Làng nghề sản xuất tượng ông Táo "chạy đua" ngày giáp Tết

Thứ Hai, 14/01/2019, 13:32

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, người dân thôn Địa Linh (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên- Huế) vẫn gìn giữ được nghề đúc tượng ông Táo để phục vụ thị trường khắp cả nước vào ngày giáp Tết.


Vào thời nhà Nguyễn, người dân thôn Địa Linh thường lấy đất làm gạch ngói phục vụ xây dựng các công trình lăng tẩm, dinh thự cho các vua, quan. Nhận thấy nguồn đất sét dồi dào nên dân làng nơi đây còn sử dụng đúc tượng ông Công, ông Táo. Và nghề đúc tượng ông Táo ở Địa Linh để phục vụ cho thị trường cuối năm, đặc biệt là dịp lễ “đưa các Táo về trời” vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch có từ đó.

Những mẻ tượng ông Táo vừa mới được sản xuất.
Người dân Địa Linh cần mẫn với nghề đúc tượng ông Táo phục vụ thị trường Tết nguyên đán.

Tuy nhiên, hiện ở thôn Địa Linh chỉ có gần 10 hộ cần mẫn giữ lửa nghề tổ tiên để lại, trong đó có gia đình ông Võ Văn Hay. Vào những ngày giáp Tết này, gia đình ông Hay huy động tất cả con cháu trong nhà cùng tham gia vào việc đúc tượng để kịp cung ứng những mẻ tượng mới ra thị trường tiêu thụ.

Việc đúc tượng ông Táo phải trải qua nhiều công đoạn và mất nhiều thời gian.
Sau khi tượng đúc xong, người thợ sẽ đưa tượng vào lò nung.
Để kịp phục vụ thị trường ngày 23 tháng Chạp, người dân Địa Linh nỗ lực lao động cả ngày lẫn đêm.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hay cho biết, để làm nên một bức tượng ông Táo thì người thợ phải trai qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là khâu làm đất, nhồi nhuyễn, sau đó đúc tượng bằng khuôn đúc gỗ. Ông Hay cho rằng, để có những bức tượng đẹp, không bị nứt nẻ thì khâu chọn đất sét cực kỳ quan trọng và điều này phụ thuộc vào sự tinh tế của mỗi người thợ. Sau khi đúc, tượng được phơi nắng cho khô ráo mới cho vào lò nung. Tiếp đến là công đoạn vẽ màu, sơn tượng, sau đó đem phơi khô lần nữa thì sản phẩm mới được xem là hoàn thiện. 

Công đoạn nung tượng ông Táo được người thợ ở thôn Địa Linh chú trọng, bởi nó quyết định chất lượng sản phẩm tốt hay xấu.
Bình quân mỗi lò nung được sắp xếp từ vài trăm đến hơn 1.000 tượng ông Táo như thế này.

“Vào dịp cuối năm, thời tiết thường mưa rét nên mỗi mẻ tượng như thế, chúng tôi phải mất thời gian từ 4 đến 5 ngày mới hoàn thiện. Sau khi tượng được nung xong, người thợ mới tiến hành tô vẽ lên tượng những gam màu tạo tính thẩm mỹ cho bức tượng. Mặc dù làm tượng ông Táo rất công phu nhưng giá thành bán ra thị trường lại rất thấp. Bình quân mỗi bức tượng được thương lái thu mua từ 3 đến 5 ngàn đồng, trừ chi phí công cán, nguyên liệu… thì người sản xuất thu lợi rất ít”, ông Hay chia sẻ.

Tiếp đến là công đoạn trang trí cho sản phẩm.
Sau nhiều giờ nung, tượng ông Táo sẽ được đưa ra khỏi lò nung.

Dù lợi nhuận từ việc đúc tượng ông Công, ông Táo không cao, song hàng chục năm qua, gia đình ông Đức, ông Hay và một số hộ dân ở thôn Địa Linh vẫn cần mẫn duy trì nghề truyền thống này. Vào vụ Tết, bình quân mỗi xưởng đúc tượng ở Địa Linh xuất lò khoảng 40 đến 50 ngàn tượng ông Táo. Ngoài cung ứng cho thị trường ở địa bàn tỉnh, mặt hàng này còn được các thương lái thu mua để vận chuyển vào tiêu thụ tại các tỉnh thành ở khu vực phía Nam.

Tượng ông Táo được người thợ sơn màu, trang trí họa tiết, sau đó đóng gói xuất ra thị trường tiêu thụ vào dịp cận Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND xã Hương Vinh cho biết: Có thời gian, tưởng chừng làng nghề bị mai một, thất truyền nhưng nhờ công tác vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương và sự nỗ lực của các hộ dân nên đến nay, nghề đúc tượng ông Táo ở Địa Linh dần hồi sinh trở lại để đáp ứng thị trường ở nhiều tỉnh thành trên toàn quốc vào dịp giáp Tết nguyên đán Kỷ Hợi.


Anh Khoa
.
.
.