cá ra môi trường, các thùng phao xốp chịu tác động, sự va đập sóng gió sẽ gây ô nhiễm mặt nước…

Đáng chú ý nạn vứt rác bừa bãi của du khách chưa được xử lý triệt để làm phát sinh lượng rác thải không hề nhỏ. Với lượng khách du lịch tăng nhanh, mỗi năm thu hút khoảng 2 triệu người, trung bình một ngày, Ban Quản lý vịnh thu gom khoảng 10m3 rác thải vứt từ tàu, thuyền du lịch xả thẳng xuống biển. Nếu không được thu gom tất cả sẽ tạo thành chất thải rắn tại các bãi triều rạn ngầm, làm hỏng và mất đi môi trường sống của các sinh vật sống ở tầng đáy như san hô, rong rêu…

Giám đốc Ban Quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà Nguyễn Công Hòa cho biết, việc hạn chế hoạt động có tác động xấu đến môi trường biển chưa hiệu quả. Từ năm 2017 đến nay, cơ quan chức năng mới chỉ vận động cắt giảm được 3 chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, 44 ô lồng, 51 giàn tre, 757 quả phao xốp, 2.207 cây tre, ngăn chặn 3 chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản có hành vi cơi nới ô lồng…

Được biết trong vùng biển Hải Phòng, hệ sinh thái rạn san hô tập trung ở phía Đông Nam đảo Cát Bà, đảo Long Châu và quanh đảo Bạch Long Vỹ. Đến nay, có 61/132 loài san hô bị suy giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, số san hô cứng suy giảm khoảng 46% so với 20 năm trước.

Ở một số khu vực tỷ lệ san hô chết khá cao. Ở khu vực Áng Thảm (Cát Bà) tỷ lệ san hô chết lên tới 74,3%, san hô sống chỉ còn 7,4% diện tích mặt đáy của khu vực này. Các khu vực Vạn Bội, Ba Trái Đào, đảo Long Châu cũng trong tình trạng tương tự.

Theo PGS. TS Trần Đình Lân, Viện trưởng Viện TNMT biển cho biết, sự suy giảm của rạn san hô có nhiều nguyên nhân, trong đó, ô nhiễm môi trường là yếu tố đầu tiên. Đặc biệt, các chất thải rắn từ tàu, thuyền, hoạt động du lịch nếu không được xử lý tốt sẽ làm ô nhiễm rất nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Công Hòa cho biết, trước thực trạng ô nhiễm môi trường ở vùng biển Cát Bà như hiện nay, Ban Quản lý duy trì đảm bảo nhân lực và lịch thu gom vớt rác trên các vịnh. Đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đội, tuyên truyền cho bà con tại điểm nuôi lồng bè, vận động các chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản trên vịnh cắt giảm, tháo dỡ ô lồng, cần chấm dứt nuôi nhuyễn thể.

Dự kiến, đến năm 2020 huyện Cát Hải sẽ di dời 289 cơ sở nuôi thủy sản ra khỏi vịnh Cát Bà. Tuy nhiên giải pháp lâu dài cho vấn đề này vẫn là phát triển dựa trên nguyên tắc bền vững. Do đó trước khi thực hiện phát triển kinh tế vùng ven bờ, các đảo cần đánh giá và phân loại các khu vực theo đặc tính sinh thái từng vùng, có kế hoạch và mục tiêu quản lý cụ thể để bảo đảm cân đối giữa phát triển du lịch và thiên nhiên. Đồng thời, tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa các nguồn ô nhiễm biển và việc khai thác thủy sản trái phép…

V.Huy
.
.
.