Làng nghề nhộn nhịp “ăn theo” thị trường Tết
- Nhiều làng nghề truyền thống Cố đô Huế tất bật vào vụ Tết
- Làng nghề sản xuất tượng ông Táo "chạy đua" ngày giáp Tết
Theo ghi nhận của PV Báo CAND, một số làng nghề ăn nên làm ra, vào vụ mùa “hốt bạc”. Song song đó, một số làng nghề đang dần mai một, các hộ sản xuất không còn bám trụ được với nghề vì thị hiếu tiêu dùng của thị trường thay đổi…
Làng mộc “hốt bạc”, rộn ràng… xóm cà ràng
Những ngày này, đến làng mộc Chợ Mới gồm xã Long Điền A, Long Điền B, thị trấn Mỹ Luông (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) sẽ thấy cảnh sản xuất hết sức tất bật. Từ những người thợ lành nghề, lớn tuổi, trẻ em cho đến phụ nữ đều được thuê mướn để gia công các mặt hàng gỗ. Chạy dọc theo Tỉnh lộ 941 từ thị trấn Mỹ Luông dài đến xã Long Điền B, sẽ rền vang tiếng đục, tiếng cưa và mùi thơm của gỗ, nước sơn.
Theo người dân Chợ Mới, nghề mộc nơi đây có từ hàng trăm năm nay. Anh Lưu Văn Phúc (42 tuổi, ấp Long Thuận 1, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới) gắn bó với nghề mộc khi còn là chàng trai ở tuổi đôi mươi chia sẻ, để cho ra đời một sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, như: xẻ gỗ, cắt theo quy cách, bào, vẽ, chạm, lắp ráp, sơn, gắn khóa... Thông thường mất khoảng vài ngày đối với những sản phẩm có mẫu như tủ, bàn, giường… nhưng có khi phải bỏ ra vài tháng đối với hàng điêu khắc có kích thước lớn và độ khó cao.
Việc chạm khắc từng chi tiết cho tác phẩm được xem là công đoạn khó khăn nhất và tốn nhiều thời gian nhất, đòi hỏi người thợ phải có tính kiên trì, sáng tạo, khéo léo và tỉ mỉ. Để kịp sản xuất hàng phục vụ thị trường Tết, hiện mỗi ngày, tại cơ sở mộc của gia đình anh Phúc, có trên 10 công nhân làm việc liên tục.
Theo UBND huyện Chợ Mới, trên địa bàn có khoảng 2.000 hộ tham gia làm nghề mộc, với trên 200 cơ sở, giải quyết việc làm cho hơn 3.500 lao động. Có thể nói, nghề mộc ở Chợ Mới đóng vai trò tích cực trong việc phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp, góp phần tạo việc làm, giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống ở địa phương. Theo nhiều chủ cơ sở, các sản phẩm được sản xuất và bán quanh năm nhưng hút hàng nhất là vào dịp cận Tết Nguyên đán, bởi nhiều gia đình muốn mua sắm nội thất để đón năm mới thật sung túc…
Tại xóm chuyên sản xuất cà ràng (lò đất – PV) tại ấp Phú Mỹ Hạ (xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), chúng tôi được biết có trên 37 hộ sản xuất, với 150 lao động đang tất bật hoạt động hết công sức, để sản phẩm kịp đi tiêu thụ thị trường Tết. Do đây là “mùa ăn nên làm ra” cũng như tiền công được trả cao hơn, nên việc sản xuất diễn ra cả ngày lẫn đêm. Được hình thành cách nay khoảng 70 năm, xóm cà ràng Phú Thọ đã trải qua bao thăng trầm.
Theo những người thợ lành nghề và chính quyền xã Phú Thọ, nguyên liệu để làm cà ràng trước đây là đất sét trộn với trấu nhưng sản phẩm làm ra không được đẹp và bền. Chính vì vậy, người dân nơi đây đã tìm hiểu, thử nghiệm nhiều lần và đã tìm nguồn đất sét ở Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) có lẫn cát mịn, dẻo rất thích hợp mà không cần phải trộn trấu.
Không khí lao động tại xóm cà ràng vào những ngày này thật hăng say, từ hừng đông, cánh đàn bà đã xoắn tay vào việc, khéo léo nhào nặn để thành hình chiếc cà ràng mang hồn quê hương Nam Bộ. Còn cánh đàn ông, trai tráng thì phụ trách công việc nặng hơn, nhận vĩ, phơi lò, cho lò vào nung. Chứng kiến giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán những người thợ giữa cái nắng trưa oi ả, mới cảm nhận được phần nào sự vất vả của nghề.
