Nhiều làng nghề truyền thống Cố đô Huế tất bật vào vụ Tết

Thứ Hai, 21/01/2019, 09:14
Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đã cận kề, du khách đến Huế càng thêm thích thú khi ghé thăm các làng nghề truyền thống. Từ những sản phẩm làm bằng đồng rất tinh xảo ở Phường Đúc, hoa giấy làng Thanh Tiên dùng để trang trí, làm quà lưu niệm, đến các loại bánh, mứt… đều được các nghệ nhân và những người thợ chăm chút, tỉ mẩn làm ra để phục vụ thị trường Tết…

Từ xưa Phường Đúc đã nổi tiếng với nghề đúc đồng, bằng trí sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa, những người thợ nơi đây đã làm nên bao kiệt tác như vạc đồng Đại Nội (1659-1684), chuông chùa Thiên Mụ (1710), cửu đỉnh (1835-1804), cửu vị thần công (1803-1804), chuông chùa Diệu Đế (1846)…

Ngày nay, Phường Đúc vẫn duy trì nghề đúc đồng truyền thống với nhiều cơ sở sản xuất. Vào thời điểm cận Tết cổ truyền, không khí làm việc tại các xưởng đúc càng thêm hối hả, khẩn trương để kịp cung ứng sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Các chủ cơ sở đúc đồng ở Phường Đúc cho biết, ngoài các sản phẩm truyền thống là đồ thờ cúng như lư đồng, bát hương, tam sự, ngũ sự, cồng, chiêng, chuông… thì họ còn sản xuất thêm các sản phẩm lưu niệm tinh xảo đáp ứng nhu cầu thị hiếu khách hàng. Bên trong xưởng đúc rộng khoảng 3.000m2, nghệ nhân Nguyễn Trường Sơn đang hướng dẫn gần 20 thợ lành nghề đúc chiếc đại hồng chung cho một ngôi chùa ở miền núi phía Bắc.

“Để hoàn thiện một sản phẩm bằng đồng đáp ứng đủ các tiêu chí thì ngoài sự khéo léo, trí thông minh, thẩm mỹ, người thợ còn cần sự đam mê và sáng tạo. Nhiều sản phẩm do người thợ Phường Đúc làm nên đã trở thành “thương hiệu” như chiếc đại hồng chung nặng hơn 30 tấn; tượng Trần Hưng Đạo cao 10,2m nặng 21,6 tấn đặt tại công viên Vị Hoàng (Nam Định); tượng Như Lai cao 4,3m đặt tại chùa Kim Thành; tượng Bác Hồ đặt tại Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) và rất nhiều chuông đồng được xuất sang nước ngoài”, ông Sơn bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Tiến Long, Phó Chủ tịch UBND phường, hiện nay Phường Đúc có khoảng 20 hộ dân giữ nghề đúc đồng truyền thống. Trong đó, phần lớn là các cơ sở đúc đồng nổi tiếng sản xuất chuông đồng, tượng Phật. Riêng lĩnh vực sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm trưng bày thì có 3 hộ, gồm cơ sở các ông Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Viện và Nguyễn Văn Phước...

Đối diện với làng nghề đúc đồng Phường Đúc, phía bên kia sông Hương thơ mộng là làng nghề sản xuất mứt gừng Kim Long. Trải qua hàng trăm năm, đến nay người dân Kim Long vẫn duy trì nghề sản xuất mứt gừng vào mỗi dịp giáp Tết. Với sự tận tâm của người thợ, mứt gừng Kim Long trở thành thương hiệu nổi tiếng từ Bắc chí Nam.

Người thợ ở làng Thanh Tiên với sản phẩm hoa giấy bán dịp Tết.

Dù đã quá trưa, nhưng 5 người thợ vẫn cần mẫn trước khoảng sân rộng nhà ông Trương Đình Thử (75 tuổi, ở đường Phạm Thị Liên, phường Kim Long) để làm mứt gừng. Là nghề truyền thống và chỉ sản xuất vào vụ Tết nên cứ đến đầu tháng Chạp, vợ chồng ông Thử phải huy động dâu rể, con cháu trong nhà để cùng tham gia sản xuất.

“Nhìn vậy thôi chứ làm mứt gừng công phu lắm. Từ công đoạn cạo vỏ gừng, thái gừng, luộc, ngào đường rồi đóng bao bì. Trong đó, ngào gừng với đường trên bếp lửa được xem là khâu quan trọng nhất, chỉ cần người thợ cho nhiều đường thì mẻ mứt sẽ bị ướt và không đạt tiêu chuẩn”, bà Trần Thị Hai (73 tuổi, vợ ông Thử) chia sẻ.

Bình quân mỗi vụ Tết, xưởng sản xuất mứt gừng gia đình ông Thử cho ra lò từ 2-3 tấn mứt. Với giá thị trường hiện nay, bình quân mỗi ký mứt bán ra khoảng 50.000 đồng, trừ chi phí nguyên liệu, công cán thì người sản xuất cũng thu được khoản lợi nhuận vừa đủ chi tiêu vào dịp Tết. Theo lãnh đạo phường Kim Long, vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, ngoài các món ăn, thức uống sang trọng thì mứt gừng vẫn được nhiều gia đình ở xứ Huế và các tỉnh thành miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam… sử dụng dọn món đãi khách. Vì thế, dù sản lượng mứt gừng sản xuất năm sau có thể thấp hơn năm trước nhưng các hộ dân ở địa phương vẫn nỗ lực duy trì nghề gia truyền do tổ tiên để lại.

Ngoài các làng nghề kể trên, những làng nghề truyền thống ở xứ Huế như tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên (Phú Mậu, Phú Vang); làng nghề đệm bàng Phò Trạch (Phong Bình), mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên (Phong Hòa, Phong Điền); làng nghề đan lát Bao La (Quảng Phú, Quảng Điền)… cũng đang hối hả vào vụ sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

Anh Khoa
.
.
.