Làng nghề truyền thống ở ĐBSCL hối hả vào vụ Tết
- Giữ “lửa” cho làng nghề truyền thống
- Khởi nghiệp ở làng nghề truyền thống
- Công nhận làng nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc
Là giai đoạn “nước rút” trong năm, nên các cơ sở sản xuất tập trung nhân lực, vật lực, thu gom nguyên liệu, tạo ra sản phẩm thơm ngon, phục vụ nhu cầu của thị trường Tết…
Những ngày này, không khí lao động tại làng nghề bánh tráng Thuận Hưng (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) nhộn nhịp hẳn lên. Để có đủ lượng bánh giao cho khách hàng nhiều hộ đã thuê mướn thêm lao động và phải bắt đầu công việc ngay từ 1 giờ sáng. Hiện, nơi đây có 50 lò sản xuất bánh tráng bằng thủ công, trong đó có 14 lò sản xuất “ăn theo” vụ Tết.
Bánh tráng Thuận Hưng được người dùng ưa chuộng bởi chiếc bánh mịn, đều, dẻo thơm, đặc biệt là rất đều, trăm bánh như một. 200 năm qua, thương hiệu bánh tráng Thuận Hưng được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Vào dịp Tết, mỗi ngày trung bình một lò bánh sản xuất được 2.000 - 6.000 bánh, với giá dao động 45.000 - 65.000 đồng/thiên (100 bánh), cho thu nhập từ 500.000-1.000.000 đồng/ngày.
Đang tất bật với những vỉ bánh thơm lừng, ông Phan Văn Dai (50 tuổi, khu vực Tân Phú, phường Thuận Hưng) cho biết, vụ bánh Tết bắt đầu từ tháng 11 âm lịch hằng năm. Tuy có phần vất vả, nhưng do công việc làm theo nhóm và thu nhập ổn định nên ai cũng phấn khởi.
Sản xuất khô tại làng khô Khánh An (huyện An Phú, tỉnh An Giang). |
Theo đó, mỗi ngày gia đình ông Dai làm một mẻ bánh với 100kg gạo được xay thành bột và cho ra lò khoảng 90 - 100kg bánh tráng giòn. Sau khi trừ bỏ tất cả chi phí, ông Dai lãi trên 500.000 đồng/ngày. Được biết, UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt dự án Hoàn thiện quy trình sản xuất bánh tráng Thuận Hưng, xây dựng nhãn hiệu cho làng nghề.
Dự kiến, đến năm 2019 bánh tráng Thuận Hưng sẽ có thương hiệu riêng của mình, để khách được cầm trên tay những chiếc bánh có in đầy đủ thông tin sản phẩm.
Còn tại tỉnh Đồng Tháp, làng nghề chế biến dưa kiệu ở xã Phú Hiệp (huyện Tam Nông) cũng đang hối hả chuẩn bị hàng Tết. Dù tăng nhịp độ và số lượng sản xuất, nhưng sản phẩm dưa kiệu và nhiều sản vật đặc trưng của địa phương làm ra luôn cháy hàng.
Nơi đây, có một tổ thanh niên hợp tác làm dưa kiệu và trên dưới 20 cơ sở chế biến dưa kiệu lớn nhỏ luôn sản xuất tất bật, với 7– 10 lao động/cơ sở. Theo tính toán, cứ 10kg củ kiệu tươi sẽ chế biến ra 3,5kg dưa kiệu. Trung bình, mỗi cơ sở làm ra hằng ngày từ 60 - 80 hộp dưa kiệu thành phẩm, với giá bán dao động từ 70.000 - 130.000 đồng/hộp (tùy loại).
Bà Nguyễn Thị Cưng, chủ cơ sở chế biến dưa kiệu Thành Công 2, cho biết: “Năm nay, giá củ kiệu tươi tăng từ gần 10.000 đồng/kg, giá thuê nhân công cũng tăng nên giá bán dưa kiệu tăng trên 10.000 đồng/hộp so cùng kỳ năm trước. Dù giá tăng, nhưng dưa kiệu ở đây thơm, ngon và có hương vị riêng, không có chất bảo quản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên khách hàng rất ưa chuộng”.