Mỗi ngày, một thợ lành nghề làm được từ 20 – 30 cái cà ràng tùy loại. Cà ràng có 4 kích cỡ và giá dao động từ 30.000đ– 50.000đ/cái. Nhiều lao động ở đây còn kiếm thêm thu nhập bằng nghề xay nhuyễn đất để giao cho các cơ sở sản xuất cà ràng…
Tranh kính Cù lao Ông Chưởng không còn được thị trường ưa chuộng như trước. |
Gian nan làng chiếu và tranh kính
Từng là “cần câu cơm” của nhiều hộ gia đình ở huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) với mức thu nhập ổn định, nhưng nghề dệt chiếu ở xã Định Yên hiện nay đang gặp khó khăn, không ít cơ sở sản xuất đã phải đóng cửa, chuyển đổi nghề. Một số ít vì muốn duy trì và phát triển nghề truyền thống của cha ông nên bám trụ. Những năm gần đây, thị hiếu tiêu dùng của người dân thay đổi, chủ yếu dùng nệm, chăn ga, chiếu tre… chứ không lựa chọn chiếu dệt như ngày trước.
Bà Trần Thị Hoa (ngụ ấp An Lợi A, xã Định Yên) cho biết, gia đình bà sử dụng khung dệt tay với 3 lao động thường xuyên, mỗi ngày dệt được từ 4 - 6 chiếc chiếu, với giá bán ra là 55.000đ/chiếc, trừ đi chi phí thì còn thu nhập khoảng 150.000 – 200.000đ. Cũng theo lời bà Hoa, hiện nay, đa số các hộ dân trong nghề đều đã trang bị máy dệt, năng suất cao hơn rất nhiều so với khung dệt bằng tay.
Tuy nhiên, gia đình bà và một số hộ sản xuất khác vẫn muốn giữ lại nét truyền thống mà cha ông đã truyền lại. Với khung dệt tay luôn cần phải có 2 người, một người dập và một người chuồi lác. Riêng đối với những loại chiếu bông nổi, chiếu chữ... đòi hỏi kỹ thuật cao và cách dệt công phu hơn, cả ngày mới dệt xong một chiếc nhưng không phải ai cũng biết dệt…
Cực khổ, gian nan để dệt nên một tấm chiếu là như thế, nhưng lợi nhuận thì không cao. Năm 2013, làng nghề truyền thống dệt chiếu Định Yên được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, một số sản phẩm được xuất khẩu nước ngoài, nhưng số lượng cũng rất hạn chế...
Tình trạng cũng tương tự tại làng chuyên làm nghề tranh kính ở Cù lao Ông Chưởng (xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Làng nghề này được hình thành từ những năm 1945. Hồi khởi thủy, cả làng vẽ tranh lên giấy đem bán, sau thấy giấy mau hỏng, rách nên vẽ lên vải, lên thiếc và cuối cùng phát hiện ra vẽ tranh trên kính lồng vào khung gỗ đạt được màu sắc rực rỡ và có độ bền từ 5 đến 10 năm mới phai màu.
Trước đây, làng tranh kính cù lao Ông Chưởng có thị trường rộng khắp các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long và cả miền Trung Nam bộ. Thế nhưng, theo lời các lão niên cố cựu trên đất cù lao này, khoảng 20 năm trở lại đây, sức mua tranh kính giảm đáng kể. Cho đến giờ này, cả làng nghề chỉ còn 4 hộ gia đình bám trụ sản xuất và năng lực sản xuất của mỗi hộ chỉ vài trăm bộ tranh/năm. Cái khó của làng nghề hiện nay là với đà xây dựng nhà cửa hiện đại, nhiều người không còn chuộng tranh kính để “treo cho sang” như trước đây nên các hộ sản xuất chỉ làm lây lất theo thời vụ.
Ông Nguyễn Thanh Hòa, chủ cơ sở Nhà vẽ Thanh Hòa, một trong số rất ít hộ bám trụ được với nghề vẽ tranh lên kính cho biết, thời “ăn nên làm ra”, Tổ hợp tác Tranh kính Chợ Mới có trên 15 hộ gia đình tham gia, đến nay thì chỉ còn có mỗi hộ gia đình ông. “Thời ấy, cứ mỗi dịp cận Tết, nhu cầu trang trí nhà cửa tăng cao, thương lái từ khắp nơi nườm nượp đổ về để mua tranh mang đi tiêu thụ khắp cả nước. Còn giờ, nhu cầu của các gia đình hiện đại chủ yếu sử dụng tranh trang trí, không còn yếu tố tâm linh như trước”, ông Hòa, thở dài…