Ghi nhận tại tỉnh Trà Vinh, nơi có nhiều làng nghề truyền thống cũng đang hoạt động khẩn trương. Chủ cơ sở chả Năm Thụy (phường 4, TP Trà Vinh) tiết lộ, đối với những ngày thường thì cơ sở sản xuất từ 1 - 2 tấn chả hoa, chả lụa, nem… riêng dịp Tết, cơ sở đang nâng công suất lên 5 tấn/ngày nhằm đáp ứng nhu cầu đặt hàng ở ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh… Các cơ sở sản xuất bánh tét Trà Cuôn (xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang) phải tăng số lượng bánh lên từ 7.000- 10.000 đòn/ngày, bởi nhu cầu đặt mua bánh các nơi tăng vọt.
Nổi tiếng với chất lượng nem ngon, bảo quản được lâu và được khách hàng lựa chọn trong dịp Tết đến Xuân về, nem Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) đang tăng cường sản xuất ở mức cao nhất để đủ số lượng cung ứng cho thị trường. Theo UBND huyện Lai Vung hiện nay trên địa bàn huyện có trên 20 cơ sở sản xuất nem Lai Vung, hầu hết tập trung ở các xã Tân Thành, xã Long Hậu và thị trấn Lai Vung.
Thời điểm này, tại cơ sở nem Út Thẳng có hơn 50 công nhân đang làm việc hối hả. Từ khâu chọn lá đến khâu làm thịt nem, gói nem và buộc các chiếc nem thành chùm (mỗi chùm 10 chiếc)… khâu nào cũng tất bật để “chạy đua” với Tết. Mỗi ngày, cơ sở này sản xuất hàng ngàn chiếc nem để cung ứng cho thị trường trong và ngoài khu vực.
Tại làng làm khô cá lóc ở xã Phú Thọ (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) có 15 cơ sở chế biến và trên 30 điểm bán cá khô các loại. Mỗi cơ sở chế biến thu hút 10 - 15 lao động làm việc ngày đêm. Trung bình, mỗi cơ sở chế biến trên 200kg khô cá lóc, cá sặc rằn thành phẩm/ngày, thậm chí trên 300kg sản phẩm vào lúc cao điểm, tăng gấp 2 - 3 lần so với Tết năm ngoái. Mặc dù vậy, sản phẩm làm ra tới đâu tiêu thụ hết đến đấy.
Hiện, giá cá lóc khô đang nằm ở mức trung bình từ 120.000 - 150.000 đồng/kg. Thế nhưng, nhiều hộ kinh doanh nơi đây cho biết, cận Tết giá sẽ tăng cao theo nhu cầu thị trường.
Nổi tiếng là nơi chế biến nhiều sản phẩm cá khô “trứ danh”, làng khô Khánh An (huyện An Phú, tỉnh An Giang) cung ứng thị trường trong nước và xuất khẩu khoảng 300 tấn/năm cá khô các loại như: lóc bông, sặc rằn, trèn...
Ông Trang Phước Kha, Chủ một cơ sở chế biến khô cá sặc rằn cho biết, việc sản xuất khô nơi đây diễn ra quanh năm, nhưng tập trung nhiều nhất là thời điểm cuối năm để phục vụ thị trường Tết.
Tôm khô Vinh Kim (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) được nhiều người biết đến với nguyên liệu sản xuất là con tép bạc đất tự nhiên, được bà con nơi đây khai thác theo cách thủ công như đặt dớn, đóng đáy, văng lú,… và chế biến theo phương thức thủ công, không phẩm màu. Nhưng theo chính quyền địa phương thì hiện nay nguồn nguyên liệu sản xuất tôm khô dần cạn kiệt, nên việc sản xuất đã thu hẹp, giá rất cao.
Cụ thể, tôm khô loại I giá dao động từ 1,3 - 1,5 triệu đồng/kg, loại II giá 1,1 - 1,3 triệu đồng/kg, loại III khoảng 800.000 đồng/kg, nhưng phải đặt trước mới có hàng.
Là cơ sở duy nhất bám trụ được với nghề sản xuất tôm khô ở xã Vinh Kim, bà Trần Thị Khâm (chủ cơ sở tôm khô Hai Khâm, ấp Chà Và) cho biết: “Gia đình tôi gắn bó với nghề làm tôm khô này hơn 40 năm. Mỗi ngày cơ sở thu mua khoảng 200 - 400kg tép bạc đất để chế biến thành 20 - 40kg tôm khô thành phẩm. Cái đặc biệt là con tép bạc đất xứ này thịt rất chắc, ngọt, khi phơi đủ nắng lên màu rất đẹp khác với tôm khô nơi khác”.
Việc giá tôm khô cao, nhưng nguồn hằng ngày một ít dần là nguyên nhân xuất hiện tình trạng tôm khô giả “đội lốt” thương hiệu Vinh Kim để bán ra thị trường.